Từ sự cố trên khán đài sân Shah Alam: Quyền lực của Ultras Malaysia

09/12/2014 16:06

Đó là một đám đông coi bóng đá là cái cớ để tụ tập và giải tỏa những bức bối cá nhân, hay là những CĐV đam mê thật sự và muốn tìm kiếm niềm vui từ không khí trên sân? Rốt cục thì người Malaysia liệu có yêu bóng đá hay không?

Nhóm Ultras Malaya là những người giữ nhịp cổ vũ cho đội tuyển Malaysia trong trận đấu với đội tuyển Việt Nam.
Nhóm Ultras Malaya là những người giữ nhịp cổ vũ cho đội tuyển Malaysia trong trận đấu với đội tuyển Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN

“Trước trận này, tôi chưa từng đến sân vận động một lần nào”, Kesuma, một thanh niên cao lớn nhưng trông rất lóng ngóng nói với tôi khi cả 2 đang cố chen vai thích cánh trong một biển người đi tìm chỗ ngồi của mình trên Shah Alam. “Vậy sao anh lại có vé”? “Tôi được bạn cho” - Kesuma chỉ về phía góc khán đài B ngay trước mặt, nơi một nhóm CĐV Malaysia đang hò reo như sấm dậy: “Họ đấy. Vui chứ hả”?

Sự thờ ơ với bóng đá

Kesuma sống ở một dãy phố chỉ cách sân Shah Alam vài bước chân, nhưng tình yêu bóng đá là không đủ để kéo anh đến “chảo lửa” này trong 27 năm cuộc đời, trước trận đấu vào tối 7/12. Đây cũng là sân nhà của CLB Selangor, hiện là đương kim á quân giải VĐQG Malaysia, nhưng ngoài trận đấu vừa qua, hiếm khi sân đấu này được lấp đầy 1/6 sức chứa của nó. Lượng khán giả trung bình của Selangor mùa trước là 12.000 người/ trận.

Tôi đã hỏi rất nhiều người Malaysia về AFF Cup và trận bán kết giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia, nhưng chỉ nhận lại những phản ứng khá thờ ơ. Ishak, anh chàng bảo vệ của LĐBĐ Malaysia, liên tục hoa tay múa chân nhiệt tình để “minh họa” cho những nhận xét của anh về đội tuyển Việt Nam (“rất nhanh và kỹ thuật”), thì lại bảo rằng anh sẽ ở nhà theo dõi qua... TV.

Trong bài viết có tựa đề “Ultras (CĐV quá khích, cực đoan – PV) Malaysia, phước lành hay sự nguyền rủa?” đăng vào hôm qua, tờ FourFourTwo dẫn ra trận giao hữu giữa đội tuyển Malaysia và đội tuyển Philippines tại sân vận động Selayang vào ngày 1/3 năm nay, một trận đấu mà theo tạp chí này: “Đã thay đổi vĩnh viễn văn hóa cổ động ở Malaysia và đảm bảo rằng Ultras Malaysia sẽ trở thành vết nhơ của nền bóng đá này trong những năm tới”.

Từ chiến dịch “30 phút im lặng”

Các Ultras đã phát động một chiến dịch có tên “30 phút im lặng” thông qua hashtag trên Twitter hòng phản ứng với 30 năm lãnh đạo của LĐBĐ Malaysia (FAM). Và thực tế là sau khi trận đấu bắt đầu vào lúc 8h45 tối, tất cả các CĐV Malaysia đã đứng im như tượng đá trong nửa tiếng đồng hồ, trước khi “show diễn” thực sự bắt đầu.

Quả pháo sáng đầu tiên gầm lên trên bầu trời đêm, và kéo theo 6 quả nữa khiến một góc trời sáng lòa. Mỗi quả pháo sáng tượng trưng cho những gì họ nghĩ về bóng đá Malaysia: Không chịu thay đổi, chỉ dành cho những kẻ có địa vị, cam chịu, không bao giờ bỏ cuộc, sự chân thành và niềm tin. “Chúng tôi làm thế bởi vì chúng tôi muốn đất nước Malaysia, FAM và cả thế giới biết rằng luôn có ý nghĩa nào đó sau hành động của chúng tôi” - Freddie Arifin, người sáng lập nhóm Ultras Malaya'07 (UM07), tuyên bố: “Tôi là người bắn quả pháo sáng đầu tiên. Tất cả những gì chúng tôi muốn là đem lại cho bóng đá Malaysia một cú hích”.

