Khai thác tiềm năng du lịch nông thôn
(Baonghean) - Ngày 17/3, tại TP. Vinh, UBND tỉnh phối hợp với cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch nông thôn Nghệ An” nhằm tìm ra giải pháp để khai thác tiềm năng.
Có vị trí thuận lợi cả về đường không, đường bộ, đường thủy, đồng thời là một trong những cửa ngõ quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây - nối liền Myanmar - Thái Lan - Lào - Việt Nam với Biển Đông qua các Cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thủy, khu vực nông thôn của tỉnh ta có tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, tập trung nhiều di tích danh thắng, phong tục tập quán đặc sắc, đặc biệt là các di sản văn hóa có giá trị, nổi bật là Dân ca ví, giặm - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được bảo tồn, phát huy trong đời sống của người dân xứ Nghệ.
Hội thảo “Phát triển du lịch nông thôn Nghệ An” được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp để khai thác tiềm năng. Ảnh: T.T |
Những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của các ban, ngành, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Du lịch Nghệ An đã có bước phát triển trên nhiều mặt. Lượng khách và doanh thu du lịch hàng năm tăng khá. Sự phát triển của du lịch tỉnh nhà đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các tầng lớp dân cư, nâng cao dân trí, cải thiện môi trường sinh thái, tăng thêm vẻ đẹp bộ mặt cảnh quan và góp phần tăng nguồn thu ngân sách. Theo đó, khai thác tiềm năng du lịch nông thôn là một hướng đi mà tỉnh đang hướng tới. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai một số dự án như: “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo miền Tây xứ Nghệ”, “Phát triển du lịch vùng biên”... Từ đó đã hình thành một số loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, leo núi, vượt sông, vượt thác, du lịch ngắm hoa hướng dương của Tập đoàn TH, du lịch sinh thái Trại Bò (Diễn Lâm - Diễn Châu), thăm làng nghề dệt thổ cẩm, đan lát ở các cùng đồng bằng và miền núi Nghệ An... bước đầu tạo nên các sản phẩm du lịch mới, tạo sức hấp dẫn đối với du khách... Tuy nhiên, hình thức tổ chức các loại hình du lịch này còn mang tính tự phát, hoạt động chưa chuyên nghiệp, các loại hình dịch vụ còn đơn điệu. Nhân lực hỗ trợ và cộng tác tại các địa phương còn yếu. Cơ sở hạ tầng du lịch, giao thông tại các tuyến điểm này còn lạc hậu, chưa được đầu tư đúng mức để đáp ứng yêu cầu phát triển...
Từ thực trạng đó, hội thảo lần này được tổ chức với mong muốn trở thành diễn đàn để các cơ quan, ban, ngành liên quan sẽ đưa ra những hướng đi, những giải pháp thích hợp cho phát triển du lịch nông thôn. Với 10 tham luận, ý kiến như “Một số vấn đề về phát triển du lịch nông thôn Nghệ An”, “Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn”, “Gắn sản phẩm nông nghiệp với phát triển du lịch nông thôn”... nhất là được sự hợp tác hỗ trợ, tư vấn của tổ chức JICA - Nhật Bản, hy vọng thời gian tới du lịch nông thôn tỉnh ta sẽ khai thác tốt tiềm năng.
Theo bà Lê Thị Thanh Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Nghệ An thì để khai thác tiềm năng đó, rất cần sự vào cuộc của các trung tâm lữ hành du lịch, các địa phương có tiềm năng và nhất là cách làm, sự vào cuộc đồng bộ của chính người dân địa phương phải có trách nhiệm trong khai thác, gìn giữ, bảo tồn. Ông Tạ Khắc Uyên, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Nghệ An cho rằng: Để phát triển du lịch nông thôn gắn với xóa đói, giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, trước mắt chúng ta cần thay đổi nhận thức, nếp nghĩ cách làm của người dân tại các vùng mà người dân tham gia làm dịch vụ du lịch và sản phẩm du lịch. Cụ thể: Tăng cường mở các lớp tập huấn cho người dân bản địa; xây dựng và phát triển các tour du lịch về nông thôn; Tập trung đầu tư có trọng điểm các làng nghề truyền thống tiêu biểu, đặc biệt cần tổ chức một cách chuyên nghiệp từ sản xuất - chế biến - trưng bày các sản phẩm và bán tại các làng nghề. Hoàn thiện việc quy hoạch du lịch cho từng địa phương, từng làng nghề, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước để thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt, tránh tình trạng làm ăn manh mún. Xây dựng các mô hình du lịch ở nông thôn phù hợp với các địa phương khác nhau. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật và các sản phẩm du lịch làm cho các làng quê Việt Nam trở nên dễ tiếp xúc hơn và tạo thuận lợi trong liên kết giữa các làng, các khu vực trong thu hút khách du lịch... Riêng các doanh nghiệp lữ hành khi xây dựng các chương trình du lịch nông thôn cần nghiên cứu kỹ đặc điểm của các địa phương có tài nguyên du lịch. Đồng thời tăng cường mở rộng thị trường và tuyên truyền, quảng bá cho các chương trình du lịch nông thôn.
