Kỷ niệm 60 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc
Sáng 14/12, tại Hà Nội, Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương phối hợp với thành phố Hà Nội và Bộ Giáo dục-Đào tạo tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954-2014).
Tới dự Lễ kỷ niệm có: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương có trường học sinh miền Nam. Đặc biệt là sự có mặt của hơn 600 thầy cô các trường nuôi dạy học sinh miền Nam trên đất Bắc và gần 3.000 học sinh miền Nam đại diện cho 32.000 học sinh miền Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc về dự Lễ kỷ niệm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ kỷ niệm (Ảnh: Lê Thơm)
Trong không khí ấm cúng của ngày hội ngộ, các thế hệ cựu học sinh miền Nam cùng ôn lại những kỷ niệm dưới mái trường nội trú giành cho học sinh miền Nam trên đất Bắc. Cách đây vừa tròn 60 năm, sau Hiệp định Geneve, thực hiện chủ trương của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ, hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã được thành lập. Hơn 32.000 con em cán bộ cách mạng ở miền Nam đã được đưa ra miền Bắc để nuôi dạy, đào tạo để phục vụ cho sự nghiệp giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước.
Dù còn muôn vàn khó khăn do chiến tranh tàn phá, Trung ương Đảng, Chính phủ và ngành giáo dục vẫn tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho việc nuôi dạy các thế hệ học sinh miền Nam. Nhân dân miền Bắc đã đùm bọc, cưu mang những “hạt giống đỏ” của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhờ đó, đội ngũ học sinh miền Nam đã trưởng thành, trở thành nguồn cán bộ “vừa hồng - vừa chuyên”, có những đóng góp to lớn cho cách mạng miền Nam và sau đó là Tổ quốc Việt Nam thống nhất, giàu mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Thời gian đã lùi xa, chúng ta có đủ căn cứ để khẳng định rằng, trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục đào tạo cách mạng của nước ta. Thành tựu to lớn rất đáng tự hào của các trường học sinh miền Nam là trong hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng vẫn có chất lượng giáo dục đặc biệt, đã cung cấp cho đất nước đội ngũ cán bộ đông đảo với chất lượng cao. Nhiều anh chị em được nuôi dạy ở các trường học sinh miền Nam đã tham gia trực tiếp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Nhiều người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Khi đất nước thống nhất, phần lớn học sinh miền Nam trở về quê hương, có những đóng góp tích cực xây dựng quê hương, xây dựng Tổ quốc. Nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các địa phương...
Dù giữ cương vị nào, những cán bộ được nuôi, dạy, đào tạo trong hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đều trung thành vô hạn với Tổ quốc với Đảng, với nhân dân, sống có lý tưởng, xả thân vì nghĩa lớn, kính trọng mang ơn người thầy và nặng nghĩa tình với nhân dân miền Bắc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: “Mô hình trường học sinh miền Nam trên đất Bắc chỉ tồn tại hơn 20 năm nhưng những thành tựu và kinh nghiệm của nhà trường trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục đào tạo, phương pháp dạy và học, việc thực hiện nguyên lý giáo dục toàn diện học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội; kết hợp học tập kiến thức với rèn luyện phẩm chất đạo đức của học sinh; việc xây dựng quan hệ thầy trò sâu đậm, thi đua dạy tốt học tốt là hết sức bổ ích cần phải được kế thừa và phát huy”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Bộ Giáo dục-Đào tạo cần nghiên cứu kỹ những thành công của các Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc để tiếp tục phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước. Chủ tịch nước mong muốn các thầy giáo cô giáo, các cựu học sinh miền Nam với tâm huyết và kinh nghiệm của mình tiếp tục có những đóng góp vào sự nghiệp phát triển đất nước./.
Theo VOV