Bài 2: Thiếu vốn, yếu phương án sản xuất

02/04/2015 16:22

(Baonghean.vn) - Một thời gian dài, đặc biệt trong thời kỳ bao cấp, tổ chức HTX trở nên quen thuộc gần gũi với mỗi một người dân nông thôn. Chuyển sang thời kỳ kinh tế thị trường với đa dạng thành phần kinh tế, vì nhiều lý do trong đó có thiếu vốn, yếu phương án sản xuất, kinh tế hợp tác có phần bị mai một, không phát huy hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN

HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước có tiền thân từ 2 HTX Tứ Liên Sơn và Mai Xuân Tiến. Sau quá trình thăng trầm, đến năm 1998, HTX được thành lập lại với nhiệm vụ kinh doanh phân bón, giống cây trồng, thuốc BVTV, và dịch vụ thủy lợi. Mặc dù có quá trình phát triển nhưng hiện nay, HTX gặp không ít khó khăn, sản xuất cầm chừng.

Ông Hà Xuân Niệm - Chủ nhiệm HTX chia sẻ: HTX chúng tôi có 2.300 xã viên của 14 xóm, 85% dân làm nông nghiệp do đó, nhu cầu về phân bón, giống cây trồng cho mỗi mùa sản xuất là rất lớn, với khoảng 60-70 tấn phân, 16-20 tấn giống/vụ. Để đảm bảo lượng phân, giống phục vụ nhu cầu bà con, mỗi mùa vụ cần khoảng 300-500 triệu đồng, thế nhưng hiện nay vốn của HTX hết sức khó khăn. Bản thân tôi đang sử dụng tiền của gia đình mình trên 100 triệu đồng để có vốn xoay xở mua phân, giống cho HTX, bìa đất của gia đình cũng phải cắm để lấy vốn cho kinh doanh. “Tự hạch toán tự kinh doanh, phải cạnh tranh với một số lượng không nhỏ các cơ sở kinh doanh giống phân bón trên địa bàn xã. Vì thế, để HTX tồn tại, chúng tôi mong được tạo điều kiện có đất làm trụ sở, được cấp bìa đỏ để thế chấp vay vốn”- ông Niệm chia sẻ.

Trụ sở HTX dịch vụ nông nghiệp  Nghĩa Hoàn chưa được cấp bìa, gây khó khăn trong vay vốn
Trụ sở HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hoàn chưa được cấp bìa, gây khó khăn trong vay vốn

Cũng xin nói thêm rằng, hiện trên địa bàn Nghĩa Hoàn, ngoài HTX dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hoàn còn có HTX chăn nuôi, HTX dịch vụ tổng hợp giống cây trồng vật nuôi Nghĩa Hoàn mới được thành lập. Hiện nay, HTX dịch vụ chăn nuôi chưa có trụ sở, 2 HTX còn lại là 2 nhà cấp 4 cũ kỹ vừa là văn phòng làm việc vừa là kho hàng giao dịch với người dân nằm trên cùng 1 khuôn viên nhỏ hẹp của UBND xã Nghĩa Hoàn. Nhìn qua cơ sở vật chất cũng đã cho thấy sự cũ nát, thiếu thốn của các HTX.

Quá trình thực hiện bài viết chúng tôi cũng đã có dịp đi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các HTX cũng như cán bộ trong ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể của các huyện. Hầu hết đều trăn trở trước thực trạng các HTX không có trụ sở, không có đất, cấp bìa để vay vốn. Anh Lê Trung Tâm - Trưởng ban quản lý dự án huyện Nghĩa Đàn cho hay, hiện tại 100% HTX trên địa bàn huyện đang mượn đất của UBND xã để làm trụ sở làm việc, chưa có HTX nào được cấp đất làm trụ sở, kinh doanh, kho bãi. Cũng vì không có tài sản thế chấp và những khó khăn khác, đến nay chưa có HTX nào được vay vốn ưu đãi, vay vốn ngân hàng thương mại mà chủ yếu sử dụng vốn góp ít ỏi ban đầu của các thành viên… Tài sản chủ yếu của các HTX là các công trình như trạm bơm, kênh mương thủy lợi, cầu cống nội đồng. Vốn điều lệ bình quân 960 triệu đồng/HTX, vốn điều lệ thấp, quá trình chuyển đổi hàng năm không được bổ sung, phần lớn xã viên không đóng góp khi chuyển đổi theo luật HTX, số vốn chủ yếu chuyển từ HTX kiểu cũ sang.

