Tổng thống Putin: phương Tây 'chỉ muốn nhổ răng gấu Nga'

19/12/2014 10:05

Tổng thống Vladimir Putin nói rằng các nước phương Tây chỉ muốn dồn ép, nhổ răng gấu Nga; và khẳng định nền kinh tế Nga sẽ phục hồi trở lại chỉ sau hai năm, kể cả trong kịch bản xấu nhất.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters.

Ông Putin đang có cuộc họp báo thường niên cuối năm. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của toàn thế giới trong lúc khủng hoảng Ukraine tiếp diễn, căng thẳng Nga - Âu, Mỹ lên cao, và kinh tế Nga đang chìm trong những khó khăn liên tiếp.

Đây là cuộc họp báo thường niên lần thứ 10 của ông. Thời lượng họp không xác định, cuộc họp tương tự năm ngoái kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Sự kiện hôm nay có sự tham gia của khoảng 1.200 nhà báo trong nước và quốc tế.

Kinh tế

Ngân sách Nga trong năm 2014 sẽ có khoản thặng dư 1,9% so với GDP dù tình hình kinh tế hỗn loạn. "Tình hình hiện tại sẽ buộc chúng ta phải đa dạng hóa nền kinh tế", tổng thống Nga nói, đồng thời cho biết thêm rằng việc phải thích nghi với giá dầu giảm là không thể tránh khỏi.

Đồng rúp rớt giá, thách thức mới cho Putin

Tổng thống Putin nói ông hy vọng sự phục hồi của đồng rúp vẫn còn. "Tôi hy vọng tỷ giá hối đoái của ngày hôm qua và hôm nay sẽ được duy trì. Điều đó có thể hay không? Liệu giá dầu có tiếp tục giảm, điều này cũng có thể xảy ra", ông nói.

Tổng thống Nga ủng hộ các hành động mà Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã triển khai để đối phó với cuộc khủng hoảng đồng rúp. Tuy nhiên, ông chỉ trích cơ quan này vì hành động chưa đủ nhanh.

Quang cảnh cuộc họp báo của tổng thống Putin. Ảnh: Telegraph.
Quang cảnh cuộc họp báo của tổng thống Putin. Ảnh: Telegraph.

"Tôi tin CBR và chính phủ đang có những biện pháp thích hợp trong tình hình hiện tại. Có những nghi vấn về khung thời gian của những biện pháp này nhưng tổng thể thì sự chỉ đạo là đúng đắn", ông Putin nhấn mạnh.

Trước đó, các quan chức nói rằng Nga đang đối mặt nguy cơ suy thoái trong năm 2015. Giá dầu thế giới giảm xuyên mức đáy 60 USD/thùng, cùng với các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến kinh tế Nga đang chao đảo. Tỷ giá đồng rúp giảm đến gần 50% so với đôla Mỹ khiến dân chúng lo lắng, đổ đi rút tiền để mua hàng, bất chấp việc Ngân hàng trung ương tăng lãi suất lên đến 17%.

Tổng thống Putin cũng khẳng định ổn định của Nga chỉ có thể duy trì nếu quốc gia nhận được sự ủng hộ từ người dân và ông đã cảm nhận sự ủng hộ đó. "Sự ổn định là dựa trên sự ủng hộ của người dân Nga và không còn nền tảng nào vững chắc hơn thế. Quan trọng nhất là đã có sự ủng hộ cho sự chỉ đạo chính sách đối ngoại và đối nội của chúng tôi", ông nói.

'Xiềng xích gấu Nga'

Tổng thống Putin cảnh báo các quốc gia phương Tây đang muốn xích "con gấu Nga", nhổ răng rồi cuối cùng là nhồi bông nó.

Putin nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây là cái giá mà Nga trả cho việc duy trì là một quốc gia độc lập, khi được hỏi liệu có phải Moscow đang trả giá cho việc sáp nhập Crimea hay không.

"Đó không phải là trả giá cho Crimea. Đó là cái giá trả cho ước vọng hiển nhiên của chúng ta về việc đảm bảo Nga là một quốc gia, một nền văn minh và một nhà nước".

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters.

Putin cho rằng cho dù nước Nga hành động như thế nào chăng nữa, dù "con gấu bỏ săn thịt lợn mà chuyển sang ăn dâu tây", thì phương Tây vẫn sẽ tìm cách đưa ra các lệnh trừng phạt. "Họ muốn Nga từ bỏ các chính sách độc lập về chủ quyền, hủy bỏ vũ khí hạt nhân và từ bỏ nguồn tài nguyên dồi dào của Siberia - một số phận mà chỉ khi nước Nga hùng mạnh mới có thể tránh được", ông nói.

