Sớm chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động

12/12/2014 07:20

(Baonghean) - Lợi dụng xuất khẩu lao động để trục lợi và những bất cập trong quản lý xuất khẩu lao động đang là những hạn chế khiến cho công tác xuất khẩu lao động ở tỉnh ta chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, đồng thời ngăn chặn kịp thời tình trạng lừa đảo người lao động cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Nâng cao nhận thức của người lao động; thắt chặt công tác quản lý; tăng cường liên kết…

Tư vấn cho học viên đi làm việc tại nước ngoài tại Trung tâm tư vấn việc làm - Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An.
Tư vấn cho học viên đi làm việc tại nước ngoài tại Trung tâm tư vấn việc làm - Trường Cao đẳng nghề Du lịch - Thương mại Nghệ An.

TIN LIÊN QUAN

Công ty cổ phần đầu tư Thương mại và Phát triển Sona vừa bị tạm đình chỉ hoạt động do sai phạm trong công tác xuất khẩu lao động. Trước đó, vào cuối tháng 9 vừa qua, 35 lao động đến từ nhiều huyện trên địa bàn tỉnh đã phải mang ba lô trở về sau 1 ngày ra Hà Nội phỏng vấn theo đơn hàng xuất khẩu sang Ả rập Xê-út. Với tâm trạng hết sức bức xúc, anh Lê Văn Hải, xóm 2B, xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, cho biết: Để sang Ả rập làm việc, mỗi lao động phải nộp cho Công ty cổ phần đầu tư Thương mại và Phát triển Sona từ 30 - 35 triệu đồng.

Theo cam kết ban đầu của công ty, các lao động sẽ được làm những công việc như nhân viên siêu thị, bốc dỡ hàng từ công-ten-nơ vào kho, nhưng thực tế khi ra phỏng vấn chúng tôi lại được giới thiệu làm công việc khác, nặng nhọc hơn, lương cũng thấp hơn nhiều so với nhà tuyển dụng hứa. Kiểm tra hoạt động của công ty này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát hiện, trong quá trình hoạt động công ty đã để xảy ra nhiều sai phạm, hoạt động không đúng chức năng theo quy định của pháp luật hiện hành: công ty chỉ có chức năng hoạt động tư vấn, cung ứng và giới thiệu việc làm nhưng lại trực tiếp tuyển dụng lao động đi xuất khẩu; công ty không được trực tiếp thu tiền đặt cọc người đi xuất khẩu lao động; có dấu hiệu gian lận đối với người lao động khi tư vấn ngành nghề cho người lao động đi xuất khẩu không đúng đơn hàng.

Chị Hoàng Thị D (Hưng Tây, Hưng Nguyên), trình bày: Vì tin tưởng Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh là đơn vị của Nhà nước nên khi được một người quen làm việc tại trung tâm giới thiệu về chương trình xuất khẩu lao động sang CHLB Đức ngành điều dưỡng, chị đã đăng ký tham gia. Qua hơn 2 tháng (từ đầu tháng 9 đến nay), chị đã thực hiện đúng yêu cầu của trung tâm là đi học tiếng, nộp 90 triệu đồng đặt cọc, nộp bảng điểm gốc, bằng tốt nghiệp chuyên ngành bản gốc, hộ chiếu…. Trong quá trình làm thủ tục, trung tâm hứa khoảng tháng 12 là lao động có thể xuất cảnh. Vậy nhưng, trên thực tế, chương trình đưa điều dưỡng, hộ lý sang học tập và làm việc tại CHLB Đức mới được triển khai thí điểm và chỉ có Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là đầu mối duy nhất được tuyển chọn điều dưỡng viên đi làm việc. Tất cả các hoạt động tuyển dụng đều là chương trình phi lợi nhuận và các ứng viên không mất chi phí, ngoại trừ chi phí làm visa. Trong năm 2014 này, chương trình cũng chỉ tuyển duy nhất 1 lần vào tháng 5/2014. Quá bức xúc, người lao động đã kéo lên chất vấn trung tâm. Sau đó, trung tâm đã trả lại tiền đặt cọc và tiền phát sinh ngoài (5 triệu đồng). Riêng số tiền 4 triệu đồng (nộp học tiếng) mọi người chấp nhận mất và xem đó là “phí” đổi lấy bài học cho mình.

