Cạn tình phụ tử
(Baonghean) - Dự nhiều phiên tòa, chứng kiến nhiều vụ án được tái hiện qua lời khai của các bị cáo, có những vụ án dù đã xét xử xong, tôi vẫn không khỏi day dứt về những phận người trong đó... Dường như, “mẫu số chung” của những vụ án ấy đều bắt nguồn từ bi kịch gia đình đã tích tụ từ rất lâu. Và trong những tấn bi kịch gia đình, hình ảnh người cha đã trở nên méo mó đi trong mắt những đứa con thơ...
Phiên tòa ấy diễn ra vào một ngày cuối tháng 6 giữa tiết trời nắng như đổ lửa. Không khí trong hội trường xét xử cũng “nóng” không kém khi bị hại luôn đề nghị HĐXX tăng án phạt tù cho bị cáo. Bị hại không đồng ý với mức án phạt 5 năm tù giam của tòa án cấp sơ thẩm nên đã kháng cáo đề nghị tăng án phạt tù. Đó cũng là lẽ thường tình trong các phiên tòa. Nhưng khi đọc bản cáo trạng của Viện KSND, tim tôi buốt nhói bởi người ngồi ở ghế bị hại và kẻ đứng trên vành móng ngựa là cha con, được ràng buộc, gắn bó bằng sợi dây huyết thống thiêng liêng. Thế nhưng, đứng trước phiên tòa, sợi dây đó đã bị cắt đứt bởi mỗi lời ông bố thốt ra đều là những lời cáo buộc về tội lỗi đứa con trai của mình. Nó đã cả gan đánh ông, nó định giết ông! Ông cố diễn đạt để HĐXX hiểu nỗi bức xúc của mình. Trên vành móng ngựa, đứa con nín thinh. Nhưng rồi, khi toàn bộ sự việc được tái hiện, người ta dành nhiều thương cảm hơn cho tội nhân, cũng là nạn nhân của bạo hành gia đình.
Minh họa: Hồng Toại |
N.Q.N (SN 1993, trú tại Nghĩa Đàn) là con thứ 2 trong gia đình có 2 chị em. Từ nhỏ, rất nhiều lần N và chị gái chứng kiến những trận đòn bố giáng lên người mẹ. Bố N vốn cục tính và hay uống rượu. Có chút men vào, ông đánh vợ không tiếc tay. Mẹ N không biết bao nhiêu bận phải ôm quần áo chạy trốn khỏi trận đòn của chồng. Bà vào miền Nam làm thuê, vừa tránh được những trận đòn của chồng, vừa có tiền gửi về nuôi con. Có lẽ, suốt những năm tha phương cầu thực là chuỗi ngày tháng bình yên nhất trong cuộc đời bà. Khi ông N.Q.Đ (bố N) bị tai nạn phải nằm một chỗ không có ai chăm, bà lại khăn gói trở về lẳng lặng làm tròn trách nhiệm của một người vợ. Nhưng khi ông chồng hồi phục sức khỏe, thì bi kịch trước đây tiếp tục lặp lại. Ông đánh vợ nhiều hơn, mạnh tay hơn, thậm chí dùng cả dao để buộc vợ phải đưa tiền để ông chơi lô đề, rượu chè. N chứng kiến hết những trận cãi vã, những trận đánh đập giữa bố giáng xuống người mẹ. Chị em N cũng chỉ biết khóc òa lên rồi “xúi” mẹ trốn đi. Tiền dành dụm mấy năm làm thuê của mẹ N cạn dần vì nuôi con ăn học, nuôi chồng đau bệnh. Bà quyết định vay mượn để “lo” cho N đi xuất khẩu lao động. Biết vợ có tiền trong tay, ông yêu cầu bà đưa số tiền đó cho mình, bà không đồng ý. Vậy là ông đánh bà thậm tệ. Chứng kiến cha đánh mẹ, N lao vào can ngăn, bảo mẹ chạy đi. Khi mẹ vừa chạy ra khỏi nhà cũng là khi ông Đ và N ẩu đả với nhau. N giành được cái gộc tre trên tay bố và đánh trả. Dường như bao nhiêu uất ức tích tụ N dồn xuống cánh tay. Chỉ khi thấy bố nằm bất động, N mới bừng tỉnh cuống cuồng gọi người đưa bố đi cấp cứu. Ông Đ bị tổn hại 36% sức khỏe, N bị truy tố trước pháp luật về tội cố ý gây thương tích. Thay vì dùng tấm lòng bao dung của người cha để tha thứ cho lỗi lầm, cảm hóa người con, ông Đ lại làm đơn kháng cáo xin tăng hình phạt đối với con trai mình khi TAND huyện Nghĩa Đàn tuyên phạt N 5 năm tù giam. Nhiều người tham dự phiên tòa và ngay cả thành viên HĐXX đã không khỏi xót xa. Kháng cáo của ông không được chấp nhận vì tòa nhận thấy trong vụ việc có phần lỗi của ông. Phải chi ông Đ không hành xử bạo lực với vợ của mình, phải chi ông cho con một mái ấm đúng nghĩa, thì N đâu phải đứng trước vành móng ngựa như thế này? Xưa nay, con cái đánh cha là bất hiếu, là đáng phải lên án, nhưng giá như ông có đủ tấm lòng bao dung của người làm cha, có lẽ N chỉ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật chứ không phải nhận thêm nỗi đau về mặt tinh thần. Tôi tin, bản án 5 năm của pháp luật N sẽ vượt qua được, nhưng những nỗi đau, những tổn thương mà cha dành cho mình, đến bao giờ mới liền sẹo trong em?
Nếu như những phiên tòa đều là những lần chia ly, thì phiên tòa xét xử N.T.V (SN 1993, Nam Đàn) lại là cuộc “trùng phùng” của hai cha con. V bị truy tố ra trước pháp luật tội “hủy hoại tài sản”. Tài sản mà V đã hủy hoại chính là căn nhà gỗ giá bạc tỷ của cha mẹ mình. Trong phiên tòa phúc thẩm, bố V là N.T.T được trích xuất từ trại tạm giam Công an tỉnh đến tham dự với tư cách là người có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan. Trước đó, T đã bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt án tử hình về tội mua bán trái phép chất ma túy. Trong vai một đại gia buôn gỗ, N.T.T đã cầm đầu đường dây mua bán trái phép 208 bánh heroin từ Lào về Việt Nam. Được gắn cho cái mác “đại gia”, nên T dựng căn nhà sàn bằng gỗ to nhất xã cho xứng tầm. Tiền của từ buôn bán ma túy đã làm hỏng con trai của T. Nó mặc sức phá phách, làm bạn với ma túy đá, và trong một lần ngáo đá, giận mẹ, giận vợ vì cảm giác bị những người thân yêu bỏ rơi, V tưới xăng vào phòng ngủ của mình để đốt. Ngọn lửa lan ra, chẳng mấy chốc thiêu rụi căn nhà cả mấy tỷ bạc của bố. T làm giàu từ ma túy thì cũng chính ma túy đã cướp cả tuổi trẻ của đứa con trai của mình. Bản án 10 năm về tội hủy hoại tài sản có khi lại là cơ hội để V “đoạn tuyệt” với ma túy, nhưng tiếng xấu về đứa con của tử tù phạm tội về ma túy liệu V có đủ nghị lực đứng dậy sau cú vấp ngã này không?
Tôi đã đọc được ở đâu đó, rằng “đức hạnh và uy tín của người cha là di sản lớn nhất của người con”. Tiếc rằng, có những đứa con không có diễm phúc để có thứ di sản lớn nhất cuộc đời này!
Khang Hòa