Khẳng định vị thế phụ nữ
(Baonghean) - Họ là những người Phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình: là bếp lửa, là niềm yêu thương kết nối mỗi thành viên; họ còn đảm nhiệm nhiều việc khác nhau trong xã hội. Thế nhưng, dù làm gì, ở đâu, họ vẫn luôn khẳng định vị thế của mình.
Mô hình nuôi gà của chị Phạm Thị Bắc (Nghi Xuân - Nghi Lộc). |
Giỏi việc làng, việc nước…
Vừa đến cổng nhà chị Ngô Thị Phụng – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Xuân Giang, xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) đã nghe tiếng rôm rả trong ngôi nhà khang trang, sạch đẹp. Chị Nguyễn Thị Xuân – Chủ tịch Hội Phụ nữ Nghi Xuân mỉm cười: “Chị em đang họp bàn chuẩn bị cho ngày 20/10 đấy”. Được biết, xóm Xuân Giang có 90 hội viên, trong đó hơn 1/2 là hội viên vùng giáo. Bản thân chị Phụng cũng là giáo dân và là một trong những cán bộ hội vùng giáo tiêu biểu của xã Nghi Xuân. Khi tôi hỏi “bí quyết nào để chị vừa đảm đang việc nhà đến việc của hội”…; chị Phụng chia sẻ: Bản thân chị là phụ nữ vùng giáo nên chị rất hiểu tâm tư, nguyện vọng của các hội viên giáo dân. Xác định muốn tuyên truyền bất kể một chủ trương, đường lối nào của Đảng, Nhà nước, của Hội Phụ nữ cấp trên, trước hết mình phải là người gương mẫu, đi đầu trong mọi việc, kể cả việc nhỏ nhất. Vì thế trong gia đình, chị luôn dạy bảo các con phải sống hòa thuận với láng giềng, kính trên nhường dưới.
Kinh tế gia đình ngày càng phát triển, các con chăm ngoan nên chị Phụng có thời gian chăm lo cho công tác Hội. Từ đầu năm đến nay, chị Phụng đã tuyên truyền, vận động các hội viên trong Chi hội Phụ nữ xóm Xuân Giang đóng góp, tặng quà cho hai gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, chị còn động viên chị em góp vốn, xây dựng quỹ “hỗ trợ phát triển kinh tế” tạo điều kiện cho 53 hội viên khó khăn vay vốn lãi suất thấp để mua lợn, gà phát triển chăn nuôi, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Khi gia đình hội viên có chuyện buồn, vui, chị cũng là người đến đầu tiên cùng chung tay lo lắng, chia sẻ, gần gũi. Chính những việc làm đó đã làm cho chị em yên tâm, tin tưởng hơn để có thể tâm sự và từ đó chị Phụng tìm được những cách giải quyết hợp tình, hợp lý.
Hay như chị Nguyễn Thị Nhẫn, xóm Kim Chi, xã Nghi Ân (TP. Vinh) vừa đảm đang phát triển kinh tế giỏi vừa là chi hội phó Chi hội Phụ nữ xóm Kim Chi. Để vượt qua hoàn cảnh: chồng mất khi mới 24 tuổi, một mình nuôi 2 con trai và tham gia nhiệt tình công tác hội, là việc mà không phải ai cũng có thể làm được. Nhưng chị không hề mệt mỏi vì điều đó mà còn xem là cách để lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Vì vậy, chị luôn trăn trở, hết mình vì công tác hội. Trước tình hình, trong xóm có khá nhiều gia đình đang lâm vào cảnh mẹ chồng, nàng dâu luôn trong tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, chị đã đứng ra động viên, tuyên truyền để thành lập CLB “Mẹ chồng nàng dâu” của xóm; xây dựng các tiểu phẩm, trích đoạn lồng ghép trong các buổi sinh hoạt góp phần làm phong phú nội dung. Đồng thời đến tận từng gia đình, nhất là những gia đình đang có xích mích để động viên cả mẹ chồng và con dâu cùng tham gia sinh hoạt. Từ cách làm đó, hiện nay, các gia đình, kể cả những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống đều rất hoà thuận.
Nuôi con thành đạt
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhung, xóm 3, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) sinh hai con gái. Chị Nhung bảo: Ở quê vẫn đang nặng nề chuyện con trai, con gái, nhớ ngày chị sinh cháu gái thứ hai, anh Thuỷ - chồng chị không nói ra nhưng cũng buồn mất mấy tuần. Chị biết, nhưng chính anh lại an ủi chị: “Con gái lại càng được nhờ, mình phải cho con ăn học đàng hoàng, sau này đỡ khổ”. Cũng từ đó, ngoài 8 sào ruộng lúa, anh đi làm thêm thợ xây, chăm chỉ mỗi tháng cũng khoảng chừng 5 – 6 triệu đồng, chị ở nhà một ngày nấu hai nồi rượu, nuôi thêm gà, lợn, rồi chăm ao cá. Hai cô con gái của chị Nhung xinh xắn, ngoan ngoãn, học giỏi, chị thấy mừng vì điều đó. Thế nhưng, điều mà chúng tôi thấy mừng hơn cho chị, đó là đã biết định hướng cho các con chọn trường, chọn nghề phù hợp. Ngay từ khi con gái đầu đang học phổ thông, chị đã sát sao, hướng dẫn, động viên con thi vào trường nghề, vừa phù hợp với điều kiện gia đình, vừa dễ xin việc. Và cô con gái thứ hai của chị - năm nay đang học lớp 11 cũng mơ ước trở thành đầu bếp với mong muốn được học ở Trường Cao đẳng Nghề du lịch thương mại Cửa Lò.
Chị Nguyễn Thị Soa xóm 5, xã Nam Lĩnh, (Nam Đàn) cũng là một trong những gia đình tiêu biểu trong nuôi con khỏe, dạy con ngoan dù sinh con một bề. Chị Soa cho rằng: Con nào cũng là con, dù trai hay gái cũng phải nuôi dưỡng, chăm sóc đầy đủ, mà con gái lại càng phải chăm nhiều hơn. Như cô con gái đầu, để đậu đại học ở Hà Nội, ngoài đầu tư cho học tập, chị còn định hướng cho con thi vào trường đúng khả năng của cháu.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Đối với phụ nữ, 4 phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” sẽ giúp các chị vượt qua những thách thức, khó khăn để trở thành người phụ nữ thành công; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững; thực hiện tốt trách nhiệm công dân, tác động tích cực tới cộng đồng, xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước. Xác định được vai trò quan trọng đó, từ năm 2009 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã triển khai Đề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Trong đó, chú trọng đến việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ về phẩm chất người phụ nữ thời hiện đại; xây dựng các tủ sách “Phụ nữ và cuộc sống” tại các phường, xã; thành lập CLB “Phụ nữ 4 chuẩn mực” và tổ chức các đợt truyền thông tại cộng đồng. Hàng năm, có trên 90% phụ nữ được tiếp cận nâng cao kiến thức mọi mặt, trên 72% hội viên đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… Đặc biệt, với vai trò là người “giữ lửa”, các chị đã chăm lo xây dựng gia đình văn hóa đạt 80% tổng số hội viên.
Bài, ảnh: Thanh Thuỷ