Quan tâm phát triển cây lâm nghiệp bản địa
(Baonghean) - Hiện nay ở Nghệ An loài cây được lựa chọn để trồng rừng sản xuất chủ yếu là keo lai (trừ một số diện tích có vốn đầu tư nước ngoài). Cây keo lai có lợi thế sống khoẻ, thích nghi trên nhiều loại lập địa, phát triển nhanh, là cây nguyên liệu dăm, giấy phổ biến dễ tiêu thụ, có chu kỳ kinh doanh ngắn nên thu hồi vốn sớm; nhưng sau khi thu hoạch keo, người dân phải thu dọn sạch hiện trường, làm đất để chuẩn bị chu kỳ trồng mới nên chất đất ngày càng kém đi.
Nếu trồng cây gỗ lớn (chu kỳ sản xuất trên 10 năm), cây bản địa, thời gian cho sản phẩm lâu hơn nhưng giá trị sẽ lớn hơn. Có thể so sánh 3 vụ keo sẽ mất khoảng 23 - 25 năm, cùng với khoảng thời gian này, nếu đầu tư trồng các loại cây gỗ bản địa nhóm 3 (các loại gỗ phổ biến để làm đồ mộc gia dụng) như sao đen, tếch, trường mật, săng lẻ, de, mít, dổi, dạ hương… thì cây gỗ đã có đường kính khoảng 20 - 25cm và có thể thu hoạch với trữ lượng bằng hoặc lớn hơn cây keo lai 7-8 năm tuổi. Nếu tính giá trị thì gỗ keo lai làm nguyên liệu giấy hoặc gỗ trụ mỏ có giá tối thiểu 400.000 - 500.000 đồng/m3, gỗ nhóm III có giá tối thiểu bình quân 350.000 đồng/m3 (theo bảng giá tối thiểu để tính thuế tài nguyên tại Quyết định 23/2013/QĐ-UBND ngày 23/4/2013 của UBND tỉnh Nghệ An). Bên cạnh đó, nếu trồng các loài cây đa tác dụng như thông nhựa, trám đen, trám trắng… thì người sản xuất sẽ có thu hoạch từ lâm sản ngoài gỗ (nhựa thông, nhựa trám, quả trám…) hàng năm vẫn có thể cao hơn so với khai thác gỗ.
Như vậy, về mặt kinh tế trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, cây đa tác dụng có lợi gấp ít nhất 2 lần so với trồng keo lai. Về mặt môi trường diện tích trồng rừng cây bản địa trong suốt 25 năm đất được che phủ liên tục bởi lớp thảm thực vật và tán cây rừng, hệ sinh thái rừng phát triển ổn định; còn rừng trồng keo lai bị gián đoạn qua 2 lần khai thác trắng, tương đương 5 - 6 năm đất không có đủ tầng che phủ, điều này không chỉ đất bị xói mòn rửa trôi mất chất mà còn ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu. Ngoài ra, trồng cây bản địa còn có ý nghĩa trong việc bảo tồn lưu giữ nguồn gen và đa dạng sinh học, điều này có giá trị không chỉ trước mắt mà còn lâu dài đối với quốc gia.
Từ tính toán thực tế trên, có thể khẳng định trồng cây bản địa, cây gỗ lớn, cây đa tác dụng dài ngày có lợi ích kép so với trồng keo lai. Khó khăn lớn nhất trong việc trồng cây dài ngày là phải chờ đợi thời gian thu sản phẩm rất lâu nên người sản xuất sẽ không có thu nhập từ rừng trồng trong một thời gian dài. Việc này quá khó với người nghèo hoặc người ít vốn phải vay ngân hàng, vì vậy rất ít hộ đầu tư trồng cây bản địa.
Thiết nghĩ, phát triển trồng cây bản địa, cây gỗ lớn trên diện tích rừng sản xuất rất cần Nhà nước có quyết sách phù hợp hơn đối với trồng cây lâm nghiệp lâu năm, nhằm tạo nên tính bền vững trong ngành Lâm nghiệp. Trên cơ sở “Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp” do Bộ NN & PTNT phê duyệt tại Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 8/7/2013, chúng tôi xin đề xuất chính quyền các cấp, ngành NN & PTNT và các ngành liên quan một số vấn đề sau:
1 - Công tác quy hoạch, kế hoạch: Rà soát, bổ sung quy hoạch đối với rừng sản xuất một diện tích phù hợp để trồng cây bản địa, cây gỗ lớn; xây dựng nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch trồng cây bản địa, gỗ lớn hàng năm và nghiêm túc chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch.
2 - Về giống cây bản địa: Thực hiện các chủ trương đã có của Chính phủ và UBND tỉnh, sớm xây dựng rừng giống cây bản địa, trước mắt tiến hành tuyển chọn và chuyển hóa các rừng giống phù hợp tại địa phương và cấp chứng chỉ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và người trồng rừng có giống đảm bảo chất lượng và thực hiện đúng quy định quản lý của Nhà nước.
3 - Về chính sách: Ngoài chính sách phát triển rừng sản xuất tại Quyết định 147/2007/QĐ-TTg và Quyết định 66/2011/QĐ-TTg, cần bổ sung chính sách hỗ trợ tăng thêm đối với tất cả các vùng trồng cây bản địa, cây gỗ lớn theo từng nhóm chu kỳ kinh doanh cây trồng để giảm bớt khó khăn và khuyến khích người sản xuất.
4 - Về tuyên truyền: Tuyên truyền về lợi ích kép của cây bản địa, cây gỗ lớn, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Nhà nước và nhiệm vụ của các cấp, ngành và nhân dân đối với trồng và bảo vệ cây bản địa trên các kênh thông tin đại chúng.
5 - Về khuyến nông, khuyến lâm: Tăng cường tập huấn, đào tạo, hướng dẫn người sản xuất kiến thức tổng hợp để lựa chọn phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện hiện có nhằm mang lại hiệu quả cao nhất, canh tác nông, lâm kết hợp bằng trồng cây bản địa, cây gỗ lớn xen cây nguyên liệu giấy, cây hàng năm, chăn nuôi và dịch vụ để lấy ngắn nuôi dài; đồng thời hướng dẫn nông dân lập kế hoạch sản xuất nông hộ và hạch toán với các dòng sản phẩm ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để phát triển sản xuất theo hướng an toàn, bền vững.
Nguyễn Thị Hà
(Trung tâm Khuyến nông tỉnh)