Liên kết Du lịch và Thực phẩm: Bài học quý từ Hokkaido (Nhật Bản)
(Baonghean) - Đinh Thị Lệ Thanh
(Ủy viên BTV Tỉnh ủy – Phó Chủ tịch UBND tỉnh)
Ngày 29 - 30/10/2014, tại Thành phố Sapporo, tỉnh Hokkaido (Nhật Bản), cơ quan JICA (Nhật Bản) đã tổ chức diễn đàn về du lịch và thực phẩm. Tại diễn đàn, vấn đề liên kết du lịch với thực phẩm được thảo luận và đề cập dưới nhiều góc độ, như: Du lịch và lương thực; Ẩm thực Nhật Bản dưới góc nhìn của người nước ngoài; Thực phẩm, tham quan và an toàn thực phẩm; Công nghệ thông tin trong nông nghiệp; Sức mạnh của truyền thông hình ảnh... Những thông tin, bài học kinh nghiệm được rút ra từ diễn đàn này là vô cùng hữu ích, đặc biệt đối với Nghệ An, là địa phương có khá nhiều nét tương đồng Hokkaido…
Một góc trung tâm TP. Sapporo (Hokkaido). |
Hokkaido là hòn đảo có diện tích 83.456,87 km2, chiếm 22% diện tích, nhưng lại chỉ chiếm 4,3% dân số Nhật Bản. Dân số Hokkaido tương đương với dân số của các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy… nhưng so về quy mô nền kinh tế lại nhỏ hơn. Trước năm 1868, Nhật Bản do các Samurai nắm quyền, gọi là kỷ nguyên Edo. Sau đó, xảy ra cuộc nội chiến giữa phe bảo thủ và phe cải cách. Đến năm 1868, phe cải cách thắng thế và bắt đầu Chính quyền Minh Trị. Dân số Hokkaido lúc đó khoảng 50.000 người. Để phát triển Hokkaido trở thành lợi ích quốc gia, Ủy ban Thuộc địa hóa Hokkaido đã tiến hành các hoạt động: Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông (hệ thống đường sá); khai thác các mỏ than và làm hệ thống đường sắt; hình thành các doanh nghiệp nhà nước sản xuất rượu, bia, thực phẩm đóng hộp, sữa…
Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh dự Diễn đàn Du lịch và Thực phẩm tại Sapporo (Hokkaido). |
Đến giai đoạn sau Thế chiến thứ 2 (1945), nước Nhật phải đối mặt với 3 vấn đề lớn: Quân lính giải ngũ từ nước ngoài trở về khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao; Công nghiệp bị thiệt hại nặng nề khiến đất nước thiếu lương thực; Nhu cầu tái thiết đất nước sau chiến tranh khiến tăng nhu cầu về những nguồn nguyên liệu thô và năng lượng mới. Trước tình hình khó khăn chung của đất nước, những chính sách, chiến lược phát triển toàn diện Hokkaido được xác định tập trung vào 5 lĩnh vực, gồm: Cải thiện những vùng đất xấu; Tăng cường nguồn cung cấp lương thực; Khuyến khích du lịch; Môi trường và năng lượng; Hình thành xã hội địa phương năng động.
Một số điểm tham quan du lịch ở Hokkaido. |
Những đánh giá chuẩn xác về tình hình thực tiễn, tiềm năng của địa phương, cùng với định hướng, chiến lược phát triển đúng đắn, năng động đã đưa Hokkaido trở thành một hòn đảo xinh đẹp, có sức hút mạnh mẽ đối với du khách bởi những điểm đến hấp dẫn, khiến du khách không thể bỏ lỡ trong hành trình trải nghiệm du lịch tại xứ sở Phù tang như: Daisetsuzan, Công viên Onuma, hồ Toya, Noboribetsu... Đến với Hokkaido, du khách còn bị hấp dẫn bởi giá tuyết, những ngọn đồi và bạt ngàn cánh đồng hoa rực rỡ sắc màu; được thưởng thức nguồn thực phẩm tươi ngon, với nhiều đặc sản đặc trưng tươi sống từ biển cả, từ vườn trái cây, đặc biệt là những ly sữa tươi sạch và món mì Ramen...
