Palestine trở thành thành viên thứ 123 của Tòa án Hình sự Quốc tế
(Baonghean) - Thứ Tư, ngày 1/4, Palestine chính thức trở thành thành viên thứ 123 của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Ngay sau đó, Israel đã lên tiếng phản đối cũng như không công nhận hành động trên của ICC.
Cách 1 ngày trước khi trở thành thành viên chính thức của ICC, trong bài phát biểu trước Viện Khoa học Xã hội (IS) tại La Haye (Hà Lan), Bộ trưởng Bộ ngoại giao Palestine Riyad Al-Maliki tuyên bố “Chúng tôi không tìm cách trả thù mà chỉ đi tìm công lý”. Theo đó, dù trở thành thành viên của ICC nhưng chính quyền Palestine cho biết ít nhất trong thời gian tới đây, Palestine sẽ không “khiếu nại” về Israel. Và dù chưa được công nhận là một quốc gia nhưng buổi lễ kết nạp Palestine thành thành viên chính thức của ICC vẫn được tổ chức theo nghi thức cấp nhà nước.
Dải Gaza hôm 31/3. Ảnh: AP/Adel Hana |
Chính quyền Palestine bắt đầu tham gia vào các hoạt động của ICC kể từ ngày 1/1/2015, ngay sau thất bại của Nghị quyết Hội đồng Bảo an liên quan đến việc công nhận nhà nước Palestine và chấm dứt việc chiếm đóng của Israel. Phía Israel và Mỹ đã lên án mạnh mẽ quá trình trên, đồng thời phủ nhận việc Palestine lấy tư cách là một quốc gia để gia nhập ICC.
Vào tháng 4/2012, Palestine lần đầu tiên nộp đơn xin gia nhập ICC, nhưng sau đó yêu cầu này đã bị bác bỏ với lý do Palestine không phải là một nhà nước. Theo đánh giá của một chuyên gia về luật quốc tế, mặc dù hiện nay đã có một số rào cản được khắc phục nhưng cũng không loại trừ khả năng Tòa ICC bị tuyên bố là thiếu thẩm quyền và việc gia nhập của Paletine sẽ không được công nhận.
Việc Palestine gia nhập Tòa ICC có thể được xem là một hành động gây áp lực với Israel bất chấp việc các nhà lãnh đạo của Palestine mà đặc biệt là phong trào Hamas cũng có thể trở thành mục tiêu xét xử của ICC. Ông Nabil Abouznaid – đại diện Nhà nước Palestine tại Hà Lan tuyên bố “Có thể chúng ta sẽ trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra nhưng chúng ta không sợ điều này”. Theo ông Abouznaid, việc Palestine gia nhập ICC hoàn toàn dựa trên cơ sở bình đẳng.
Có vẻ như cuộc xung đột giữa Palestine và Israel không chỉ diễn ra trên thực địa mà còn mở rộng sang cả lĩnh vực pháp lý. Hồi đầu năm 2015, song song với yêu cầu trở thành thành viên của ICC, Palestine còn yêu cầu các công tố viên điều tra những vi phạm trong “Chiến dịch Bảo vệ biên giới” do quân đội Israel tiến hành tại dải Gaza vào khoảng thời gian từ ngày 13/6/2014 trở đi. Về phía Israel, Trung tâm luật của Israel cũng đã gửi 3 khiếu kiện cho ICC nhằm chống lại Tổng thống Mahmoud Abbas và lãnh đạo của phong trào Hamas Khaled Meshaal.
Chu Thanh (Theo Le Monde 1/4)