"Thần tốc, thần tốc hơn nữa..." - mật lệnh của nghệ thuật chớp thời cơ

07/04/2015 09:52

Bức điện vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với chỉ huy, chiến sỹ trên chiến trường vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến

Cách đây tròn 40 năm, ngày 7/4/1975, toàn bộ các cánh quân của ta ở phía Nam đã nhận được một bức điện khẩn của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với chỉ huy, chiến sỹ trên chiến trường vào thời điểm vô cùng quan trọng của cuộc chiến.

Dưới góc nhìn của các nhà lịch sử quân sự cũng như những người lính trên chiến trường, bức điện lịch sử sẽ còn mãi với thời gian - trở thành mật lệnh của nghệ thuật chớp thời cơ.

Mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu)
Mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu)

Bức điện ghi ngày 7/4/1975 với nội dung “thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền nam, quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc tới Đảng viên, chiến sỹ”, bên dưới ký một chữ Văn, được ra đời từ Tổng hành dinh chỉ huy chiến dịch nhà D67 trong khu vực thành cổ Hà Nội. Bức điện lập tức được giao ban cơ yếu mã hóa và được truyền đến chỉ huy các cánh quân tham gia giải phóng miền Nam.

Là người vinh dự được trực tiếp truyền mật lệnh lịch sử, ông Nguyễn Bá Líu - chiến sỹ báo vụ của Lữ đoàn 25 anh hùng nhớ lại, khi bức điện lịch sử này đến tay ông, cũng giống như các bức điện khác đều được mã hóa nên ông không hiểu nội dung. Không khí làm việc tại thời điểm đó rất khẩn trương.

Sáng 7/4/1975, ngay đầu ca trực, ông được Tiểu đoàn trưởng quán triệt: phải bảo đảm liên tục giữ vững liên lạc thông suốt, yêu cầu nhận điện đến, chuyển điện đi nhanh, gọn, chính xác tuyệt đối. Tín hiệu tốt, thao tác nhanh, những mã hóa trên bức điện được ông chuyển tải bằng ngôn ngữ điện tín “tạch tè”, chính xác nên chỉ mất khoảng 15 phút là chuyển xong”. Tuy nhiên, đến sau ngày giải phóng 30/4/1975, ông mới được biết chính mình là người chuyển bức điện lịch sử này.

Ông Nguyễn Bá Líu tâm sự, lúc bấy giờ ông chỉ biết xác định mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi tình huống. Sau này, ông mới biết được bức điện đó là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cũng rất tự hào vì đã hoàn thành trọng trách lịch sử quân đội đã giao.

Đối với Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Trưởng phòng tác chiến Quân đoàn 3, một mũi tiến công giải phóng miền Nam, bức điện được truyền đạt đến ông chính là mệnh lệnh tiến công khẩn trương, là thông điệp cho biết phải nhanh chóng chớp lấy thời cơ. Thực hiện mệnh lệnh, ngay tức khắc, quân đoàn cơ động lực lượng khẩn trương tăng tốc tiến về giải phóng Sài Gòn.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Văn Hữu, nguyên bác sỹ Binh đoàn Tây Nguyên, thông điệp tiến công rõ ràng, quyết liệt như truyền một nguồn cảm hứng, sức mạnh mới, như hồi kèn xung trận, khiến những người lính như ông tăng tốc hành quân không mệt mỏi, hướng về sào huyệt của địch. Với ông, cảm xúc khi được truyền đạt mật lệnh lịch sử này như vẫn còn tươi mới, như vừa đánh xong trận đánh ở Buôn Mê Thuột, rồi tăng tốc hơn nữa đi thẳng từ Buôn Mê Thuột xuống đồng bằng, vào giải phóng sân bay ở Phan Rang.

Bộ đội hành quân trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu: TTXVN
Bộ đội hành quân trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu: TTXVN

Đặt trong bối cảnh lịch sử, bức điện “thần tốc” còn là chỉ đạo quan trọng thực hiện kế hoạch chớp thời cơ. Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long, nguyên Viện Phó viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phân tích: Sau chiến dịch Tây Nguyên, thời cơ mới mở ra, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Thường trực quân ủy Trung ương quyết định chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược. Từ mục tiêu ban đầu giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 – 1976, đã rút ngắn lại giải phóng trong năm 1975. Đặc biệt, sau thắng lợi của chiến dịch Trị Thiên – Huế và Đà Nẵng, quân đội Việt Nam cộng hòa đang rơi vào thế đổ vỡ về chiến lược, thời cơ lớn cho giải phóng miền Nam đã mở ra.

Ngày 31/3, Bộ Chính trị quyết định tổng công kích giải phóng miền Nam. Như vậy, từ xác định giải phóng miền Nam trong năm 1975, Bộ Chính trị quyết định rút ngắn lại, giải phóng trước mùa mưa mà cụ thể là ngay trong tháng 4. Khi thời cơ đã mở ra, bức điện là mệnh lệnh đúng thời điểm để các cánh quân của ta trên chiến trường thực hiện kế hoạch chớp thời cơ, nhanh chóng hình thành các mũi, hình thành thế bao vây và tiến về sào huyệt cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

PGS.TS Trần Ngọc Long phân tích: “Nếu không chớp thời cơ, nếu để chậm thì một mặt là quân đội đối phương sẽ có điều kiện để phục hồi, điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược và có sự phục hồi để cầm cự thì lúc ấy chiến tranh sẽ kéo dài. Hơn nữa, cuộc chiến tranh Việt Nam đã được quốc tế hóa cao độ, cho nên sự chi phối của các nước lớn đối với cuộc chiến này là rất lớn, nếu chúng ta không tranh thủ, không chớp thời cơ thì chúng ta sẽ để sự can thiệp của một số nước chi phối vào gây khó khăn nhất định cho chúng ta, trong đó có mục đích giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4”.

Mệnh lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng" mà Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thay mặt Thường trực quân ủy Trung ương thảo ra như một lát cắt lịch sử. Nhìn vào đó thấy được việc nắm chắc thời cơ, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, mở đường cho Đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN