Để kinh tế trang trại phát triển bền vững

26/03/2015 15:10

(Baonghean) - Kinh tế trang trại đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và phát triển kinh tế tại các địa phương, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, để vượt qua những khó khăn, thách thức, các chủ trang trại cần có sự giúp đỡ tích cực của chính quyền các cấp và sự đồng hành của các doanh nghiệp...

(Baonghean) - Kinh tế trang trại đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và phát triển kinh tế tại các địa phương, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, để vượt qua những khó khăn, thách thức, các chủ trang trại cần có sự giúp đỡ tích cực của chính quyền các cấp và sự đồng hành của các doanh nghiệp...

Một trong những giải pháp để phát triển kinh tế của huyện Thanh Chương là khuyến khích và nhân rộng các mô hình trang trại. Sau chuyển đổi ruộng đất, huyện vận động các hộ nhận đấu thầu vùng đất kém hiệu quả, đưa các trang trại chăn nuôi ra ngoài đồng, đồi bãi để đạt hiệu quả kinh tế cao và không gây ô nhiễm môi trường; cho vay mua trâu, bò hàng hóa; mở các lớp kỹ thuật chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, thâm canh các loại cây trồng… Sau 4 năm thực hiện đề án phát triển kinh tế trang trại, toàn huyện có 272 gia trại, 27 trang trại đạt theo tiêu chí mới, trong đó có 13 trang trại được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Tổng giá trị sản lượng hàng hóa trong năm 2014 của các trang trại là 108.304 triệu đồng, bình quân 362,2 triệu đồng/năm/ trang trại.

Thu hoạch cỏ voi ở trang trại của anh Nguyên (xã Bảo Thành, Yên Thành)
Thu hoạch cỏ voi ở trang trại của anh Nguyên (xã Bảo Thành, Yên Thành)

Cùng với Thanh Chương, hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển kinh tế trang trại. Đến nay, toàn tỉnh có 3.185 trang trại (cả theo tiêu chí mới và cũ), trong số này có 420 trang trại đạt tiêu chí quy định theo Thông tư 27/2011/TT-BNN ngày 13/4/2011 của Bộ NN&PTNT, đã được cấp giấy chứng nhận (GCN) kinh tế trang trại. Diện tích bình quân là 8,4 ha/trang trại và giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt trên 1.052 triệu đồng/năm/trang trại. Số lượng trang trại thuộc các lĩnh vực đều tăng rất nhanh. Tuy nhiên, tỷ lệ trang trại thuộc lĩnh vực trồng trọt có xu hướng giảm mạnh, còn trang trại thuộc lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tổng hợp tăng lên. Xu hướng này chứng tỏ các nông hộ chú trọng đầu tư vào mô hình trang trại cho hiệu quả kinh tế cao và khả năng thu hồi vốn nhanh.

Tuy vậy, khó khăn đặt ra hiện nay là rất nhiều chủ trang trại còn lúng túng trong việc xác định phương hướng chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, không ổn định, dễ bị tư thương ép giá dẫn đến thua lỗ hoặc không có lãi. Việc liên kết “4 nhà” để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế hàng hóa được đề ra nhưng chưa thực sự đi vào cuộc sống. Các nhà khoa học và doanh nghiệp chưa thực sự chung tay hỗ trợ trang trại phát triển, tăng sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường... Đặc biệt, đa số chủ trang trại thiếu nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.

Trang trại chăn nuôi lợn của anh Nguyễn Kim Chiến  ở nam Anh, Nam Đàn
Trang trại chăn nuôi lợn của anh Nguyễn Kim Chiến ở nam Anh, Nam Đàn

Ở huyện Yên Thành, trang trại của gia đình anh Nguyễn Trọng Nguyên (ở xóm Tây Yên, xã Long Thành) được nhiều người biết đến với việc anh mạnh dạn nhận thầu lại hơn 10 ha vùng đất ven đồi đồng Rọ ở xóm 1, xã Bảo Thành và đồng Nương Dưa, thuộc xóm 2, xã Sơn Thành, để trồng cỏ voi VA06 nhập cho trang trại bò Úc ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc). Anh Nguyên cho biết, ban đầu anh đã trồng được gần 2 ha cỏ giống và 4,5 ha cỏ thương phẩm, chi phí hết khoảng 40 triệu đồng. Hiện nay trang trại đang trồng tiếp 7 ha cỏ ở Nghi Văn.

Trang trại giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động, có thời điểm trồng mới hoặc thu hoạch, gia đình thuê thêm 20 lao động. Hiệu quả ban đầu đầy hứa hẹn nhưng chủ trang trại chưa hết băn khoăn trước những khó khăn đang đặt ra. Anh Nguyên cho biết: “Trang trại đã đầu tư và làm ăn hiệu quả 3 năm nay nhưng chưa được cấp GCN trang trại; đất trang trại cũng đang hợp đồng thuê của xã. Hiện tôi đang vay vốn 250 triệu đồng từ Quỹ tín dụng Trung ương bằng thế chấp bìa đỏ đất ở của gia đình để mua xe tải chở sản phẩm. Tôi đang có ý định mở rộng diện tích trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa với số lượng khoảng 100 con nhưng vì đất thuê chưa có giấy chứng nhận nên việc đảm bảo hồ sơ vay vốn khó khăn. Mong muốn của tôi là được nhận thầu thêm đất, ngân hàng có cơ chế hỗ trợ vay vốn cho chủ trang trại theo quy định để chúng tôi đẩy mạnh sản xuất...”.

