Ghi nhận từ một cuộc thi

16/03/2015 09:39

(Baonghean) - Những ngày này, kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc tiểu học đang diễn ra hết sức sôi nổi. Đây là kỳ thi quan trọng, 4 năm diễn ra một lần và kỳ thi năm nay được kỳ vọng có nhiều đột phá, bởi đây là bậc học đầu tiên thực hiện đổi mới theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”…

Một giờ giảng của giáo viên Trường Tiểu học Hồng Sơn (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà
Một giờ giảng của giáo viên Trường Tiểu học Hồng Sơn (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Gần nửa tháng trở lại đây không khí dạy và học của Trường Tiểu học Hồng Sơn (TP. Vinh) như rộn ràng hơn khi nhà trường được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn làm một trong ba điểm tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cho hơn 100 giáo viên bậc tiểu học trong toàn tỉnh.

Đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều đổi mới trong dạy và học và trong cách đánh giá học sinh. Vì vậy, lãnh đạo, giáo viên nhà trường hy vọng, cuộc thi lần này với sự quy tụ của những giáo viên giỏi, uy tín và có nhiều kinh nghiệm trong toàn tỉnh sẽ là cơ hội để giáo viên nhà trường học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm…

Ban giám hiệu nhà trường đã sắp xếp lại gần 200 tiết dạy cho học sinh từ khối lớp 2 đến khối lớp 5 để vừa đảm bảo được các giờ thi của giáo viên nhưng vẫn đảm bảo lịch học của học sinh, không để các em bị xáo trộn chương trình. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã cố gắng tạo mọi điều kiện cho các giáo viên, nhất là giáo viên ở xa được đến làm quen với môi trường mới, làm quen với học sinh để thuận lợi trong quá trình thao giảng.

Dù bận rộn hơn ngày thường, dù lịch làm việc có khá nhiều xáo trộn nhưng thầy giáo Phạm Hữu Lâm - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ rằng: “Chúng tôi cũng thấy rất tự hào vì được phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, được Sở Giáo dục và Đào tạo tin tưởng và lựa chọn. Hơn thế, chúng tôi nghĩ rằng, mỗi một bài giảng được các thí sinh giảng dạy ở đây là một dịp để chúng tôi rút kinh nghiệm giúp cho việc dạy và học tốt hơn trong thời gian tới”.

Đổi mới trong thi cử và thay đổi trong cách dạy và học, trong cách đánh giá ở bậc tiểu học là hai khâu đột phá đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai theo tinh thần của Nghị quyết số 29 về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”. Điều này cũng đã được thể hiện rất rõ trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh bậc tiểu học trong năm 2015 và “đổi mới” đầu tiên chính là cách ra đề thi. Nếu như ở các kỳ thi trước, các đề thi khá cụ thể và dựa trên một nền cơ bản, mục đích giáo viên có thể truyền thụ cho học sinh một cách đầy đủ và sâu sắc nhất, thì nay tất cả các phần thi từ chấm sáng kiến kinh nghiệm, phần thi tự luận, phần thi thực hành nghiệp vụ sư phạm đều xoay quanh trục yêu cầu về đổi mới phương pháp dạy học và phương pháp đánh giá. Đơn cử như ở phần thi tự luận, với câu hỏi “Yêu cầu giáo viên tự thiết kế một giờ dạy trên các hoạt động trải nghiệm của học sinh” thì đây là một đề thi “mở” và giáo viên được hoàn toàn thể hiện sự sáng tạo của mình trong việc tổ chức một giờ dạy.

Trong quá trình chấm thi, ban giám khảo rất hài lòng vì đề thi chỉ triển khai ở môn Toán nhưng nhiều giáo viên đã vận dụng khá linh hoạt những hình ảnh gắn với cuộc sống thường nhật và khai thác nhiều trải nghiệm thực tiễn để xây dựng bài học mới. Nhiều bài thi mang đậm dấu ấn vùng miền. Đơn giản như bài học về hình chữ nhật, có giáo viên đặt câu hỏi cho học sinh để học sinh quan sát xung quanh gia đình có những vật dụng nào hình chữ nhật. Trên cơ sở đó, giáo viên sẽ giúp học sinh tính ra diện tích, chu vi. Qua bài học thực tế đó, học sinh không những dễ hiểu mà còn thấy thích thú vì tự khám phá được cuộc sống, đồ vật xung quanh mình. Học sinh miền núi thì có thể phân biệt được cái khăn đội đầu của người Thái và người Mông như thế nào thông qua hình dáng của đồ vật.

