Xã Thanh An (Thanh Chương): Nỗ lực đạt kết quả toàn diện
(Baonghean) - Thanh An là xã miền núi khu vực 3 của huyện Thanh Chương, địa bàn rộng với 3.800 ha, vùng dân cư cách trung tâm xã xa nhất là 17 km. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ xã mất khá nhiều thời gian trong việc xử lý cán bộ sai phạm ở nhiệm kỳ trước đó. Có những thời điểm một số chức danh bị khuyết, một số cán bộ phải nỗ lực gánh vác làm việc “bằng hai”. Mặc dù vậy, với nhận thức không để khó khăn ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chính trị và làm cho phong trào địa phương yếu đi, Đảng bộ, chính quyền Thanh An cố gắng, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, quan tâm công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị.
Di tích Quán Thánh, xã Thanh An, được khôi phục từ nguồn lực con em xa quê đóng góp. |
Nhìn lại cả nhiệm kỳ 2010 - 2015, Thanh An đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Kinh tế liên tục có bước tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân trong 5 năm (2010 - 2015) đạt 13,74%. Thu nhập bình quân đầu người từ hơn 12 triệu đồng/người năm 2010 lên hơn 16,23 triệu đồng/người năm 2014, dự kiến năm 2015 đạt trên 17 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó sản xuất nông nghiệp đã tạo ra được dấu ấn trong nhiệm kỳ với các mùa vụ được đảm bảo, quan tâm đầu tư thâm canh, đưa giống mới vào sản xuất, năng suất, sản lượng đều tăng. Nếu như năm 2010, tổng sản lượng cây lương thực có hạt cả năm đạt 1.936 tấn thì năm 2014 là 2.077 tấn, dự kiến năm 2015 đạt 2.445 tấn.
Diện tích chè tăng lên hàng năm đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình ở Thanh An |
Với lợi thế về đất đai, đất đồi vệ lớn, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền xã Thanh An tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân mở rộng diện tích trồng chè được 170 ha, đưa tổng diện tích chè toàn xã lên 450 ha, gấp đôi diện tích trồng lúa của xã. Từ cây chè, nhiều hộ nông dân ở Thanh An đã đầu tư thâm canh, tăng năng suất, đưa lại nguồn thu nhập khá. Cây sắn nguyên liệu giống cao sản được mở rộng từ 40 ha, năng suất 35 tấn/ha (năm 2010) lên 80 ha, năng suất đạt 39 tấn/ha (năm 2014). Diện tích trồng rừng cũng được đẩy mạnh, bình quân mỗi năm trồng mới 50 ha rừng, cả nhiệm kỳ trồng 250 ha, đưa tổng diện tích rừng trồng của xã lên 700 ha. Kinh tế trang trại tiếp tục được xã khuyến khích, tạo điều kiện với 265 hộ tham gia, trong đó có nhiều gia đình có thu nhập 50 - 80 triệu đồng/ha/năm. Trong thực hiện chuyển đổi ruộng đất, Thanh An được đánh giá là một trong những xã triển khai tốt, từ 5 - 7 vùng/hộ, sau chuyển đổi, bình quân chỉ còn 1 - 3 vùng/hộ. Mặc dù là địa bàn miền núi, thuộc diện khó khăn của huyện, nhưng trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Thanh An đã hoàn thành được 4 tiêu chí nông thôn mới, nâng tổng số tiêu chí hiện đạt là 9/19 tiêu chí.
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Các loại hình sản xuất gạch nung, không nung, sản xuất đồ mộc dân dụng; dịch vụ nghề xây; vận tải ô tô; cơ giới hóa nông nghiệp; vật tư nông nghiệp... tiếp tục phát triển, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho người dân và địa phương. Thu hút đầu tư, xây dựng các công trình trọng điểm như trường học, đường giao thông, kênh mương thủy lợi, hệ thống phát thanh được xã quan tâm. Tổng vốn đầu tư xây dựng trên địa bàn trong 5 năm đạt 13,66 tỷ đồng, trong đó thu hút từ nguồn ngân sách Nhà nước gần 7,4 tỷ đồng.