Trang trại của anh Phạm Văn Dũng ở xóm Liên Hồng, thanh Liên, Thanh Chương
Trang trại của anh Phạm Văn Dũng ở xóm Liên Hồng, Thanh Liên, Thanh Chương

Trong thực tế hiện nay, có rất nhiều chủ trang trại đang gặp hoàn cảnh tương tự như trang trại của anh Nguyên. Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Đình Thông, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: Trên địa bàn hiện có 175 trang trại nhưng mới chỉ cho vay 85 trang trại với tổng dư nợ 7,638 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay là quy mô trang trại nhỏ, hiệu quả hạn chế. Sản xuất nông nghiệp bấp bênh, chăn nuôi rủi ro do dịch bệnh, đầu ra cho sản phẩm khó khăn nên một số ngân hàng e ngại khi thẩm định cho vay. Ngoài ra, hiện nay các trang trại mới được giao đất chứ chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ), chưa được cấp GCN trang trại. Trong khi đó, nếu trang trại được cấp GCN sẽ được vay tín chấp theo Nghị định 41; không có GCN trang trại thì phải vay thế chấp. Chúng tôi đang thực hiện khảo sát số lượng, nhu cầu vay vốn của trang trại trên địa bàn để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các trang trại đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển...”.

Xung quanh vấn đề vay vốn, khó khăn đặt ra hiện nay đối với trang trại chính là cấp GCN QSDĐ và cấp GCN trang trại. Về cấp GCN QSDĐ, hiện nay hầu hết trang trại đều mượn đất dự phòng 5% của xã quản lý (không phải đất cấp theo Nghị định 64) nên chỉ được thuê, không được thế chấp vay vốn. Đất thuê không ổn định, thời gian ngắn (tối đa 5 năm đối với cấp xã và 30 năm đối với cấp huyện) nên không được thế chấp vay vốn ngân hàng, và chủ trang trại chưa thực sự yên tâm để đầu tư phát triển. Đối với vấn đề cấp GCN trang trại, theo quy định thì trang trại phải đảm bảo cả về diện tích và quy mô. Cụ thể, theo Thông tư 27, đạt tiêu chuẩn kinh tế trang trại phải thỏa mãn điều kiện sau: Đối với cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất tổng hợp cần rộng 2,1 ha trở lên, giá trị sản lượng hàng hóa đạt 700 triệu đồng/năm. Đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt giá trị sản lượng hàng hóa từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Chính vì vậy, qua thẩm định ở các địa phương, nhiều mô hình trang trại phát triển ổn định lâu nay khó đáp ứng điều kiện theo Thông tư 27...

Xung quanh vấn đề cấp GCN trang trại, ông Hoàng Đức Ân, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: “Hiện nay Hưng Nguyên có 330 gia trại và 47 trang trại. Số trang trại này đang được rà soát để cấp GCN trang trại. Có GCN trang trại, chủ trang trại sẽ được xem xét cho vay không cần bảo đảm bằng tài sản mức tối đa 500 triệu đồng (theo Nghị định số 41). Thế nhưng, thực tế những điều kiện Thông tư quy định chưa sát với thực tế, nếu cứng nhắc theo thông tư, rất ít trang trại được cấp GCN, kéo theo đó là quyền lợi về vay vốn ngân hàng cũng khó được đáp ứng. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh, hiện nay nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn dồi dào, lãi suất thấp (khoảng 8%/năm) nhưng do phần lớn trang trại chưa đạt chuẩn nên khi áp dụng cho vay tín chấp theo Nghị định 41 với mức rất thấp, muốn được vay nhiều hơn phải vay thế chấp... Năm 2015 dự báo vẫn là năm có nhiều khó khăn, Nhà nước tiếp tục thắt chặt đầu tư công, các doanh nghiệp phục hồi chậm, nhiều ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng “hành quân” về nông thôn, ưu tiên vốn cho đầu tư chi phí sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp, kinh tế trang trại, gia trại, cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây là cơ hội mới cho các gia trại tiếp cận nguồn vốn, mở rộng sản xuất, chăn nuôi.

Ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Trong đó, quan trọng nhất là việc điều chỉnh chính sách về đất đai như Luật Đất đai 1993, coi hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, từ đó các hộ yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh tế trang trại. Thế nhưng, thực tế rất nhiều gia trại muốn nâng cấp thành trang trại được cấp GCN thì gặp không ít khó khăn về mở rộng diện tích và tăng giá trị sản xuất, chăn nuôi. Một trong những hướng đi có tính khả thi là các gia trại có thể liên kết lại, trở thành trang trại lớn đủ diện tích, giá trị thu nhập theo chuẩn mới, từ đó tiếp tục được cấp GCN và vay vốn để phát triển. Điều này rất cần sự vào cuộc chung tay giúp đỡ tháo gỡ khó khăn của các cấp, ngành, địa phương để kinh tế trang trại thực sự phát triển, trụ vững trong nền kinh tế thị trường vốn nhiều biến động khó lường.

Thu Huyền