Thế giới tuần qua: Chiến tranh và Hòa bình
Bạo động ở Thổ Nhĩ Kỳ
Từ tối thứ 2 ngày 6/10, biểu tình nổ ra trên toàn Thổ Nhĩ Kỳ và nhanh chóng chuyển biến thành bạo động, xô xát giữa phe ủng hộ người Kurd và lực lượng an ninh. Thống kê của Bộ Nội vụ thứ 6 ngày 10/10 cho biết đã có 31 người thiệt mạng và 360 người bị thương.
Đây là các động thái đáp lại lời kêu gọi của Đảng dân chủ quần chúng (HDP), đại diện chính trị chính yếu của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ 4 ngày 8/10, từ khóa KobanelcinSokaga ("Hãy xuống đường vì Kobani") tràn ngập trên mạng xã hội Twitter Thổ Nhĩ Kỳ. Mục đích của phong trào này nhằm chỉ trích thái độ thờ ơ của chính quyền Ankara trước nguy cơ thành phố Kobani - nơi tập trung số lượng người Kurd lớn tại miền Bắc Syria - rơi vào tay các phần tử jihad. Chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ là có thể tiếp cận được với thành phố này thông qua biên giới 2 nước bởi 2 cánh quân Kurd khác tại Syria là Afrine và Qamichle bị chia cách với Kobani do phần lãnh thổ rộng lớn tập trung người Hồi giáo sinh sống và thuộc vùng kiểm soát của IS.
Thành phố Diyarbakir tan hoang |
Đến thứ 6 ngày 10/10, trong khi IS gần như đã chiếm được toàn bộ thành phố Kobani thì tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng ngày càng chuyển biến phức tạp, có lợi cho các chiến binh người Kurd và ủng hộ người Kurd. Phong trào biểu tình, bạo động không chỉ gói gọn trong các vùng tập trung người Kurd sinh sống mà đã lan đến cả các thành phố lớn như Istanbul và Ankara. Tại đây, mục tiêu tranh đấu ban đầu của phong trào nhanh chóng bị bẻ hướng, châm ngòi cho bạo loạn, đốt phá, cướp bóc - bạo lực bao trùm lên Thổ Nhĩ Kỳ (lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến giữa PKK - Đảng công nhân Kurdistan và quân đội trong những năm 90).
Tình hình tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn biến phức tạp hơn khi mà xô xát không chỉ xảy ra giữa quân đội với người biểu tình ủng hộ các chiến binh người Kurd mà còn xảy ra giữa chính các cánh vũ trang với nhau. Các thành viên của PKK đang chống đối lại những người Hồi giáo của Hudapar, 1 đảng tôn giáo Kurd liên minh với đảng AKP của chính quyền Ankara và cũng là nhánh hợp pháp của tổ chức đẫm máu Hizbullah - đã bị cấm vận từ giữa thập niên 90. 6 thành viên Hudapar tại Diyarbakir và 2 người khác tại Markin đã bị giết chết. Tổng thống Erdogan ra lời kêu gọi tất cả bình tĩnh trở lại, nhận định rằng những "thế lực đen tối" đang lợi dụng tình hình hỗn loạn để phá hoại tiến trình hòa bình mà Ankara đã cam kết cùng với PKK. Như vậy, Kobani của Syria chỉ là 1 cái cớ, 1 mồi lửa châm ngòi cho những mâu thuẫn chính trị, xã hội và sắc tộc Thổ Nhĩ Kỳ. Bây giờ thì tất cả đã và sẽ tiếp tục cháy, có lẽ là rất lâu nữa ngay cả khi sự kiện Kobani lắng xuống.
Hồng Kông: vẫn chưa "tạnh mưa"
Tuyên bố rút khỏi đàm phán của chính quyền Hồng Kông vào thứ 5 ngày 9/10 đã 1 lần nữa khích động sự bất mãn phong trào bất tuân dân sự. Thứ 6 ngày 10/10, hàng nghìn học sinh, sinh viên lại xuống đường, đáp lại lời kêu gọi "Hãy mang theo lều để chứng tỏ quyết tâm bám trụ lâu dài của các bạn" của Joshua Wong, 1 trong những nhà lãnh đạo của phong trào biểu tình phản đối cải cách bầu cử mới do Bắc Kinh quyết định.
Người biểu tình chiếm đóng các con đường lớn ở Hồng Kông, ngày 10/10 |
Tuần qua hẳn là không hề dễ dàng với chính quyền Hồng Kông khi mà đặc khu trưởng Lương Chấn Anh bị cho là đã nhận 6,4 triệu đô la Mỹ hối lộ từ 1 doanh nghiệp Australia trong 1 dự án bất động sản. Vụ việc này xảy ra trước khi ông Lương nhậm chức đặc khu trưởng vào tháng 7 năm 2012 nhưng đến nay mới bị phanh phui bởi báo chí Australia. Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức nào nhưng Bộ tư pháp Hồng Kông đã khởi động điều tra vụ việc. Cùng với vụ bê bối này, hình ảnh của Lương Chấn Anh đang ngày 1 xấu đi, khi mà vốn dĩ ông đã bị mô tả là "con rối của Bắc Kinh". Tuy nhiên, câu hỏi không ít người đặt ra là tại sao vụ bê bối lại bị phanh phui vào thời điểm này? Có hay không việc Bắc Kinh "thí tốt" để dành cho mình 1 lối thoát trong danh dự?
