Thấy, nghe ngoài hàng rào bệnh viện mới

05/12/2014 08:42

(Baonghean) - Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An quy mô 700 giường bệnh chính thức đi vào hoạt động từ những ngày đầu tháng 10/2014, đánh dấu bước phát triển mới của ngành Y tế tỉnh nhà. Thường với một bệnh viện có quy mô lớn mang tầm khu vực, thì không chỉ hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân, mà đồng thời cần có sự thoả mãn các dịch vụ đi kèm cả trong và ngoài bệnh viện như: phòng khám theo yêu cầu, hiệu thuốc, dịch vụ ăn, nghỉ, mua sắm, di chuyển một cách thuận tiện nhất…

Phía trước Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Phía trước Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Thực tế “có cầu ắt có cung”!

Sau 10 năm triển khai xây dựng, Dự án xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An giai đoạn 1 có tổng diện tích 9,9 ha, trong đó, diện tích sàn sử dụng hơn 57 nghìn m2, lớn gấp 5 lần so với bệnh viện cũ; với quy mô 700 giường bệnh, hệ thống trang, thiết bị hiện đại, bệnh viện đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá và nước bạn Lào, góp phần quan trọng vào việc giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Đối với những người dân trên địa bàn bệnh viện đứng chân (xã Nghi Phú, Thành phố Vinh), thì kỳ vọng có được cơ hội việc làm mới. Bệnh viện mới đi vào hoạt động được hơn 2 tháng, nhưng trước cổng bệnh viện, xe taxi, xe ôm luôn có trên vài chục chiếc. Ông Võ Hữu Nghị, xóm 14, xã Nghi Phú trước đây làm nghề lái xe tải thuê, vất vả, nên ông đã nghỉ làm mấy năm nay. Nhà ông chỉ có 2,5 sào ruộng, nên công việc cũng ít. Từ khi bệnh viện mới đi vào hoạt động, ông có công việc mới là chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập. Ông Nghị cho biết: “Ở đây đông khách có nhu cầu di chuyển, nên mỗi ngày tôi cũng được 5 - 6 chuyến, kiếm được khoảng 100 nghìn đồng”.

Phía đường Hồ Tông Thốc, nằm sát bên phải, gần cổng ra vào bệnh viện, nhiều người dân địa phương tràn ra khu vực hai bên lề đường để buôn bán. Đoạn đường chỉ chừng 20m từ đường Xô viết Nghệ Tĩnh đi vào trong, có chừng hơn chục hàng quán buôn bán đủ các mặt hàng: cơm, phở, nước uống, hoa quả và có cả cửa hàng thuốc... Từ khi bệnh viện chuyển về, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, xóm 14, xã Nghi Phú, nhà ở sát mặt đường Hồ Tông Thốc đã có thêm nguồn thu nhập khá từ việc cho thuê cửa hàng. Bà cho biết: “Nhà tôi mới xây thêm 3 kiốt cho người trong xã thuê mở hàng cơm, phở phục vụ cho khách đến bệnh viện là chủ yếu. Giá thuê mỗi ki-ốt 10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, gia đình tôi còn có hai ki-ốt cho con cái bán thuốc và cơm, phở. Tôi bán hàng tạp hoá ở đây đã khá lâu, nhưng từ khi bệnh viện đi vào hoạt động, lượng khách đông gấp đôi so với trước, nhờ vậy mà thu nhập khá hơn nhiều”.

Bên cạnh đó, nhu cầu ăn uống, mua sắm của bệnh nhân và người nhà hiện nay rất lớn. Bệnh viện đã có khoa dinh dưỡng cung cấp dịch vụ ăn uống, một số quầy bán các mặt hàng nhu yếu phẩm để phục vụ cho cả cán bộ, nhân viên, bệnh nhân và người nhà có nhu cầu, nhưng thực tế hiện nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị từ 1.200 đến 1.300 bệnh nhân; kèm theo là người nhà đi cùng… mà khoa dinh dưỡng của bệnh viện chỉ với 1.350m2 (thiết kế theo quy mô bệnh viện 700 giường) khó đáp ứng hết nhu cầu. Nhà thuốc bệnh viện nằm ở khu A hiện vẫn chưa hoàn thành, nên người dân ra ngoài bệnh viện để mua sắm là điều tất yếu. Ông Lô Văn Trương ở xã Thạch Ngàn (Con Cuông) được con trai đưa đi khám bệnh, trong thời gian chờ đến lượt khám, hàng quán ven hàng rào bệnh viện là nơi nghỉ ngơi và ăn uống của bố con ông. Ông Trương cho biết, ở xa đến, nên chọn quán ăn gần bệnh viện để tiện đi lại ăn uống và giá cả phù hợp với túi tiền.

