Thị xã Cửa Lò: "Đánh thức" tiềm năng du lịch tâm linh
(Baonghean) - Du lịch văn hóa tâm linh là loại hình du lịch thông qua di tích, chùa chiền, lăng tẩm… để con người tìm đến ánh sáng đức tin, sự mầu nhiệm tôn giáo nhằm thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Cửa Lò có rất nhiều di tích lịch sử linh thiêng, đậm nét văn hóa biển nhưng chưa được khai thác phục vụ du lịch…
(Baonghean) - Du lịch văn hóa tâm linh là loại hình du lịch thông qua di tích, chùa chiền, lăng tẩm… để con người tìm đến ánh sáng đức tin, sự mầu nhiệm tôn giáo nhằm thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Cửa Lò có rất nhiều di tích lịch sử linh thiêng, đậm nét văn hóa biển nhưng chưa được khai thác phục vụ du lịch…
Cửa Lò là vùng đất “nhân sơn quần tụ” nhiều di tích, nhiều danh thắng, trong đó có những di tích đã được xếp hạng quốc gia, đã được nhân dân phục dựng lại thành những lễ hội quy mô. Tiêu biểu như đền Vạn Lộc, thờ Nguyễn Sư Hồi với Lễ hội Đền Vạn Lộc tổ chức vào Rằm tháng Giêng hàng năm. Đến tham quan đền Vạn Lộc, du khách còn có thể ngắm nhìn phong cảnh hữu tình: phía trước mặt đền là dòng sông Cấm thuyền bè xuôi ngược, bên phải đền có núi Đầu Rồng, bên trái có núi Voi, sau lưng là núi Lò (Lô Sơn); phía Đông và Nam có đảo Lan Châu và Song Ngư, đảo Mắt như những viên ngọc đẹp nổi lên giữa Biển Đông xanh; phía Tây có núi Mão, núi Cờ, núi Kiếm...
Chùa Lô Sơn (phường Nghi Tân, TX. Cửa Lò) - một điểm du lịch tâm linh. |
Cùng với di tích đền Vạn Lộc, còn có di tích chùa Lô Sơn, đền Mai Bảng, đền Yên Lương… Đặc biệt, đến với Cửa Lò du khách không thể bỏ qua chùa Đảo Ngư - ngôi chùa được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ 13 - 14), là nơi thờ thần Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn. Năm 2004, chùa Đảo Ngư đã được trùng tu, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và du khách gần xa. Cùng với việc trùng tu chùa, bến cảng ở đảo Song Ngư và ở đảo Lan Châu cũng đã được xây dựng, thuận tiện cho du khách hành hương và viếng thăm chùa.
Du khách có thể tham quan chùa Đảo Ngư bằng thuyền máy trong vòng 25 phút tính từ bãi tắm Cửa Lò. Bên cạnh việc viếng thăm chùa Đảo Ngư, du khách còn có cơ hội tham quan phong cảnh của đảo, khu nuôi cá giò giữa biển, thưởng thức cá giò 7 món cùng Song Ngư tửu - thứ rượu được chưng cất từ nguồn nước giếng Thần ở đảo. Và cách đây 1 năm, dự án quần thể du lịch sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, thể thao Lan Châu - Song Ngư khởi công và tuyến vận tải khách bằng đường thủy từ đảo Lan Châu đến đảo Song Ngư đã khai trương tại Thị xã biển - mở ra một hướng mới cho du lịch Cửa Lò trong đa dạng các dịch vụ để phục vụ khách du lịch.
Có thể thấy rằng, tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh của Thị xã rất phong phú, đa dạng tuy nhiên, hiện nay khách du lịch cũng chỉ mới biết đến chùa Đảo Ngư mà rất ít người biết đến các đền, chùa khác nằm ngay trong lòng thị xã.
Bà Võ Thị Hảo (64 tuổi) người dân khối 4, phường Nghi Thủy, trông coi đền Mai Bảng, cho biết: Mỗi năm, vào ngày 12/2 âm lịch, đền đều tổ chức lễ giỗ bà Bích Châu gắn với lễ hội cầu Ngư của người dân vùng biển. Khách khắp nơi trong vùng đều đổ về dâng hương, xem hội. Hội to là thế, đền đẹp, khang trang là thế nhưng rất ít du khách tìm đến. Là người trông coi đền, gắn bó với vùng đất này từ thời cha ông, bà Hảo lấy làm buồn lắm: Vì khách du lịch các tỉnh xa xôi năm nào cũng về Cửa Lò nườm nượp, nhưng tịnh không một người biết đến ngôi đền này, dù đền nằm rất gần, ngay trong lòng thị xã.
Và bà Hảo khiến chúng tôi ngạc nhiên khi nêu ý kiến rằng: Đã đến lúc chính những người dân Cửa Lò phải vào cuộc để tuyên truyền, quảng bá cho khách du lịch biết. Ví như khi khách đến mua đồ hải sản tại làng nghề Nghi Thủy, chủ cửa hàng vừa bán hải sản, vừa tư vấn, giới thiệu cho khách rằng ở Cửa Lò còn có nhiều điểm di tích linh thiêng, cảnh đẹp hấp dẫn lắm. Qua những lần giới thiệu như thế, chắc chắn khách du lịch sẽ thấy tò mò, thích thú và muốn đi ngay, khi đó, chính chủ cửa hàng phải là người hướng dẫn, chỉ đường cho khách, nếu như không hướng dẫn được thì có thể gọi điện thoại cho Ban quản lý đền để được hỗ trợ thêm. Với cách làm này, từ anh lái xe điện khi chở khách đi chơi cũng có thể quảng bá, đến người bán hàng ăn sáng, người phục vụ khách sạn, người phục vụ nhà hàng…đều có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch. Từ những di tích đó, du khách được chiêm ngưỡng một Cửa Lò văn minh, hiện đại nhưng dày trầm tích văn hóa, lịch sử.
Ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Trung tâm VHTT Cửa Lò cho biết: Với 18 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 10 di tích đã được xếp hạng, thời gian qua Cửa Lò cũng đã huy động xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo, phục dựng lại di tích gắn với các lễ hội truyền thống. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để khai thác, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Tuy nhiên các di tích này mới chỉ thu hút được người dân địa phương và các vùng lân cận chứ chưa thu hút được khách du lịch. Thời gian tới, thị xã tiếp tục đẩy mạnh quảng bá nội dung, giá trị di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng. Quản lý tốt các di tích trên địa bàn để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch. Đặc biệt là sẽ hình thành các tour, tuyến du lịch nội thị xã gắn liền với các điểm di tích…
Bài, ảnh: Thanh Thủy