Năm ngoái, tổng thống Nga ân xá cho cựu tỷ phú Mikhail Khodorkovsky và nay ông này tuyên bố muốn tham gia chính trị để trở thành nhà lãnh đạo Nga thời khủng hoảng. Được hỏi liệu có tiếc vì đã phóng thích cựu tỷ phú khỏi nhà tù hay không, Putin cho biết Khodorkovsky "có quyền làm chính trị" và ông vẫn tin rằng quyết định ân xá đó là đúng đắn bởi điều này giúp cựu tỷ phú có cơ hội nhìn mặt mẹ lần cuối trước khi bà qua đời.

Khodorkovsky, 51 tuổi, từng lãnh đạo tập đoàn dầu khí lớn nhất Nga, bị giam từ năm 2003, vì cáo buộc trốn thuế và tham ô vào thời điểm ông này đang tăng cường ủng hộ phe đối lập với ông Putin.

Vấn đề Ukraine

Trả lời câu hỏi của một phóng viên Ukraine về tình hình khủng hoảng ở miền đồng nước này, Tổng thống Putin cho rằng chính Kiev là bên phát động cuộc chiến chứ không phải Moscow.

Theo ông, những người tự nguyện tham gia vào cuộc xung đột ở miền đông Ukraine không nên gọi là "lính đánh thuê" bởi họ không được trả tiền. Ông cũng không trả lời câu hỏi có bao nhiêu binh sĩ Nga đang ở miền đông Ukraine và bao nhiều người đã thiệt mạng.

"Dĩ nhiên chúng tôi sẽ giúp mọi người như chúng tôi đang làm bây giờ. Chúng tôi đã điều 10 đoàn xe viện trợ nhân đạo" tới miền đông Ukraine, tổng thống Nga nói, đồng thời cho biết cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết vào một thời điểm nào đó và càng sớm càng tốt.

"Chúng tôi tin rằng khoảng cách chính trị song phương sẽ sớm được khôi phục", ông Putin nói, đồng thời khẳng định Nga cần nối lại quan hệ kinh tế với Ukraine.

Theo Putin, tuyên bố đạt thỏa thuận ngừng bắn cho đông Ukraine hôm 5/9 là rất quan trọng. Ông không nghi ngờ gì Tổng thống Petro Poroshenko cũng muốn giải quyết cuộc xung đột Ukraine và "ông ấy không phải là người duy nhất" muốn thế.

NATO, căng thẳng Nga - Âu, Mỹ

Tổng thống Putin chỉ trích sự mở rộng về phía đông của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) kể từ sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ. "Chẳng phải họ đã nói rằng sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, NATO sẽ không mở rộng sang phía đông? Nhưng điều đó lại diễn ra ngay lập tức", ông nói.

Việc NATO ngày càng mở rộng sang phía đông là một chủ đề nghiêm trọng đối với Nga. Ukraine dưới thời tổng thống thân phương Tây Victor Yuschenko, cũng như tổng thống Petro Poroshenko hiện nay mong muốn gia nhập Liên minh quân sự, nhưng đều vấp phải sự phản đối từ Moscow. Sự phản đối này cũng khiến các thành viên quan trọng trong NATO, như Đức, e dè.

Phóng viên BBC hỏi: "Các nước phương Tây tin rằng đang có một cuộc Chiến tranh Lạnh, và ông đã quyết định điều đó. Hẳn là do lệnh của ông mà quân đội Nga có mặt trên lãnh thổ nước có chủ quyền khác, đầu tiên là Crimea và sau đó là đông Ukraine. Liệu ông có muốn nhân dịp này nói với người phương tây rằng ông không có ý muốn tiến hành cuộc chiến tranh Lạnh mới, rằng ông sẽ làm bất cứ điều gì để giải quyết tình hình ở Ukraine?".

Putin đáp: "Anh nói nước Nga tạo ra căng thẳng. Tất nhiên chúng tôi góp phần vào căng thẳng này, nhưng chỉ theo cách hiểu là chúng tôi đang bảo vệ lợi ích của mình một cách mạnh mẽ hơn. Chúng tôi không lần mò tới gần lợi ích của ai hết, mà chỉ bảo vệ lợi ích của chúng tôi.

"Thế còn người Mỹ đang làm những gì, còn vũ khí hạt nhân chiến thuật của họ? Ngân sách của Lầu Năm Góc nhiều gấp 10 lần chúng tôi", Telegraph thuật lại cuộc đối đáp trong đó ông Putin gọi các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga là phi pháp.

Theo.VnExpress