Trăn trở nhiều phía

Tìm hiểu dân cư địa bàn quanh bệnh viện, là xóm 14, xã Nghi Phú, nơi có đường Hồ Tông Thốc chạy qua, phần lớn người dân là lao động tự do. Ông Trần Trung Trinh - Xóm trưởng xóm 14 cho biết, xóm có 131 hộ dân, với 480 khẩu. Trong số đó chỉ có 45 người là đối tượng hưởng lương hưu, chính sách xã hội, 20 người là công nhân viên chức; còn lại là công nhân (công việc cũng không ổn định) và lao động tự do. Trước đây, người dân địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp, làm lúa. Nhưng đến nay, xóm đã có 29 nghìn m2 đất thu hồi phục vụ cho các công trình bệnh viện, Trường dạy nghề Quân khu 4… nên lao động ở địa phương chuyển sang làm các nghề khác như công nhân ở các nhà máy, thợ xây, thợ hồ… và chủ yếu chạy chợ buôn hàng vặt.

Đường Hồ Tông Thốc đoạn sát hàng rào bên phải  Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh. Ảnh: Đinh Nguyệt
Đường Hồ Tông Thốc đoạn sát hàng rào bên phải Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh. Ảnh: Đinh Nguyệt

Vấn đề “vướng” nhất hiện nay là khi khu A của bệnh viện hoàn thành và đi vào hoạt động, chỉ có con đường Hồ Tông Thốc (nằm sát phía bên phải) là phía có thể kinh doanh được. Con đường này nằm trong quy hoạch Dự án xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An giai đoạn 2 (2014 – 2016), nhưng nay người dân đang ra dựng hàng, quán theo kiểu “có cầu ắt có cung”. Có 2 hộ dân (gia đình ông Nguyễn Văn Dinh và bà Nguyễn Thị Toàn) dọc đường Hồ Tông Thốc đã tự xây dựng ki-ốt để buôn bán hoặc cho thuê để thu lợi nhuận trước mắt, sau khi ký cam kết với UBND xã sẽ tự dỡ bỏ khi Nhà nước thu hồi đất. Nhận thấy môi trường buôn bán thuận lợi, nên người dân ở các xóm lân cận vẫn cố gắng chen chân ở hai bên lề đường Hồ Tông Thốc, từ sát mặt đường Xô viết Nghệ - Tĩnh kéo dài trên vỉa hè sát bên bệnh viện, các loại xe đẩy bày bán các loại hàng tạp hoá, quần áo, hoa quả .. ô dù, bàn ghế giăng khắp lề đường.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, UBND Thành phố Vinh đã ra Quyết định số 5102 giao UBND xã Nghi Phú chủ trì, phối hợp với Thanh tra đô thị thành phố thực hiện theo Chỉ thị 05/CT –TH của Ban Thường vụ Thành uỷ Vinh và Kế hoạch 38/KH-UBND của UBND TP. Vinh kiên quyết giải toả các tụ điểm dọc vỉa hè, lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trước cổng bệnh viện, khu vực ngã tư đèn đỏ và hai bên hành lang đường Hồ Tông Thốc thuộc xóm 14, xã Nghi Phú. Thực hiện các quyết định của UBND thành phố, UBND xã Nghi Phú đã phối hợp với Thanh tra đô thị ra quân thường xuyên mỗi buổi sáng (từ 6 -7h và chiều từ 17- 18h) để giải toả việc buôn bán các hàng quán lưu động, hàng ăn dọc vỉa hè khu vực trước cổng bệnh viện, ngã tư đèn đỏ đường Hồ Tông Thốc.