Một khó khăn, yếu kém khác của HTX hiện nay phải nói tới là phương án sản xuất. Hiện số HTX làm ăn hiệu quả, có phương án sản xuất, kinh doanh rõ ràng rất ít. Mang danh là HTX nông nghiệp và dịch vụ nhưng xã viên HTX nông nghiệp và dịch vụ Na Tổng (Tam Thái, Tương Dương) chỉ quanh quẩn mô hình sản xuất rau sạch với diện tích 2 ha do chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện năm 2013. Hôm chúng tôi tới, một số người dân đang chăm sóc luống rau cải, vài luống ớt cay thì đã hết mùa thu hoạch lác đác ớt đỏ…

Hỏi bà con về việc tham gia HTX được gì, trách nhiệm ra sao, mọi người gần như chưa hiểu gì về các hoạt động của HTX, chỉ biết có góp vốn 5 triệu đồng ban đầu. Anh Vi Viết Kiều - Phó chủ tịch UBND xã Tam Thái cho hay, Tam Thái là 1 trong 3 xã điểm của Tương Dương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm 2013 xã đạt 11/19 tiêu chí. Một trong những tiêu chí chưa đạt đó là tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất. Chính vì thế, để hoàn tất các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xã đã tiến hành thành lập HTX. Thế nhưng, cho đến nay, hoạt động của HTX vẫn đang rất sơ khai, lúng túng trong việc tìm phương án sản xuất…

Huyện miền núi Tương Dương hiện có 6 HTX, thì cả 6 HTX hoạt động cầm chừng, sản xuất đơn điệu. Phần lớn kinh tế của các hộ gia đình còn khó khăn nên chưa có sự đầu tư lớn về quy mô. Nhận thức về việc phát triển kinh tế bằng việc phát triển tập thể của đại bộ phận người dân còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước; các thành viên HTX chưa được tập huấn, đào tạo về kỹ năng quản lý, kỹ thuật sản xuất để áp dụng vào phát triển kinh tế tập thể. Cơ sở hạ tầng, giao thông vùng sản xuất chưa được đầu tư phát triển nhiều nên đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch, vận chuyển hàng nông sản. Bên cạnh đó công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa được chú trọng đầu tư và áp dụng vào sản xuất. Thị trường đầu ra cho các sản phẩm của các trang trại HTX đang còn khó khăn, đặc biệt thiếu sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, đã ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư của người dân.

Nông dân Nghĩa Hoàn mua giống của HTX
Nông dân Nghĩa Hoàn mua giống của HTX

Nghĩa Đàn - địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế thế nhưng, người dân Nghĩa Đàn được biết đến là có tư duy làm kinh tế hàng hóa nhưng năm 2014, tổng doanh thu của các HTX chỉ đạt trên 5 tỷ đồng, bình quân 658,6 triệu đồng/HTX. Kết quả kinh doanh năm 2014 có 3 HTX và quỹ tín dụng có lãi. Có thể nói rằng, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh thời gian qua còn chật vật, số HTX hoạt động hiệu quả không nhiều, số HTX có nguy cơ giải thể do chưa xác định được phương hướng sản xuất kinh doanh đúng có dấu hiệu tăng.

Nhìn chung, quy mô của các HTX , tổ hợp tác còn nhỏ, trình độ, năng lực quản lý của nhiều cán bộ HTX còn yếu, chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhiều HTX, tổ hợp tác thấp, chưa bảo đảm các nguyên tắc của luật HTX. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế hợp tác chậm, thiếu ổn định, thiếu tính chiến lược. Đa số HTX chưa chủ động trong việc bố trí hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch kinh doanh dịch vụ chưa sát thực. Một số phụ thuộc nhiều vào Đảng ủy, UBND xã. Hợp tác xã hoạt động chưa đúng luật HTX.

Số liệu tổng hợp cho thấy, doanh thu của HTX NN đạt thấp, tổng doanh thu năm 2014 của các HTX ước đạt trên 500 tỷ đồng, trong đó: HTX Nông nghiệp chỉ hơn 125 tỷ; HTX Phi Nông nghiệp đạt gần 252 tỷ; Quỹ TDND là 123 tỷ. Thu nhập bình quân của một lao động làm việc thường xuyên cho HTX Nông nghiệp là 14,2 triệu đồng/năm (trong khi HTX phi Nông nghiệp là 35,3 triệu/năm, Quỹ TDND là 42.31 triệu/năm).

(Còn nữa)

Thu Huyền