9 tháng trước, những quả pháo sáng đã làm bùng lên một bầu không khí vừa đáng sợ những cũng cực kỳ phấn khích: Nhiệt độ trong sân như tăng lên, bom khói xuất hiện và trước mặt tất cả là một cảnh tượng nguyên thủy đầy hấp dẫn. Đó là lúc người hâm mộ Malaysia từ những CĐV thụ động trở thành một quyền lực thực sự của bóng đá Malaysia. Thậm chí, FAM đã chấp nhận thỏa hiệp với các nhóm Ultras ở Malaysia để đảm bảo rằng số lượng người đến sân sẽ được đảm bảo trong các trận có đội tuyển quốc gia thi đấu.

Cho đến trận đấu gặp Việt Nam vào tối 7/12, thì những Ultras ấy thực sự là doping của nền bóng đá. Ngồi trong một sân đấu nêm kín 8 vạn người thực sự là một trải nghiệm “rợn tóc gáy”, đặc biệt là khi những người tạo ra bầu không khí căng thẳng đến ngột ngạt ấy là các CĐV Malaysia.

Nhưng thứ “ma túy” ấy không tạo ra tình yêu bóng đá thực sự. “Chảo lửa” Shah Alam có thể nguội ngắt chỉ sau một đêm, khi các CĐV trở về nhà và quay lại với nhịp sống quen thuộc của họ, trước khi một cuộc vui khác kéo tất cả đến sân, chưa chắc là bằng sự hấp dẫn của bóng đá, mà bằng cảm giác được giải tỏa những bức bối và nắm trong tay một thứ quyền lực vô hình đang chi phối nền bóng đá này. Thứ quyền lực đáng sợ, nhưng cũng vô cùng hấp dẫn của những Ultras.

Theo TT&VH

Các hooligan đánh CĐV Việt Nam bị cấm đến sân suốt đời

Malaysia đang làm nghiêm với những CĐV quá khích
Malaysia đang làm nghiêm với những CĐV quá khích
Báo chí Malaysia đưa tin, những tên côn đồ đánh CĐV Việt Nam trên sân Shah Alam trong trận lượt đi bán kết AFF Suzuki Cup 2014 sẽ không được phép "bén mảng" đến sân trong quãng đời còn lại.

Được biết, những tên côn đồ gây rối trên sân Shah Alam chủ yếu là những thành viên của nhóm Inter Johor Firms (IJF). Đây là một nhóm CĐV cực đoan và quá khích của CLB Johor Darul Takzim, đội bóng chủ quản của chân sút Safee Sali. Nhóm này đã gây ra không ít những vụ bạo lực trên khán đài, đặc biệt ở trận chung kết Cup Malaysia giữa Johor Darul Takzim và Pahang mới đây.

Theo tờ Goal phiên bản Malaysia, vụ tấn công này đã được chuẩn bị từ trước. Có ít nhất 20 tên hooligan (phần lớn thuộc nhóm IJF) đeo mặt nạ che mặt và mang theo hung khí vào sân. Không rõ họ làm cách nào để vượt qua lực lượng an ninh trước khi tấn công CĐV Việt Nam vào thời điểm họ ăn mừng bàn thắng nâng tỷ số lên 2-1 của Văn Quyết.

LĐBĐ bang Johor đã quyết định cấm đến sân vĩnh viễn đối với những thành viên của IJF. Lệnh cấm không chỉ có hiệu lực tại sân Tan Sri Dato Haji Hassan Yunos ở Johor mà ở bất cứ sân nào tại Malaysia khi đội bóng của bang Johor đến thi đấu.

Theo bongdaplus