Kết thúc đợt 1, ở phần thi tự luận chỉ có khoảng 90% giáo viên dự thi đạt yêu cầu. Ở phần thi trắc nghiệm, dù các câu hỏi chỉ xoay quanh các nội dung về chủ trương của Đảng và Nhà nước, đổi mới của ngành và sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 29 nhưng với cách thi mới, ra câu hỏi và chấm bài ngay trên máy, nếu giáo viên nào không nắm bắt câu hỏi nhanh, không hiểu rõ vấn đề thì cũng khó hoàn thành bài thi theo thời gian quy định.

Dạy học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Nghi Thủy (TX Cửa Lò).
Dạy học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Nghi Thủy (TX Cửa Lò). Ảnh: Mỹ Hà

Ở phần thi thực hành với hai bài giảng chính dành cho một môn tự chọn và một môn bắt buộc lại là cơ hội để các giáo viên được thể hiện khả năng của mình trên bục giảng. Theo dõi một giờ giảng môn Địa lý tại lớp 5C, Trường Tiểu học Hưng Bình về “Châu Mỹ”, học sinh và giám khảo chấm thi thấy thích thú khi người dạy đã xây dựng được một bài học khá công phu với nhiều hình ảnh trực quan sinh động tự làm bằng tay.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của giáo án điện tử, mỗi một đất nước được giới thiệu, mỗi một đặc điểm về dân cư, khí hậu, sông ngòi đều có hình ảnh minh họa. Một bài giảng khác về các khu công nghiệp ở vùng đồng bằng duyên hải miền Trung, một giáo viên khác lại lấy dẫn chứng về các nhà máy ở các khu công nghiệp tại Nghệ An nên khá linh hoạt và thực tế, cập nhật được các thông tin.

Là giám khảo từng bốn lần được chọn đi chấm thi ở các kỳ thi giáo viên dạy giỏi của tỉnh nhưng riêng tại kỳ thi năm nay cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi cảm thấy hết sức hào hứng. Bởi lẽ với đề thi mở như trên và không có một đáp án cụ thể thì không những giáo viên dự thi mà ban giám khảo cũng được phép vận dụng linh hoạt để cho điểm. Qua những bài giảng được chuẩn bị công phu, giàu tính sáng tạo, đổi mới, cô cảm nhận được sự trăn trở, cảm nhận được trách nhiệm của giáo viên với học sinh.

Cô Phương Thảo, chia sẻ thêm: Nếu như trước đây, việc dạy học cho học sinh tiểu học chỉ áp đặt về kiến thức khiến học sinh rất khó tiếp thu và cảm thấy nặng nề, thì nay, các bài giảng mới đều được giáo viên soạn theo hình thức trải nghiệm, để từ đó giúp học sinh tự học, tự khám phá và tự tìm tòi, phát triển năng lực. Trong cuộc thi này, rất nhiều giáo viên đã áp dụng các phương pháp dạy mới như phương pháp “bàn tay nặn bột”, phương pháp “khăn trải bàn”. Việc áp dụng giáo án điện tử cũng được thực hiện thường xuyên hơn nhưng không sử dụng một cách triệt để như trước kia mà linh hoạt giữa trình chiếu và sử dụng bảng. Dù là giám khảo nhưng thực tế tôi cũng học hỏi được nhiều qua các đồng nghiệp của mình.

Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Hưng Bình (TP.Vinh) vui vẻ: Vừa học, vừa được xem hình ảnh minh họa trên máy em thấy rất dễ hiểu, dễ nhớ, rất gần với học sinh tiểu học.

Tính đến thời điểm này, sau một học kỳ những đổi mới trong dạy và học, những đổi mới trong phương pháp chấm điểm đã được các trường học triển khai khá bài bản. Và dù, vẫn còn có một số ý kiến trái ngược nhau nhưng điều lớn nhất mà đổi mới ở bậc tiểu học mang lại là tạo cho học sinh một môi trường học tập thoải mái, giúp các em được phát huy khả năng, năng khiếu của mình và giáo dục nhiều hơn kỹ năng sống cho học sinh.

Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT cho rằng: Cuộc thi đã tạo ra môi trường giáo dục mới, là động lực thi đua dạy tốt, học tốt, bổ sung đội ngũ giáo viên cốt cán, tạo cán bộ nguồn cho các trường và là cơ hội để giáo viên trong cả tỉnh giao lưu, học hỏi. Kết quả hội thi là một thước đo để mỗi giáo viên tự đánh giá bản thân và hoàn thiện mình hơn, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn để hoàn thành nhiệm vụ dạy và học.

Mỹ Hà