Thay đổi cách hỗ trợ thoát nghèo

12/12/2014 09:31

(Baonghean) - Giữa kết quả đạt được và những yêu cầu đặt ra để xây dựng Nghệ An thành một tỉnh khá của khu vực phía Bắc đòi hỏi công tác xóa đói, giảm nghèo phải tạo được bước đột phá theo hướng nhanh, bền vững. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với đồng chí Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện ủy Quế Phong về vấn đề này.

- Quế Phong là 1 trong 3 huyện nghèo nhất tỉnh và thuộc 62 huyện nghèo nhất cả nước. Những năm qua Quế Phong đã đạt được một số kết quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Vậy đồng chí Bí thư Huyện uỷ có thể cho biết cách làm của địa phương trong thực hiện công tác trên?

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quế Phong nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã xác định mục tiêu là phải xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn hơn 50% nhưng đến nay chỉ còn hơn 37%. Những năm trước tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn, song năm nay chỉ giảm được gần 3%, nhưng tôi cho rằng, đó là đánh giá rất sát đúng với thực tế của địa phương. Muốn xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững thì trước hết phải tìm hướng đi cho nhân dân, xác định được thế mạnh của từng vùng, miền, từ đó tập trung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là những giống cây, giống con phù hợp với từng điều kiện thực tế. Thứ hai là người đứng đầu hệ thống chính trị ở cơ sở như bí thư chi bộ, trưởng bản, các đảng viên phải là những hạt nhân gương mẫu, đầu tàu trong xóa đói, giảm nghèo bền vững, để cho hộ nghèo học tập, có hướng làm theo. Tiếp theo, phải xác định rõ việc gắn kết giữa hộ nghèo, cận nghèo, hộ khá giàu theo định hướng phát triển sản xuất chung để họ cùng giúp nhau...

Đồng chí Lữ Đình Thi.
Đồng chí Lữ Đình Thi.

- Ở nhiều địa phương cũng xác định giống cây, con chủ lực cho mình, song khi triển khai sản xuất thì người nông dân lại rơi vào bế tắc do không tìm được đầu ra cho nông phẩm. Thực tế ở Quế Phong thì như thế nào, thưa đồng chí?

- Ở Quế Phong, khi xác định đưa giống cây, con phù hợp với từng vùng thì chúng tôi xác định phải có giống cây, con hạt nhân, mũi nhọn, chủ lực để sản xuất theo quy mô hàng hóa. Mà muốn như vậy, phải có gắn kết giữa người nông dân, Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân và cả vai trò của ngân hàng để cho người dân vay vốn. Lâu nay, chúng ta vẫn thường nói đến mối liên kết “4 nhà”. Hiện nay, đối với cây chanh leo, chúng tôi có đầu ra nhờ làm tốt mối liên kết đó. Bây giờ, vùng Tây Bắc huyện, chúng tôi đang phát triển vùng chè hoa vàng và áp dụng theo mô hình này, gắn kết chặt chẽ với nhà doanh nghiệp và nhà khoa học… Thực hiện công tác giảm nghèo, càng về sau càng khó, nên phải có những giải pháp thực sự căn cơ, lộ trình chặt chẽ, chứ không phải cứ đưa ra kế hoạch ra và đơn thuần thực hiện là giảm được nghèo.

- Vâng, theo như đồng chí thì càng về sau công tác xóa đói, giảm nghèo càng khó khăn. Vậy, trong thời gian tiếp theo, hướng đi của Quế Phong trong vấn đề này như thế nào?

- Ngoài các giải pháp về sản xuất theo hướng như tôi đã nói ở trên, huyện xác định, đi đôi thực hiện các cơ chế, chính sách của cấp trên, phát huy nội lực của địa phương, của người dân, huyện có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho những hạt nhân trong xóa đói, giảm nghèo nhằm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Hiện nay, trăn trở nhất của Quế Phong là năm 2015, tất cả chương trình gạo hỗ trợ cho bà con vùng tái định cư Thủy điện Hủa Na sẽ hết. Chúng tôi đã có chương trình về hỗ trợ sản xuất cho nhân dân vùng TĐC và trình Sở NN&PTNT nhưng chưa được phê duyệt. Vì vậy, huyện rất mong muốn chương trình sớm được phê duyệt để triển khai nhằm giúp nhân dân vùng này ổn định cuộc sống.

- Nhiều ý kiến có chung nhận định, tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận người nghèo chính là trở lực lớn trong công cuộc giảm nghèo. Từ thực tế địa phương, xin đồng chí cho biết quan điểm về nhận định trên và giải pháp để tạo chuyển biến tốt trong giảm nghèo bền vững?

- Theo tôi, nhận định trên là đúng! Hiện nay, chúng ta có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nghèo. Thành thử, bà con có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Mặt khác, dù có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nghèo, nhưng có nhiều đầu mối thực hiện nên việc triển khai còn chồng chéo, xảy ra tình trạng phân tán, nhỏ lẻ. Vì vậy, trước hết cần có một chính sách chung, tổng thể, gom lại thành một đầu mối, mới tạo được hiệu quả tổng lực. Thứ hai, cách hỗ trợ người nghèo cũng nên thay đổi theo hướng giảm dần cho không, tăng các giải pháp hỗ trợ, đầu tư về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bày vẽ cho người nghèo làm. Đặc biệt, là trong đề án phát triển kinh tế miền Tây để thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An đến năm 2020, nên có những giải pháp theo hướng này sẽ thích hợp hơn, góp phần xóa nghèo nhanh và bền vững cho cả khu vực miền Tây, qua đó cùng cả tỉnh thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị.

- Xin cảm ơn ơn đồng chí Bí thư Huyện uỷ về cuộc trò chuyện này!!

Nhật Lệ (Thực hiện)