Chuyển biến trong các lễ hội đầu Xuân

21/03/2015 13:18

(Baonghean) - Đến thời điểm này, hầu hết các lễ hội lớn đầu Xuân trên địa bàn tỉnh đã kết thúc. Có thể nói, các lễ hội năm nay diễn ra tốt đẹp, an toàn và tiết kiệm.

Trước khi bước vào mùa lễ hội, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác quản lý và lễ hội được tổ chức quy củ, chặt chẽ. Nhờ đó, các vấn đề “nóng” ở các lễ hội như: ô nhiễm vệ sinh môi trường, nạn ăn xin, mê tín dị đoan, tình trạng đốt hàng mã, cầu an, giải hạn, nâng giá, ép giá, đề giá dịch vụ không đúng quy định, đổi tiền lẻ với tỷ giá cao… đều được giảm đáng kể. Đơn cử như tại Lễ hội Đền Cờn năm nay đã có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận khi các trò bói toán, mê tín dị đoan, ăn xin không xảy ra. Các quầy hàng bày bán hương đăng, hoa quả, bánh kẹo được bố trí khá ngăn nắp. Các trò chơi mang tính lừa bịp du khách được khống chế, an ninh trật tự được đảm bảo. Đáng ghi nhận là những chuyển biến tích cực trong ý thức và hành động của người dân, du khách tham gia đã tạo nên sự thành công của các lễ hội.

Bên cạnh việc đảm bảo bình yên cho lễ hội, một yếu tố không kém phần quan trọng để mời gọi du khách muôn nơi, đó là sự đa dạng, đặc sắc của mỗi vùng, miền thể hiện qua lễ hội. Năm nay, đã có thêm nhiều nghi lễ, hoạt động văn hóa tâm linh được khôi phục. Có thể kể đến như Lễ Rước nước ở Lễ hội Đền Vua Mai. Đây là một nghi lễ tâm linh có từ ngàn xưa, mang ý niệm khơi trong, gạn đục, tẩy trần trước khi bước vào lễ hội tưởng nhớ, tri ân vị vua, người anh hùng dân tộc Mai Hắc Đế; bên cạnh đó, còn gửi gắm tâm nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà hạnh phúc. Ông Nguyễn Thiện Dũng, Trưởng phòng Văn hóa huyện Nam Đàn cho hay: Lễ Rước nước đã bị mai một suốt 100 năm qua. Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, và để bảo tồn các nghi lễ truyền thống, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Nam Đàn tiến hành nghiên cứu, dựa trên ghi chép của các thư tịch cổ, tham khảo đóng góp của các cụ bô lão để phục dựng nghi lễ rước nước theo đúng phong tục truyền thống.

Lễ tế tại Lễ hội Đền Cờn 2015. Ảnh: hồ long
Lễ tế tại Lễ hội Đền Cờn 2015. Ảnh: Hồ Long

Tương tự, trong Lễ hội Đền Thượng xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), Trò Lề - một hình thức nghệ thuật diễn xướng độc đáo của người dân miền biển cũng đã được khôi phục. Có từ những năm cuối thời Hậu Lê, Trò Lề là vở hoạt kịch tái hiện lại “chiến công” của người khai ấp, lập làng Quân Quản Trương Đắc Phủ trong việc dẹp loạn phiến quân làng Hóp. Ông Đỉnh Ẩn - người được giao nhiệm vụ sưu tầm và đạo diễn Trò Lề xã Quỳnh Nghĩa cho biết: Sau năm 1946, do nhiều lý do, Trò Lề dần mai một. Hiện nay, UBND xã Quỳnh Nghĩa tổ chức khôi phục lại Trò Lề trên cơ sở chọn lọc những nét tinh túy của nguyên bản. Nhiều phân đoạn được thể hiện bằng những làn điệu ví, giặm.

Bên cạnh những nghi lễ mới được khôi phục, các hoạt động văn hóa, thể thao cũng được tổ chức trọng thể, thu hút sự tham gia đông đảo du khách: ở Lễ hội Đền Vua Mai là các hoạt động thi đấu bóng chuyền nam, đấu vật, cờ thẻ, hội diễn văn nghệ quần chúng, thả đèn hoa đăng; ở Lễ hội Đền Quả Sơn rộn rã với đua thuyền truyền thống, thi vật, đẩy gậy, giao lưu bóng chuyền, văn hóa, văn nghệ; Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào ngoài phần lễ thành kính, linh thiêng còn diễn ra sôi nổi các hoạt động hội trại, giao lưu văn hóa - văn nghệ và các môn thể thao, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền như đẩy gậy, đánh đu, bắn nỏ, ném còn, đi cà kheo. Ở huyện vùng cao Kỳ Sơn, Lễ hội Pu Nhạ Thầu năm nay ngoài phần lễ với các nghi thức trang nghiêm, phần hội đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc cũng diễn ra sôi nổi: thi trang phục dân tộc và các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, bắn nỏ. Bà Cụt Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn chia sẻ: Lễ hội là dịp để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá bản sắc của các dân tộc huyện Kỳ Sơn, quảng bá hình ảnh đất và người quê hương đến với bè bạn gần xa nên những giá trị văn hóa đặc sắc nhất đã được huyện chú trọng trong dịp này…Và ngay cả ở Lễ hội Hang Bua dẫu năm nay phần hội không được tổ chức nhưng trong 3 ngày lễ tế các hoạt động văn hóa cồng chiêng, nhuôn xuối, xăng khăn, nhảy sạp cũng đã được trình diễn ở khu đền Chiềng Ngam và tại UBND xã Châu Tiến. Chính những nét văn hóa riêng biệt, đặc sắc đó đã thu hút đông đảo người dân.

Hội thi khắc luống trong Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu tại xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn) Ảnh Công Kiên

Hội thi khắc luống trong Lễ hội Đền Pu Nhạ Thầu tại xã Hữu Kiệm (huyện Kỳ Sơn)

Ảnh: Công Kiên

Lễ hội là hoạt động văn hoá, là nhu cầu phong phú, đa dạng của cộng đồng dân cư đối với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Để phát huy được giá trị đích thực của các lễ hội, thiết nghĩ, trước hết, cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục làm cho người dân nhận thức đúng đắn mục đích của các lễ hội là nhằm phát huy giá trị văn hoá, tôn vinh và nhớ ơn công đức các danh nhân, giáo dục truyền thống lịch sử, góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở đậm đà bản sắc dân tộc và sắc thái địa phương. Có thể nói, mùa lễ hội 2015 trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được khôi phục và phát triển, đem đến món ăn tinh thần hấp dẫn cho nhân dân địa phương và du khách.

Để các lễ hội thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, các hoạt động tại lễ hội (kể cả phần lễ và phần hội) đều phải bảo đảm văn minh, lành mạnh, an toàn, vệ sinh, tiết kiệm. Cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn biểu hiện thương mại hóa, kiên quyết xử lý nghiêm minh các hoạt động mê tín dị đoan, đánh bạc dưới mọi hình thức.

Thanh Sơn – Việt Hùng