Đảm bảo cảnh quan môi trường và lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị ở khu vực Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh là vấn đề trước mắt. Mục tiêu quan trọng hơn là giải phóng mặt bằng khu vực xóm 14, xã Nghi Phú để tiếp tục triển khai xây dựng bệnh viện giai đoạn 2. Khi có bệnh viện chuyển về, đất ở khu vực này đối với người dân đang là “tấc đất, tấc vàng” sinh lời từng ngày cho họ, nên công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Hồ Văn Vinh – Trưởng Ban Quản lý Dự án Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh, kế hoạch đề ra của tỉnh đến ngày 31/12/2014 tiến hành bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư là Công ty CP Kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng (Cotex Sài Gòn) để tiến hành thực hiện giai đoạn 2 của dự án xây dựng khu B bệnh viện. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có hộ dân nào đồng ý di dời. Từ khi bệnh viện đi vào hoạt động, trên chính nền đất đã có bìa đỏ của mình, các hộ dân đã dựng các hàng, quán để buôn bán, nên rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Bệnh viện đã có Văn bản số 1187/BC/BV “Báo cáo vi phạm xây dựng tại vùng quy hoạch và mất an ninh trật tự trong khu vực mặt bằng dự án”. Và, những cuộc họp thương lượng với người dân vừa qua chưa có kết quả…

Theo quy hoạch tổng thể, khu B Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa tỉnh sẽ bao gồm các hạng mục: Khu dịch vụ phục vụ bệnh viện với 600 giường bệnh (chủ yếu phục vụ điều trị theo yêu cầu), gara ô tô và bãi để xe của người nhà bệnh nhân. Khi công trình bệnh viện hoàn thành tất cả các giai đoạn sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân trong tỉnh. Tuy vậy, vấn đề nhu cầu mưu sinh người dân, mà xa hơn là vấn đề khai thác ảnh hưởng có tính lợi thế để phát triển các dịch vụ vệ tinh của một bệnh viện tầm khu vực như Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh cũng cần được tính đến. Mặt khác, địa phương đã tiến hành thu hồi đất nông nghiệp của người dân các xóm 10, 13, 14, chuẩn bị thu hồi đất thổ cư để tiếp tục tiến hành xây dựng bệnh viện giai đoạn 2; nên việc người dân mong mỏi cơ hội phát triển kinh doanh dựa vào lợi thế của bệnh viện cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, căn cứ quy hoạch tổng thể của bệnh viện, với vị trí khá đặc thù: Phía trước là đường Xô viết Nghệ Tĩnh, phía Bắc và phía Tây đều là những con đường đã được quy hoạch; trong khi phía bên kia đường đều đã có cơ quan, xí nghiệp; vậy nên, sau khi dự án bệnh viện hoàn thành, cũng sẽ rất “bí” vị trí và địa điểm để người dân kinh doanh dịch vụ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Phú cho biết: Hiện địa điểm kinh doanh của người dân khu vực xung quanh bệnh viện không có, xã cũng rất trăn trở. Thời gian tới, phía Đông đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (đối diện với cổng bệnh viện) còn có Dự án Gold Việt. Hy vọng, sau khi dự án này hoàn thành, người dân có thể có địa điểm để kinh doanh.

Như vậy, có thể thấy, lợi thế để khai thác phát triển kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho người dân ở xung quanh khu vực bệnh viện mới vẫn là điều tạm thời chưa được tính đến. Để giải quyết được vấn đề này, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc của thành phố trong bố trí quỹ đất, vị trí gần quy hoạch tổng thể bệnh viện cho người dân thuê làm nơi tập trung kinh doanh, và tiến hành thu thuế, mới mong giải quyết được bài toán kinh doanh tự phát, mất trật tự an ninh và đảm bảo cảnh quan môi trường như hiện nay; đồng thời, như thế còn tạo nguồn thu cho Nhà nước.

Đinh Nguyệt - Song Hoàng