Tuy thế nhưng vẫn còn quá sớm để phe biểu tình vui mừng, bởi sau các động thái đàn áp, xịt hơi cay vào cuối tuần trước của cảnh sát, số người biểu tình đã giảm đi đáng kể. Biểu tình, chặn đường không phải là điều khiến cho tất cả người Hồng Kông đồng tình, nhất là khi mà những sinh hoạt hàng ngày của cư dân sinh sống ở tụ điểm biểu tình chắc chắn bị ảnh hưởng không nhỏ.
Triều Tiên: im lặng cũng khiến cả thế giới đặt câu hỏi
Hơn 1 tháng nay, Triều Tiên hoàn toàn không có động thái gì mới, dù là làm hòa hay gây hấn. Mâu thuẫn ở chỗ, người ta lại cũng đặt câu hỏi về sự yên ắng "bất thường" này. Dường như chưa bao giờ sự cảnh giác với Triều Tiên được xem nhẹ.
Lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un đã "biến mất" khỏi mọi kênh thông tin. Thậm chí, ngay trong lễ kỷ niệm 69 năm thành lập Đảng Công nhân cũng không thấy ông xuất hiện. Không 1 lời giải thích chính thức từ Pyongyang càng khiến cho người ta mơ hồ, rỉ tai nhau những lời đồn về chính quyền bí ẩn này. Giả thiết được nghĩ đến nhiều nhất là 1 cuộc đảo chính đã lật đổ Kim. Tuy nhiên, theo phân tích của Antoine Bondaz, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên ở Asia Centre thì giả thiết này khó có thể xảy ra. Nếu đảo chính, "hẳn sẽ phải có sự điều động, chuyển quân. Thông tin chắc chắn sẽ rò rỉ sang Hàn Quốc và Trung Quốc. Hiện tại không có dấu hiệu gì cho thấy chế độ đương quyền đang gặp nguy hiểm". Adam Cathcart của đại học Leeds thì nhận định: "Nếu trong 3 tuần tới Kim Jong-un vẫn không xuất hiện, người ta sẽ bắt đầu nhỏ to nghi hoặc. Nhưng 1 lần nữa, điều đó căn bản là chẳng gây hại được gì cho chính quyền này. Hiện tại, mọi sự trong nước không chỉ là bình thường mà là tuyệt đối bình thường". Ngoài ra, việc cử đoàn đại biểu cấp cao sang Hàn Quốc nhân bế mạc ASIAD cũng chứng tỏ chế độ cầm quyền đang trong trạng thái ổn định.
Có luồng ý kiến cho rằng Kim Jong-un sẽ được thay thế bởi chị gái Kim Jo-jong trong thời gian ông dưỡng bệnh. Tuy nhiên điều này được Antoine Bondaz cho là trái với truyền thống của chế độ:"Kim Jong-un đâu có xuất hiện chỉ sau 1 ngày, luôn luôn có 1 sự chuyển tiếp". Theo ông thì giả thiết về bệnh tật có lý hơn cả, 1 cuộc phẫu thuật hoặc bệnh gút sẽ là lý do hợp lý nhất cho sự vắng mặt trong vòng vài tháng: "Hình ảnh và sức khỏe của người lãnh đạo là ưu tiên hàng đầu của chế độ này. Thế nên nếu Kim Kong-un đang trong tình trạng không đủ tốt để xuất hiện thì sự vắng mặt của ông ta là điều hoàn toàn có thể".
Giải Nobel Hòa bình của hòa bình
Giải Nobel Hòa bình đã được công bố đồng thời trao cho 2 người: Malala Yousafzai người Pakistan và Kailash Satyarthi người Ấn Độ, vì những cống hiến trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền trẻ em. Đây là lần thứ 29 giải Nobel Hòa bình có 2 người đồng thời được xướng tên.
Kailash Satyarthi (trái) và Malala Yousafzai, đồng chủ nhân của giải Nobel Hòa bình |
Malala Yousafzai, cô gái 17 tuổi đã trở thành người trẻ nhất trong lịch sử nhận giải Nobel. Biểu tượng của cuộc đấu tranh chống cực đoan tôn giáo trên toàn thế giới, cô là nhà hoạt động nỗ lực vì quyền được đến trường của trẻ em. Trong bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc vào tháng 6 năm 2013, cô nói:"Hãy cầm lấy bút và vở. Đó là vũ khí mạnh nhất mà chúng ta có". Hiện đang sống tại Anh, cô đã lập ra quỹ mang tên mình và nâng đỡ các phong trào giáo dục trẻ em tại Pakistan, Nigeria, Jordan, Syria và Kenya. Kailash Satyarthi, 60 tuổi, lại là người "tiếp nối truyền thống của Gandhi" khi lãnh đạo các phong trào biểu tình, phản đối mang tính hòa bình chống lại sự bóc lột, lạm dụng trẻ em vào mục đích kinh tế.
Điều có ý nghĩa nhất là giải Nobel Hòa bình đã được trao cùng lúc cho 1 người theo đạo Hindu và 1 người theo đạo Hồi - 1 người Pakistan và 1 người Ấn Độ - 1 người trẻ và 1 người già - 1 người phụ nữ và 1 người đàn ông. Đó là bằng chứng không thể chối cãi cho sự tồn tại của 1 lối đi chung giữa vô vàn khác biệt về sắc tộc, tín ngưỡng, giới tính đang là nguồn cơn của những tranh chấp, đổ máu diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới này. Đó là tiếng nói đáng được tôn trọng của sự chia sẻ, cùng nhau sát cánh chống lại những bất công, tồn tại của xã hội. Đó là Hòa Bình.
Thục Anh (tổng hợp từ Le monde)