Một số điểm tham quan du lịch ở Hokkaido. |
Sự hóa thân kỳ diệu và vô cùng thuyết phục của Hokkaido cho thấy, trong quá trình dựng xây và phát triển, mỗi vùng đất, mỗi địa phương đều có những khó khăn, trở lực không nhỏ, đồng thời, cũng đầy ắp tiềm năng và thuận lợi nếu biết cách nhìn nhận và khai thác. Vấn đề là phải có tư duy năng động và ý chí quyết tâm, bền bỉ trong quá trình thực hiện. Hokkaido chính là sự minh chứng sinh động, thuyết phục nhất và cũng sẽ đem đến những bài học vô cùng quý giá, đặc biệt thiết thực đối với Nghệ An, một địa phương có khá nhiều nét tương đồng trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng liên kết du lịch và thực phẩm.
Đầu tiên là bài học về sự liên kết giữa Thực phẩm và du lịch góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp là những ngành thúc đẩy tăng trưởng chính và mang tính chiến lược đối với Hokkaido. Đây chính là những tiềm năng để địa phương này phát triển ngành Thực phẩm và Du lịch hơn hẳn so với các tỉnh khác ở Nhật, đồng thời, tạo nên “thương hiệu Hokkaido” theo quan điểm tiếp thị, và trong chiến lược phát triển Hokkaido cũng xác định những lĩnh vực này là điểm nhấn, mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng của vùng. Bởi vậy, ngành Thực phẩm và Du lịch, cùng một số ngành liên quan khác được xác định là lĩnh vực tăng trưởng chiến lược, và được Hokkaido tăng cường các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng.
Sở dĩ Hokkaido đưa ra định hướng chiến lược phát triển kết hợp giữa ngành Thực phẩm và Du lịch là bởi họ xác định: Du lịch ở Hokkaido không thể phát triển vững mạnh nếu thiếu sự phát triển mạnh mẽ của ngành Nông, Lâm, và Ngư nghiệp; sự thúc đẩy xuất khẩu và tăng khả năng cạnh tranh về giá thông qua thương hiệu “thực phẩm” gắn với ngành Du lịch; sự thể hiện sức mạnh toàn diện của toàn vùng nhờ kết hợp sức mạnh của hai ngành trên. Đồng thời, họ cũng xác định cần phải có những bước đi chuẩn xác để kết nối giữa ngành Thực phẩm và Du lịch, gồm: Tạo được nhận thức về nhu cầu kết nối; hình thành được nội dung kết nối (phát triển toàn vùng với những loại thực phẩm đặc sản của địa phương và các điểm du lịch); thực hiện các hoạt động xúc tiến (tuyên truyền, tổ chức sự kiện và hợp tác với giới truyền thông). Một trong những vấn đề quan trọng nhất là cung cấp và truyền tải thông tin phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu người sử dụng và thông tin về vùng phải cập nhật, chi tiết. Trong phát triển và thực hiện chiến lược thương hiệu Hokkaido; phát triển hệ thống và cơ chế hợp tác để kết nối giữa ngành Thực phẩm và Du lịch; phải dành đủ ngân sách cho phát triển du lịch.
Bước tiếp theo, các nhà lãnh đạo của Hokkaido triển khai xây dựng những giá trị, sản phẩm đặc trưng cụ thể, như: Giá trị mỳ Ramen của Sapporo theo quan điểm người nước ngoài. Trước đó, bắt đầu khoảng năm 1985, họ mở các cửa hàng bán các sản phẩm Hokkaido ở một số nơi như Hawaii và Hồng Kông, bắt đầu cung cấp mỳ Ramen chính hiệu của Sapporo cho người dân địa phương tại đây. Phương pháp chế biến chủ yếu dùng các loại rau xào bằng chảo, đã giúp thúc đẩy tiếng tăm của loại mỳ này. Khoảng từ năm 2000, ngày càng có nhiều người muốn tìm hiểu về cách mở các cửa hàng mỳ Ramen của Sapporo ở các địa điểm như Hồng Kông và Singapore, họ đã lắp đặt các bếp giống hệt bếp trong các cửa hàng mỳ Ramen trong hệ thống công ty Nhật, các hướng dẫn chế biến được cung cấp kèm với nguyên liệu. Các cửa hàng mỳ Ramen Sapporo của các công ty Nhật Bản đã mở rộng từ châu Á đến Bắc Mỹ, châu Âu sau đó đến Trung Đông, và đã có mặt ở 16 quốc gia hay khu vực từ tháng 10/2014. So với mỳ Ramen sử dụng nguyên liệu địa phương thì ở châu Á rẻ hơn 200 Yên, ở Mỹ rẻ hơn 300 Yên. Giá trị của mỳ Ramen được đánh giá cao nhất ở châu Âu, sau đó đến Mỹ và châu Á. Cụm từ “mỳ Ramen” được công nhận ở nhiều quốc gia và “hiệu ứng” tuyệt vời là giống như thực khách tập dùng đũa 40 năm trước đây, giờ họ tập húp khi ăn mỳ Ramen!
