Băn khoăn phương án xét tuyển vào lớp 6
(Baonghean) - Thực hiện Chỉ thị số 5105/CT, bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, tất cả các trường THCS không được tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6. Theo đó, những trường lâu nay vẫn được mặc định là trường “năng khiếu” thay vì thi tuyển sẽ chuyển sang phương án xét tuyển. Tuy nhiên, đến nay, việc xây dựng phương án xét tuyển vẫn còn nhiều băn khoăn...
Theo thống kê trên địa bàn tỉnh ta hiện có 11 trường THCS nhiều năm nay tổ chức kiểm tra đầu vào đối với học sinh lớp 6, đó là Trường THCS Đặng Thai Mai (Thành phố Vinh), Trường THCS Đặng Chánh Kỷ (Nam Đàn), Lý Nhật Quang (Đô Lương), Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên), Bạch Liêu (Yên Thành), Trà Lân (Con Cuông)… Đây là những trường điểm, vốn được xem là trường năng khiếu, trường chất lượng cao ở các địa phương và là nơi đào tạo “nguồn” học sinh giỏi lớp 9, đào tạo nguồn cho Trường THPT chuyên Phan Bội Châu sau này. Qua theo dõi, do chỉ tiêu vào các trường hạn chế nên trong các kỳ tuyển sinh tỷ lệ “chọi” khá cao, trong đó cao nhất là Trường THCS Đặng Thai Mai (Thành phố Vinh), tỷ lệ chọi là 7:1 (7 thí sinh dự thi lấy 1). Các trường khác như Trường THCS Lý Nhật Quang, Trường THCS Bạch Liêu, Trường THCS Hồ Xuân Hương trung bình 3,4:1.
Một sân chơi về kiến thức của học sinh Trường Tiểu học Cửa Nam (TP. Vinh). |
Con đậu vào trường diểm trở thành niềm mong mỏi của mọi ông bố, bà mẹ, bởi đây gần như là một “tấm vé” chắc chắn để các em sau này vào trường THPT chuyên, trường điểm và xa hơn nữa là trường đại học. Tại Thành phố Vinh, công cuộc “luyện thi” để con vào được Trường THCS Đặng Thai Mai được các gia đình chuẩn bị từ những năm lớp 2, lớp 3 và trong khoảng thời gian đó các em hầu như phải chạy “xô” từ lớp học thêm này sang lớp học thêm khác. Ngay như tại thời điểm cuối tháng 11 này, dù thông tin không tổ chức thi đầu vào lớp 6 đã được công bố trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng nhưng nhiều phụ huynh vẫn cho các cháu đi học thêm ca 2, ca 3 môn Văn, môn Toán. Anh Trần Văn Tuấn, phụ huynh chia sẻ: Con trai tôi học khá nên gia đình muốn con vào được Trường THCS Đặng Thai Mai để sau này có môi trường học tập tốt. Gia đình cũng biết sẽ không thi tuyển vào lớp 6 nữa nhưng cũng chưa thấy trường thông báo phương án mới nên vẫn phải đưa con đi học thêm cho yên tâm.
Thầy Trần Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Liêu (Yên Thành) cho biết: Mặc dù ở thị trấn và các xã đều có trường cấp II nhưng nhiều năm nay phụ huynh trong toàn huyện đều mong muốn con thi đậu vào Trường THCS Bạch Liêu. Qua nhiều năm giảng dạy, trường cũng đã chứng minh được đây là trường THCS hàng đầu của huyện, tỷ lệ học sinh cuối khóa thi đậu vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Trường chuyên Đại học Vinh, trường chuyên của Đại học Khoa học - Tự nhiên chiếm từ 30 - 40%. Riêng về việc Bộ chủ trương không thi tuyển vào lớp 6, nhà trường và phụ huynh hiện cũng rất băn khoăn: Mấy hôm nay nhiều phụ huynh có con em học lớp 5 liên tục gọi điện cho ban giám hiệu nhà trường hỏi việc tuyển sinh vào lớp 6 năm nay như thế nào để họ định hướng cho con em mình. Chúng tôi chỉ biết động viên họ yên tâm, chờ chỉ đạo của cấp trên để có hình thức tuyển sinh phù hợp.
Mục đích chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đưa ra quyết định không tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 6 đó là để chấm dứt tình trạng dạy thêm và học thêm ở các nhà trường và để giảm bớt áp lực cho phụ huynh và học sinh ở cấp tiểu học. Đây là một quyết định được rất nhiều hiệu trưởng nhà trường, giáo viên và phụ huynh đồng tình. Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo nói rằng: Lâu nay, học sinh tiểu học phải học quá nhiều bởi phụ huynh kỳ vọng con mình sẽ được vào trường chuyên lớp chọn. Trong khi, đối với học sinh tiểu học, điều quan trọng nhất là tạo cho các em môi trường học tập thoải mái, chú trọng giáo dục kỹ năng sống.
Ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD &ĐT, cho biết: Không thi vào lớp 6 không có nghĩa là chúng ta sẽ bỏ hệ thống các trường điểm hiện nay. Thực tế, tại tỉnh ta nhìn lại quá trình phát triển của các trường này cho thấy, dù có những thời kỳ, Bộ không chủ trương phát triển hệ thống trường chuyên, lớp chọn nhưng những trường này vẫn tồn tại dưới một tên gọi khác. Mục đích nhằm đào tạo nguồn cho các địa phương và đào tạo nguồn cho các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi quốc tế của tỉnh. Có lẽ cũng vì tính chất đó nên lâu nay việc lựa chọn học sinh đầu vào cho các trường luôn được chú trọng và giải pháp được duy trì nhiều năm nay đó là kiểm tra đánh giá chất lượng đầu vào. Nhưng khi Bộ ban hành Chỉ thị số 5105/CT, bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, tất cả các trường THCS sẽ không được tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6, do đó, làm sao vẫn chọn được học sinh đầu vào có chất lượng nhưng không phải tổ chức thi đang đặt ra bài toán khó cho các nhà trường.
Về vấn đề này, thầy giáo Lê Văn Hoàn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên) cho rằng: Gần 30 năm tồn tại, hầu như năm nào trường cũng tổ chức kiểm tra đánh giá đầu vào và qua chất lượng học sinh các năm, chúng tôi tin rằng việc lựa chọn của mình là chính xác. Còn hiện tại, nếu không thi thì chúng tôi cũng chưa biết phương án nào là thích hợp, bởi nếu căn cứ trên tỷ lệ học sinh giỏi cuối cấp I thì chắc chắn sẽ rất đông và chưa hẳn trường nào cũng đánh giá chính xác.
Ông Thái Khắc Tân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Vinh thì cho rằng “Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đưa ra một bài toán khó mà lời giải thì chưa có đơn vị nào giải được”. Đặt trên địa bàn Thành phố Vinh vấn đề này lại càng nan giải hơn bởi nếu căn cứ vào tỷ lệ học sinh giỏi thì tỷ lệ này rất đông (riêng năm học 2013 - 2014 toàn thành phố có 1.900 học sinh lớp 5 được xếp loại giỏi, trong khi chỉ tiêu của Trường THCS Đặng Thai Mai thì chỉ có 250 học sinh). Hơn nữa trong năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chủ trương không xếp loại học lực cho học sinh mà chỉ đánh giá nhận xét trên tinh thần: đạt hoặc không đạt, hoàn thành hay không hoàn thành. Các kỳ thi như: Toán tuổi thơ, Tiếng Anh tuổi thơ, giải Toán qua mạng cũng không còn được tổ chức như trước kia. Lại có ý kiến cho rằng, do địa bàn Thành phố Vinh rộng nên chỉ tiêu tuyển sinh vào Trường THCS Đặng Thai Mai sẽ được giao trực tiếp về cho các trường. Tuy nhiên, cách làm này lại không hợp lý, bởi hiện mỗi trường có một cách đánh giá học sinh khác nhau trong khi Bộ không có chủ trương dùng đề thi chung trong các kỳ kiểm tra đánh giá cuối kỳ. Hơn nữa, cách làm này cũng không đảm bảo tính khách quan và dễ xảy ra tiêu cực.
Trước thực tế này, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức lấy ý kiến các trường và các phòng giáo dục. Trao đổi về vấn đề này, ông Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Sở sẽ thực hiện nghiêm túc chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chắc chắn trong mùa tuyển sinh tới sẽ không tổ chức kỳ thi vào lớp 6. Bên cạnh đó, Sở cũng đang giao cho phòng Giáo dục Trung học phối hợp với phòng Tiểu học và phòng Khảo thí để xây dựng phương án xét tuyển. Trong đó có thể dựa trên các tiêu chí như: Kết quả học tập của các cháu trong các năm học ở bậc tiểu học, căn cứ vào kết quả các sân chơi trí tuệ, căn cứ vào kết quả kiểm tra định kỳ cuối năm ở cuối năm và bàn giao chất lượng ở lớp 5 lên lớp 6. Ngoài ra, xét tuyển có những ưu điểm riêng một khi chúng ta làm nghiêm túc, chính xác, khoa học. Còn nếu tổ chức thi sẽ dẫn đến tình trạng dạy thêm học thêm, chạy trường chạy lớp, chạy thầy, gây áp lực không đáng có cho phụ huynh và học sinh.
Theo kế hoạch, tháng 12, Sở GD-ĐT sẽ ban hành văn bản về các cuộc thi trong phạm vi Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo trong năm học 2014 - 2015, trong đó có việc không tuyển sinh vào lớp 6. Trên cơ sở đó giao cho các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành, thị phối hợp với các trường tham mưu phương án đề phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương trước khi trình UBND các huyện xem xét và đưa ra phương án cuối cùng. Ngành Giáo dục cũng đang xây dựng phương án để trình HĐND tỉnh, trong đó sẽ thành lập các trường THCS trọng điểm ở các địa phương cùng hệ thống với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, giúp cho các địa phương thuận lợi hơn trong việc tạo nguồn và nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn.
Bài, ảnh: Mỹ Hà