Trường THCS xã Thanh An đạt chuẩn Quốc gia trong nhiệm kỳ 2010 - 2015. |
Về văn hóa - xã hội, nổi bật là hệ thống nhà văn hóa, sân thể thao ở các xóm được quy hoạch và đầu tư xây dựng gắn với các thiết chế đồng bộ. Có 4/15 xóm và 3/4 đơn vị đạt danh hiệu văn hóa. Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa chiếm 76,4%; 21% đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao. Xã tập trung hoàn thành hệ thống truyền thanh với tổng kinh phí 350 triệu đồng. Trên tinh thần kêu gọi và nhận được sự giúp đỡ từ con em Thanh An xa quê, xã đã trùng tu, tôn tạo quán Thánh, trị giá hơn 250 triệu đồng. Quán Thánh được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 23 (1870) để thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền đậu đạt, có công với dân, với nước; nay trở thành địa chỉ văn hóa lịch sử, góp phần phục vụ đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân xã Thanh An.
Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, Đảng ủy, chính quyền xã Thanh An đã ban hành nghị quyết, kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất các trường học, nâng cao chất lượng giáo dục, xã hội hóa giáo dục, khuyến học, khuyến tài. Trên cơ sở huy động nhân dân đóng góp và trích ngân sách địa phương với tổng 2 tỷ đồng, xã hoàn thiện cơ sở vật chất các trường học, tạo điều kiện để xây dựng thành công 2 trường đạt chuẩn quốc gia trong nhiệm kỳ, gồm trường THCS và tiểu học. Từ đó chất lượng giáo dục của các trường học được nâng lên, với 27 học sinh giỏi tỉnh; 528 lượt học sinh giỏi huyện; 151 cháu đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong vòng 5 năm.
Lĩnh vực y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình có nhiều tiến bộ, giữ vững xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo từ 37,5% (năm 2010) giảm xuống 15,6% (năm 2014). Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được quan tâm và chăm lo đúng mức; năng lực lãnh đạo, quản lý có nhiều chuyển biến tích cực, đội ngũ cán bộ trưởng thành hơn trong cơ chế mới....
Để đạt được những kết quả nêu trên, cấp ủy, chính quyền đã năng động, sáng tạo trong quản lý điều hành, tạo sự đồng thuận cao trong toàn Đảng bộ và nhân dân. Đổi mới phương thức lãnh đạo linh hoạt, bám dân, bám địa bàn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; phát huy dân chủ, khơi dậy sức dân triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của xã; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ. MTTQ và các đoàn thể quần chúng đổi mới phương pháp hoạt động để làm tốt hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương....
Trên cơ sở những kết quả đạt được, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thanh An đề ra mục tiêu tiếp tục phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Quan tâm phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Xây dựng đời sống văn hóa; giữ vững quốc phòng - an ninh. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 5%; giá trị sản xuất bình quân trên diện tích canh tác là 50 triệu đồng/ha/năm; mỗi năm xây dựng và đạt 2 tiêu chí nông thôn mới. Cùng với đó, xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo ở cả 3 cấp học đều đạt chuẩn quốc gia; giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 10/15 xóm đạt danh hiệu văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 85%. Phấn đấu cả nhiệm kỳ kết nạp 70 - 75 đảng viên; trên 50% chi bộ và đảng bộ cả nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt trong sạch, vững mạnh.
Với tinh thần đoàn kết, phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm, đổi mới, Đại hội Đảng bộ xã Thanh An nhiệm kỳ 2015 - 2020 là đại hội của ý chí, nguyện vọng và sức mạnh lòng dân, cùng cả hệ thống chính trị vì mục tiêu chung đưa Thanh An phát triển toàn diện trong nhiệm kỳ mới.
Nguyễn Danh Lượng
(Bí thư Đảng ủy xã Thanh An)