Một số món ẩm thực phục vụ du lịch ở Hokkaido. |
Tiếp đến các nhà lãnh đạo của Hokkaido chủ động tìm và xác định đối tác. Công ty Ramen đã thiết lập một công ty con ở Dusseldorf - Đức vào tháng 10/2013. Quy mô thị trường ở châu Á cũng đủ thiết lập công ty con, nhưng từ quan điểm tăng giá trị thương hiệu của mỳ Ramen Sapporo và do công ty đã tìm được một đối tác tốt, nên đã bắt đầu thành lập công ty con châu Âu trước. Để nâng tầm giá trị thương hiệu các sản phẩm du lịch, họ còn thực hiện kết hợp giữa thực phẩm, tham quan và an toàn thực phẩm. Ban Xúc tiến du lịch, Sở Xúc tiến ngành nghề của Thành phố Kurishio đã soạn cuốn cẩm nang về cải thiện phương thức chăm sóc du khách khi bị dị ứng thực phẩm và du khách nước ngoài có một số quy định kiêng khem, để phục vụ du khách có các tín ngưỡng tôn giáo đa dạng như đạo Hồi và các thực khách ăn chay, thể hiện rõ các nguyên liệu dùng để chế biến các món ăn, xem xét các dạng dị ứng thực phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong kinh doanh nhà hàng, có hệ thống thể hiện nguyên liệu chế biến thức ăn một cách thống nhất cho du khách trong và ngoài nước được biết.
Công nghệ thông tin cũng được khai thác triệt để trong phát triển nông nghiệp, tạo nên điểm nhấn và kết quả rất ấn tượng ở Hokkaido. Vấn đề của thành phố là số nông hộ và những người làm nông nghiệp đang giảm (chỉ bằng một nửa so 20 năm trước). Những người làm nông cũng đang già hóa (33.3% từ 65 tuổi trở lên). Bởi vậy, thành phố này quyết định sử dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp và cải thiện an toàn nông sản. Công nghệ thông tin được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp ở đây gồm hệ thống dự báo thông tin thời tiết cho nông nghiệp, thông tin từ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS), và cơ chế hướng dẫn điều khiển hoạt động tự động hóa; cung cấp thông tin gồm dự báo thời gian lúa mỳ làm đòng, nảy mầm, chín và cho thu hoạch; dự báo sâu bệnh xảy ra và thông tin nhiệt độ bề mặt cùng hàm lượng nước có trong đất sẽ gieo cấy lúa.
Sức mạnh của truyền thông hình ảnh cũng là chương trình được triển khai song song trong quá trình đầu tư phát triển ở Hokkaido; đáp ứng các nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng khán giả khác nhau khi truyền tải thông tin về phong cách sống và văn hóa Hokkaido, giúp khám phá những khía cạch quý báu của vùng đất này từ con mắt người nước ngoài. Năm 1997, chương trình “Giờ Hokkaido” khởi chiếu trên kênh JET-TV, truyền tải thông điệp “Hãy để tuyết rơi ở châu Á”. Chương trình này được phát sóng ở Singapore, Thượng Hải (Trung Quốc), Đài Loan, Việt Nam, Peru và Campuchia. Chương trình đã tạo nên một cơn sốt du lịch ở Đài Loan từ giới thiệu các địa điểm tham quan và thông tin về mùa hoa nở ở Hokkaido. Số du khách từ Đài Loan đến Hokkaido là 52.800 năm 1997 đã tăng lên tới 276.800 năm 2005 (gấp 5 lần). Nhờ các chương trình quảng bá trên truyền hình, số du khách nước ngoài đến Nhật Bản tăng lên đáng kể.