Khu du lịch sinh thái Trại bò xã Diễn Lâm (Diễn Châu) Ảnh: Văn Trường |
Bên cạnh xây dựng điểm đến thì việc xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng vùng, miền cũng rất quan trọng. Về vấn đề này, đại diện Sở Công Thương cho rằng: Thời gian qua, tỉnh ta đã từng bước hình thành 3 sản phẩm đặc trưng được du khách ưa thích, đó là kẹo lạc, bánh đa vừng Đô Lương, cam Vinh và sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu). Tuy nhiên, để các sản phẩm này trở thành món quà du lịch của tỉnh dành cho du khách, thời gian tới các ban, ngành liên quan cần phối hợp để xây dựng và phát triển các sản phẩm này thành sản phẩm du lịch như xây dựng bao bì, nhãn mác cho từng sản phẩm; có kế hoạch, chiến dịch quảng bá, tuyên truyền trên phương tiện thông tin chính thống, tham gia hội chợ, triển lãm ... nhiều hơn nữa; Tiến hành xây dựng kênh phân phối tại các điểm du lịch theo hệ thống khách sạn, nhà hàng, tại các điểm vui chơi, giải trí, mua sắm tại các vùng du lịch nông thôn...
Ông Ando Katsuhiro - Chuyên gia về phát triển du lịch JICA Việt Nam khẳng định: Nghệ An hoàn toàn có đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch nông thôn. Trước hết, cấp ủy, chính quyền ở huyện và xã, thôn, bản phải nhận thức được việc xây dựng du lịch nông thôn là vấn đề quan trọng nhằm phát huy giá trị của làng xã, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Nhận thức này phải được thể hiện bằng hành động cụ thể từ khâu quy hoạch, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, vai trò của cộng đồng dân cư rất quan trọng trong xây dựng và phát triển du lịch nông thôn. Chỉ khi nào người dân được hưởng lợi từ du lịch, được tham gia trực tiếp vào các hoạt động với vai trò chủ thể thì lúc đó du lịch nông thôn mới thành công và phát triển bền vững. Muốn vậy, Nghệ An cần giáo dục ý thức cộng đồng gắn với việc bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tránh không bị mai một. Để người nghèo nơi đây có thể được hưởng lợi ích từ ngành Du lịch, thì chính bản thân người dân phải ý thức được và tham gia với vai trò chính để tự tạo việc làm. Người dân có thể tìm kiếm lợi nhuận từ du lịch thông qua việc bán các sản phẩm và dịch vụ như hàng nông sản, đồ thủ công, các sản vật của địa phương. Du khách tham quan tại các điểm đến có thể tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm như thêu, dệt thổ cẩm, làm bánh, nấu ăn hay tham gia các hoạt động nghề nông cùng với người dân bản địa; trao đổi mua - bán nhỏ, lẻ, từ đó giúp nâng cao thu nhập của người dân, đồng thời đem lại những trải nghiệm đầy màu sắc và bổ ích cho du khách.
Tuy nhiên, điều quan trọng là muốn phát triển du lịch nông thôn thì Nghệ An cần tập trung làm mới các sản phẩm của mình bằng những cách làm phù hợp với tiềm năng của từng địa phương. Ví dụ như: ở Nam Đàn - cái nôi của hát ví phường vải, nơi có dòng sông Lam chảy qua, để khai thác, có thể đưa hát ví phường vải phục vụ du thuyền trên sông Lam; ở các huyện miền Tây như Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu ... cần phát huy các làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, du lịch trải nghiệm gắn với tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây... Ông Ando Katsuhiro khẳng định: “Để hỗ trợ cho Nghệ An trong phát triển du lịch nông thôn, thời gian tới, JICA sẽ tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm tư vấn hướng dẫn du lịch nhỏ phù hợp với từng địa phương, hệ thống vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch nông thôn như Nam Đàn, Yên Thành, Côn Cuông... nơi tổ chức đã khảo sát. Tuy nhiên, để khai thác được, JICA cần sự hợp tác hỗ trợ của các ban, ngành liên quan. Cụ thể: Về phía UBND tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo, lãnh đạo để dự án tiến hành suôn sẻ; Sở VHTT phối hợp với chúng tôi tiến hành cải thiện dịch vụ du lịch nông thôn; Sở NN & PTNT, Sở Công Thương có sự liên kết để xây dựng sản phẩm du lịch, quà du lịch cho du khách từ sản phẩm nông sản; Liên minh các HTX sẽ hỗ trợ trong việc tổ chức, lựa chọn các mô hình mẫu, tham gia đào tạo nhân lực tại các điểm du lịch; UBND các huyện là cơ quan trực tiếp phân bổ dự án; Trung tâm Xúc tiến du lịch hỗ trợ, tư vấn về cách tuyên truyền các tour, tuyến du lịch... Tất cả những cách làm nay đều hướng tới mục đích: cùng nhau cải thiện cuộc sống người dân ở những vùng có điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Thanh Thủy