Cạnh tranh thời hội nhập

05/04/2015 09:25

(Baonghean) - Bất kỳ một nền kinh tế nào cũng cần có sự cạnh tranh, tất nhiên là cạnh tranh lành mạnh. Bởi nhờ đó, chất lượng hàng hóa, ý thức bảo toàn và sự "tự trọng' đối với thương hiệu mới được chú trọng. Trong thời kỳ hội nhập, muốn "đứng chân" một cách vững chắc trong sự khó tính của thị trường, thì không có gì quan trọng hơn chất lượng và giá cả. Bài viết “Nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản" của tác giả Minh Chi đã nói đến vấn đề này như là một gợi mở.

Trong những năm đổi mới, nông nghiệp Nghệ An đã có bước phát triển nhanh, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa lớn, tự tin bước vào hội nhập thị trường nông sản trong nước và quốc tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2014 của Nghệ An đạt hơn 415 triệu USD, trong đó hàng hóa nông sản chiếm khoảng 50%, đặc biệt mặt hàng rau, củ, quả tăng trên 86% so với năm 2013. Trong đó, chúng ta đã có những mặt hàng "găm" được vào tín nhiệm của khách hàng như gạo AC5 với thương hiệu "Gạo xứ Nghệ" của công ty TNHH Vĩnh Hòa, các loại nông sản như lạc, ngô, sắn, chè... hoặc cây cam cũng đã thành danh với thương hiệu “cam Vinh”...

Thu hoạch chè ở Thanh Chương.
Thu hoạch chè ở Thanh Chương. Ảnh: M.C

Tuy nhiên, hàng nông sản Nghệ An cũng đang đứng trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt do năng lực cạnh tranh thấp so với cả nước trên nhiều mặt cả về trình độ sản xuất, công nghiệp chế biến, chất lượng, giá cả… Ngoài một số nông sản như cà phê, chè, gạo… giá xuất khẩu của Nghệ An thường thấp hơn giá quốc tế nhưng đối với một số loại rau quả thì giá bán của chúng ta lại cao hơn so với một số nước khác. Điều này trực tiếp làm giảm tính cạnh tranh của hàng nông sản của tỉnh ta. Viết về điều này, tác giả nhấn mạnh: "Cũng do quy mô sản xuất nhỏ, chưa áp dụng KHCN để nâng cao chất lượng, giảm giá thành nên giá thành nông sản Nghệ An thường cao, sức cạnh tranh về giá yếu nên sản phẩm khó tiêu thụ. Trong khi đó ở một số nước, một trang trại với quy mô sản xuất lớn đã tạo ra một sản phẩm hàng hóa riêng,... từ đó tạo ra sản phẩm với chất lượng đồng đều và khi chế biến thành sản phẩm cũng đồng đều về chất lượng, xây dựng thương hiệu và uy tín với khách hàng".

Nguyên nhân của tình trạng trên là do đa số các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của ta đều dưới dạng thô hoặc sơ chế nên giá trị thu được chưa cao. Chất lượng thấp, công nghệ chế biến lạc hậu, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao dẫn đến cạnh tranh kém, bị ép giá trên thị trường. Xu hướng tiêu dùng của thế giới hiện nay đang thay đổi theo hướng minh bạch hóa thông tin về sản phẩm đến tận người tiêu dùng. Điều này, chúng ta phải thừa nhận là đang còn rất mơ hồ. Thêm nữa, năng lực tìm kiếm thị trường của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp còn yếu; dự báo thông tin giá cả thiếu chính xác, đặc biệt doanh nghiệp luôn lấy lợi ích của mình làm mục tiêu kinh doanh mà bỏ quên người nông dân.

Ở phần 3 của bài viết: "Nỗ lực nâng cao giá trị", tác giả đã trích dẫn ý kiến một số nhà chuyên môn cũng như đưa ra một số giải pháp. Thí dụ như: "Tỉnh cần quan tâm rà soát, đánh giá lại quy hoạch các sản phẩm chủ lực. .. tránh tình trạng vùng nguyên liệu ít mà nhà máy nhiều, từ đó xảy ra việc tranh mua, tranh bán, ảnh hưởng việc cung ứng sản phẩm đối với thị trường... cũng cần đánh giá lại hệ thống chế biến nông, lâm, thủy sản của tỉnh trên từng sản phẩm cụ thể,.. tiếp tục chuyển giao KHKT, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp".

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc nâng cao sức cạnh tranh hàng nông sản như tỉnh ta hiện nay là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài phải gắn liền trong tổng thể chiến lược xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Có chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học (giống cây trồng và vật nuôi).

Bên cạnh đó, chúng ta cần đánh giá cụ thể sức cạnh tranh của từng loại nông sản chủ yếu để có biện pháp khắc phục những yếu kém, bảo đảm nông sản của tỉnh ta chiếm lĩnh thị trường trong nước (kể cả tiêu dùng và chế biến), từng bước vươn ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản là một vấn đề, nhưng quan trọng hơn là phải làm sao để phát triển và giữ vững được thương hiệu sau khi đã xây dựng. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là phải bảo đảm chất lượng của nông sản đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và của thị trường.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, với sự hợp tác, nỗ lực từ nhiều phía là cơ sở quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản tỉnh nhà.Từ đó, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sớm đi lên sản xuất hàng hóa lớn và tự tin với thương hiệu "Nghệ An" trên thị trường nông sản trong nước và thế giới.

Người xây dựng