Một số món ẩm thực phục vụ du lịch ở Hokkaido. |
Cuối cùng là sáng kiến phát triển khu “Marche” với việc cải tạo trung tâm Thành phố Furano của Hokkaido. Có một vấn đề tồn tại nhiều năm ở điểm du lịch Furano: 2 triệu du khách thăm điểm du lịch này ở vùng ngoại ô nhưng không vào trung tâm thành phố. Chính quyền thành phố quyết tâm thu hút du khách vào trung tâm thành phố và mở rộng doanh thu. Ở trung tâm thành phố, dù việc di dời bệnh viện trung tâm của vùng năm 2007 là một vị trí đất vàng dọc Tuyến đường 38 (6,600m2) thành vùng đất trống, nhưng chính quyền địa phương không có kế hoạch sử dụng do khó khăn về tài chính. Nếu để sự việc tiếp diễn như vậy, trung tâm thành phố sẽ thành địa điểm hoang tàn. Nếu chỉ dựa vào Chính phủ như trong quá khứ, thì sẽ không thể phát triển được khu trung tâm. Giải pháp duy nhất là phải để khu vực tư nhân hoạt động và thay đổi bộ mặt thành phố. Các tham vấn, diễn đàn và họp hành nghiên cứu được tổ chức trên 20 lần. Và cùng lúc, khảo sát lưu lượng giao thông, khảo sát tìm hiểu, phân tích nhu cầu của dân địa phương và khảo sát định lượng về nhu cầu xe buýt cộng đồng được thực hiện.
Một số món ẩm thực phục vụ du lịch ở Hokkaido. |
Để duy trì sự bền vững của việc phát triển Khu trung tâm Furano Marche, một điều kiện quan trọng là đơn vị phát triển dự án phải có lợi nhuận. Trong khi thu về các khoản lợi nhuận từ cho thuê và bán hàng, doanh nghiệp tiếp tục tái đầu tư vào các dự án cải tạo trung tâm thành phố cùng hợp tác với chính quyền. Số vốn thu được tăng lên từ 10,35 triệu yên lên 83,5 triệu yên (từ 64 tổ chức). Như vậy, việc phát triển thành phố vốn trước nay vẫn phụ thuộc vào chính quyền nay đã chuyển thành quan hệ hợp tác công - tư (chính quyền giữ vai trò hỗ trợ). Kế hoạch cải tạo khu trung tâm mới gồm nâng cấp và di dời các cửa hàng; xây trung tâm thương mại; khu ẩm thực; các điều kiện dành cho người già có dịch vụ chăm sóc; trường mầm non; trạm y tế; khu công cộng có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết; tòa cao ốc và bãi đỗ xe.
Điểm nhấn của sáng kiến vùng là khai thác tiềm năng to lớn về “thực phẩm” tại trung tâm thành phố. Sau khi hoàn thành, tại các cửa hàng ở trung tâm thành phố, hầu hết tất cả các loại rau có thể trồng ở Hokkaido đều được bày bán. Có tới 2.000 mặt hàng mang thương hiệu địa phương, sử dụng nguyên liệu địa phương được bày bán, gồm những loại kẹo có giá trị cao, với các tên gọi và hình thù bắt mắt. Trong khu thương mại cũng có những nhà hàng nổi tiểng trên toàn quốc. Chăn nuôi bò sữa và nuôi con giống cũng rất phát triển. Khu “Marche” được biến thành nơi quảng bá văn hóa ẩm thực và thông tin về thị trấn. Khu trung tâm cũng có một khoảng không rộng rãi để mọi người đến giao lưu và vui chơi, giải trí. Nhiều ghế dài và ô được đặt khắp nơi ở đây nhằm tạo khoảng không cho mọi người thư giãn… Và kết quả là số du khách tăng lên đáng kể, từ 550.000 năm 2010, lên 668.000 năm 2011; 745.000 năm 2012 tăng lên 795.000 du khách năm 2013. Sau thành công của giai đoạn 1, Furano Marche đang bắt tay vào giai đoạn 2 của sáng kiến cải tạo khu trung tâm thành phố để thu hút thêm du khách.