Những sự việc trên cho thấy, ngày càng có nhiều chiêu trò để các công ty đơn vị lừa người lao động và nếu không nắm bắt rõ thông tin, người lao động sẽ phải nộp phí cao, làm việc không đúng như cam kết hoặc bị đưa sang nước ngoài dưới hình thức bất hợp pháp. Việc quản lý các công ty, đơn vị hoạt động về lĩnh vực xuất khẩu hiện nay gặp nhiều khó khăn bởi hiện tại hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu lao động còn buông lỏng quản lý đầu mối. Vì vậy, sau khi được giới thiệu về cơ sở, họ chỉ có một vài buổi tư vấn ở huyện, xã còn sau đó phó mặc cho văn phòng đại diện, cán bộ tuyển chọn hoặc hoàn toàn sống dựa vào “cò” môi giới. Do đó, người lao động dễ bị đối tượng môi giới lợi dụng để khai thác hợp đồng hoặc lợi dụng để nâng chi phí.

Ông Lê Văn Thúy, Trưởng phòng Lao động - Việc làm - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thừa nhận: Thông qua thanh tra, kiểm tra, Sở Lao động – TB &XH đã kịp thời phát hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động có dấu hiệu vi phạm; Sở đã báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước thu hồi giấy phép hoạt động, đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Công an tỉnh điều tra, xử lý như: Công ty cổ phần thương mại đầu tư Cửu Long, Công ty cổ phần xây dựng và cung ứng lao động quốc tế Ninh Bình (NIBELC)… Bên cạnh đó, hiện tượng người lao động tự ý hoặc thông qua môi giới bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân, kết hôn giả hoặc bằng con đường tiểu ngạch khác để sang một số nước như Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada, các nước Đông Âu làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp còn diễn ra ở nhiều nơi.

Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 12.000 người đi xuất khẩu lao động theo con đường chính thống, chiếm hơn 1/3 số lao động được giải quyết việc làm của cả tỉnh. Số ngoại tệ do người đi xuất khẩu lao động chuyển về hàng năm đạt khoảng 250 triệu USD; góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao điều kiện kinh tế và mức sống người dân và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn tại một số địa phương. Người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài đã thay đổi được tác phong làm việc công nghiệp, nhận thức và ý thức kỷ luật lao động tốt hơn, trình độ tay nghề được nâng cao. Khi về nước có thể tự tạo việc làm cho bản thân hoặc được các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến đầu tư tiếp nhận sử dụng vào làm việc. Tuy nhiên, công tác xuất khẩu lao động cũng có những hạn chế và chưa tương xứng so với kỳ vọng. Chất lượng lao động tham gia xuất khẩu lao động còn thấp, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao, tỷ lệ lao động bỏ trốn còn nhiều… Công tác thông tin, tuyên truyền vẫn còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương có nơi, có lúc còn sơ hở, thiếu chặt chẽ.

Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, kịp thời ngăn chặn tình trạng lừa đảo người lao động cần phải thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người lao động để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xuất khẩu lao động hàng năm có hiệu quả. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có khả năng, uy tín để tư vấn, tuyển chọn lao động và đưa được nhiều lao động của tỉnh đi xuất khẩu, mở rộng thêm nhiều thị trường mới có thu nhập cao, ổn định, đáp ứng nhu cầu của người lao động.

Làm tốt công tác quản lý, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo nguồn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Xây dựng các mô hình liên kết xã, phường, thị trấn với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Niêm yết công khai và thông báo trên đài phát thanh các đơn vị, doanh nghiệp có đủ pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn để nhân dân và người lao động biết. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về XKLĐ để nâng cao nhận thức của người lao động về các kênh đi làm việc ở nước ngoài an toàn, hợp pháp; cách thức tự bảo vệ bản thân,...

Mỹ Hà