Người nâng tầm vị chè Shan tuyết
(Baonghean) - Theo lời giới thiệu và dẫn đường của người dân bản địa, chúng tôi đến huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang), tìm gặp anh Lý Chòi Nhàn - "người cha tinh thần" của Hợp tác xã Phìn Hồ, nơi sản xuất ra sản phẩm chè xanh nhãn hiệu Shan tuyết Fìn Hò nổi tiếng. Câu chuyện với Lý Chòi Nhàn thật sự cuốn hút bên ấm chè nóng, xuýt xoa đón cái lạnh rón rén đầu mùa. Thứ chè thoáng chát ở đầu lưỡi nhưng lưu lại một vị ngọt ý nhị nơi cuống họng, dậy một mùi thơm dìu dịu.
Điều thú vị là nơi chúng tôi gặp được anh Nhàn không phải là “hợp tác xã Phìn Hồ” mà là “hợp tác xã nông sản Hoàng Su Phì”. Dường như đoán được thắc mắc đó, anh giải thích: "Trước kia mình là Phó Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên, hợp tác xã chè Phìn Hồ là ý tưởng của mình và cũng do mình đứng ra vận động bà con xã Phìn Hồ tham gia, thành lập vào năm 2008. Sau này mình về làm Phó phòng Nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì, lại nảy ra ý định thành lập hợp tác xã nông sản. Năm 2013 thì chính thức thành lập hợp tác xã này, vì còn non trẻ nên các sản phẩm của hợp tác xã chưa tạo được thương hiệu như chè shan tuyết Fìn Hò...".
Anh Lý Chòi Nhàn giới thiệu sản phẩm cho phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: Đào Tuấn |
Hỏi, tại sao một Phó Chủ tịch xã trẻ lại có ý tưởng thành lập hợp tác xã chè - thứ cây sinh trưởng trên núi cao vốn gắn liền với truyền thống của người dân tộc Dao ở miền Tây Hà Giang này? Anh cho hay, chính gia đình anh cũng gắn bó với cây chè shan tuyết từ nhiều thế hệ. Chè shan tuyết của Hoàng Su Phì có đặc điểm là cực kỳ ưa độ cao và khí hậu lạnh. Phải từ độ cao 1.000m trở lên, lá chè sau khi sao mới đậu tuyết - nên có tên gọi chè shan tuyết - và có như vậy thì khi uống mới có vị ngọt hậu đặc trưng mà nếu trồng ở các địa phương khác không thể có được. Có những gốc chè cổ thụ mấy trăm năm, vài chục người có thể trèo lên tán cây, để thấy cây chè đã trở thành biểu tượng có ý nghĩa quan trọng, bám rễ sâu vào đời sống và hệ tư tưởng của người Dao nơi đây. Thế nhưng, chưa có một hình thức khai thác nào có hiệu quả, tận dụng được hết giá trị của cây chè, đảm bảo thu nhập ổn định cho bà con.
Từ những trăn trở, xót xa của một người con thôn Phìn Hồ, anh Nhàn đã mạnh dạn xây dựng đề án thành lập hợp tác xã chè, được lãnh đạo xã Thông Nguyên và huyện Hoàng Su Phì thông qua. Với số vốn cá nhân, vốn vận động từ 20 xã viên đầu tiên cùng với vốn vay từ ngân hàng, tổng chi phí ban đầu cho hợp tác xã là 1 tỷ 500 triệu đồng. Đích thân anh Nhàn tìm hiểu các quy trình chế biến và đóng gói chè, mua dây chuyền thiết bị đóng gói, chỉ đạo thiết kế bao bì mẫu mã sản phẩm, làm hồ sơ xin cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng chỗ đứng của thương hiệu Fìn Hò trà trên thị trường. Bắt đầu từ năm 2010, hợp tác xã trả hết nợ ngân hàng và bắt đầu kinh doanh có lãi. Đến nay hợp tác xã có 45 xã viên, mỗi xã viên thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm. Trong số 20 xã viên đầu tiên có 5 hộ thuộc diện hộ nghèo thì nay đã thoát nghèo bền vững.
Nói rồi, anh Nhàn đưa chúng tôi đi tham quan phòng trưng bày của hợp tác xã. Tại đó, không chỉ có các sản phẩm nông sản Hoàng Su Phì, chè Shan tuyết Fìn Hò mà có cả những sản phẩm đặc trưng khác của Hà Giang như rượu Nàng Đôn, mật ong bạc hà, thảo dược,... tất cả đều được anh Nhàn giới thiệu tỉ mỉ. Anh không khỏi tự hào khi đưa cho chúng tôi mẫu sản phẩm củ cải nương sấy khô được đóng trong bao bì mới, ghi nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận. Để cho ra thành phẩm như ngày hôm nay, anh đã đích thân đi vào Thanh Hóa tìm mua hệ thống lò sấy bằng hơi nước bão hòa. "Thường người ta dùng lò này để sấy các loại gỗ quý.
Nếu chỉ sấy nông sản ở số lượng nhỏ, chắc chắn sẽ không đủ chi trả nhiên liệu vận hành dàn máy. Nhưng hợp tác xã thu mua củ cải của bà con không giới hạn số lượng, nên không lo, chỉ lo bà con mất mùa mà thôi". Trên thực tế, năm 2013 là năm đầu tiên sản xuất thử nghiệm củ cải nương sấy khô, từng thất bại một lần vào thời điểm trái vụ. Rút kinh nghiệm từ thất bại đó, anh Nhàn đầy lạc quan cho biết sẽ chỉ sản xuất củ cải sấy chính vụ, thời gian còn lại chuyển sang chế biến nấm. Hợp tác xã nông sản Hoàng Su Phì đã tiến hành trồng thử nghiệm và thành công các loại nấm có giá trị kinh tế cao như nấm bào ngư, nấm linh chi... Hiện 10.000 bầu nấm vừa hoàn thành công đoạn đóng bầu, khoảng 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán, dự kiến thu hoạch được từ 3 đến 5 tấn nấm.
Tận mắt nhìn thấy những sản phẩm được đóng gói cẩn thận và chuyên nghiệp, đạt tiêu chuẩn không chỉ của thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế, không khỏi ngỡ ngàng khi biết rằng trên tay mình là sản phẩm của trí tuệ và sức lao động của những đồng bào người Dao mộc mạc, gắn liền với nền nông nghiệp thủ công truyền thống. Hơn cả sự cần cù, chịu khó, là cần có một trái tim đầy nhiệt huyết, biết yêu, biết quý, biết tôn vinh những gì mình đang có, cùng sự năng động và táo bạo, dám nghĩ, dám làm, và đáng ngưỡng mộ nhất là tinh thần tự chủ, tự lập như anh Nhàn đã nói: "Nhà nước có chế độ hỗ trợ nhưng khi đang ở giai đoạn thử nghiệm, mình chủ động bỏ vốn hợp tác xã ra để làm, vì nhỡ đâu thất bại thì sao? Phải có được thành quả trong tay, mới mong được công nhận". Để thấy, thành công không chỉ đến từ những điều lớn lao và xa vời, mà đến ngay từ những gì nhỏ bé, gần gũi nhất nếu trí tuệ, sức lao động và nhiệt huyết của chúng ta được đầu tư không giới hạn. Chúng ta cần lắm những "Lý Chòi Nhàn" như thế để những đỉnh núi Tây Nghệ An cũng “nẩy chồi mướt xanh” như đồi chè shan tuyết.
Thục Anh