Cuộc chiến giành ảnh hưởng tại Trung Đông lại "nóng"?
(Baonghean) - Giữa lúc chiến sự ác liệt vẫn tiếp diễn tại Yemen, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Nabil al-Arabi đã buộc tội Israel, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ kích động xung đột tại nhiều nước Trung Đông cũng như làm phức tạp các nỗ lực nhằm đạt được sự ổn định tại khu vực này.
Trước đó, quan hệ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở nên căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ám chỉ Iran liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Yemen. Những diễn biến này cho thấy, khu vực Trung Đông đang có nguy cơ nóng trở lại với cuộc đua tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực.
Yemen tiếp tục bị oanh tạc trong đêm 29/3 rạng sáng 30/3/2015. Ảnh: Reuters |
Hôm qua, Iran đã yêu cầu Đại biện lâm thời Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Tehran giải thích phát biểu của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, trong đó có nội dung chỉ trích mạnh mẽ vai trò của Iran tại Yemen và khu vực. Cũng trong hôm qua, phát biểu bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab tại Ai Cập, Tổng Thư ký Liên đoàn này al-Arabi đã cáo buộc ba nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel can dự vào những nước khác trong khu vực Trung Đông.
Trên thực tế, từ lâu khu vực Trung Đông đã tồn tại những mâu thuẫn sâu sắc liên quan đến sắc tộc và giáo phái. Vì thế, cuộc khủng hoảng tại Yemen đã trở thành nhân tố khiến các mâu thuẫn chồng chéo này nóng lên. Yemen là một quốc gia thành viên của Liên đoàn Arab và vì lẽ đó, đây là mối quan tâm chung của thế giới Arab. Khi Tổng thống Yemen Mansur Hadi và toàn bộ Chính phủ nước này bị đẩy ra khỏi thủ đô Sanaa sau những đợt tấn công của phiến quân Hồi giáo dòng Shiite Houthi, Saudi Arabia đã nhanh chóng thành lập một lực lượng liên minh của những người Arab tổ chức các đợt không kích can thiệp vào Yemen. Trên thực tế, cuộc can thiệp nhằm đáp ứng lời kêu gọi của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Mansur Hadi ở Yemen, song cuộc can thiệp này cũng đã vấp phải không ít chỉ trích từ một số quốc gia. Trong đó, Iran cho rằng, cuộc can thiệp quân sự của liên quân Arab vào Yemen là vi phạm luật pháp quốc tế, là hành động xâm lược vào một quốc gia có chủ quyền. Xét đến một số khía cạnh, cuộc không kích vào Yemen của liên quân Arab không có nghị quyết ủng hộ của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc.
Là một trong những quốc gia có tiếng nói quan trọng nhất của Liên đoàn Arab, Saudi Arabia - quốc gia do những người Hồi giáo dòng Sunni nắm quyền - đã tổ chức can thiệp vào Yemen với sự hậu thuẫn của Mỹ. Cuộc can thiệp quân sự này là nhằm ủng hộ những người Sunni đang yếu thế trước sức mạnh của lực lượng Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite. Trong khi đó, Iran là quốc gia của người Hồi giáo dòng Shiite nên trong thế giới Arab đã xuất hiện những cáo buộc Iran có liên quan đến cuộc tiếm quyền của lực lượng Houthi. Cho dù Iran đã bác bỏ các cáo buộc này song các chuyên gia cho rằng, thực chất Saudi Arabia đã “nhanh chân” hợp thức hóa sự can thiệp của liên minh Arab vào Yemen là nhằm chặn đứng sự ảnh hưởng của Iran đến quốc gia vào thời điểm trước khi làn sóng mùa xuân Arab diễn ra, vốn được xem là sân sau của Iran.
![]() |
Lãnh đạo các nước Liên đoàn Arập nhóm họp tại Sharm el-Sheikh hôm 29/3. |
Ngoài ra, thêm vào mớ mâu thuẫn hỗn độn tại Trung Đông cũng không thể không nhắc đến hai nhân tố, đó là Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Thổ Nhĩ Kỳ với phần đông dân số theo dòng Hồi giáo Sunni và được lãnh đạo bởi những người Hồi giáo Sunni nhưng quốc gia này lại không thuộc thế giới Arab. Song, với vị thế cường quốc trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn cũng sẽ không ngồi yên khi cuộc đua tranh ảnh hưởng trong khu vực đang “nóng” lên. Còn Israel, quốc gia này có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với thế giới Arab và có mối quan hệ thù địch với Iran. Việc khiến thế giới Arab có mối quan hệ mâu thuẫn, thậm chí là xung đột với Iran cũng có khả năng nằm trong tính toán của Nhà nước Do Thái, khi đó, họ sẽ thành “ngư ông đắc lợi”. Do đó, việc Liên đoàn Arab cáo buộc có sự dính líu của Iran, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc khủng hoảng ở Yemen nói riêng cũng như các bất ổn trong khu vực Trung Đông nói chung là có lý của họ.
Có thể thấy, cuộc nội chiến tại Yemen hiện nay đã không chỉ còn là mâu thuẫn nội bộ trong một quốc gia mà nó gián tiếp trở thành chiến trường của những mâu thuẫn chồng chéo xuất phát từ các thế lực bên ngoài. Dư luận lo ngại rằng, cuộc khủng hoảng tại Yemen sẽ thổi thêm hơi nóng mới trong cuộc tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc thuộc khu vực này, xa hơn nữa còn có thể là bàn tay của cường quốc thế giới. Như vậy, người dân Yemen sẽ tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả do chiến tranh gây ra. Và nếu như mâu thuẫn giữa các thế lực bên ngoài ngày càng “nóng” thì cuộc xung đột hiện nay tại Yemen sẽ chưa thể dừng lại.
Nguyễn Cao Biền
TIN LIÊN QUAN |
---|