Phó Thủ tướng giới thiệu tổng quan chính sách đối ngoại của Việt Nam

30/03/2015 18:51

Chiều 30/3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã giới thiệu tổng quan chính sách đối ngoại của Việt Nam trước gần 2.000 đại biểu tham dự Phiên thảo luận chung của IPU-132.

Phó Thủ tướng khẳng định mục tiêu của đường lối đối ngoại của Việt Nam là “hòa bình, hợp tác và phát triển” với chủ trương “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã giới thiệu tổng quan chính sách đối ngoại của Việt Nam tại Phiên thảo luận chung của IPU-132. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã giới thiệu tổng quan chính sách đối ngoại của Việt Nam tại Phiên thảo luận chung của IPU-132. Ảnh: VGP

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hòa hiếu, hữu nghị với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, khu vực, kiên trì phấn đấu cùng các nước trong cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng dựa trên chủ nghĩa đa phương, Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế.

Việt Nam luôn coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, diễn đàn đa phương đối với các vấn đề an ninh, phát triển của khu vực và thế giới; đang là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều tổ chức, diễn đàn quan trọng ở khu vực và trên thế giới như LHQ, ASEAN, Phong trào Không liên kết, APEC, ASEM.

Với chủ trương đó, việc đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU lần thứ 132 thể hiện mong muốn và trách nhiệm của Việt Nam đóng góp thực chất và hiệu quả cho công việc của Liên minh.

Cùng với tiến trình Đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy hợp tác phát triển giữa các dân tộc, qua đó khẳng định là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Bạn bè quốc tế đã chứng kiến Việt Nam đảm nhiệm tốt vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, và hiện đang tích cực đóng góp vào các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ và Hội đồng Thống đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế.

Từ năm 2014, Việt Nam đã chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ; chia sẻ những kinh nghiệm thành công trong xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ với nhiều bạn bè quốc tế từ châu Á đến châu Phi.

Những đóng góp của Việt Nam vào các nỗ lực chung nhằm giải quyết các vấn đề an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, thúc đẩy phát triển bền vững, bình đẳng giới đã được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Ở khu vực, cùng các nước ASEAN, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và các đối tác đối thoại nhằm xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững dựa trên các luật lệ và chuẩn mực chung, trong đó ASEAN tiếp tục đóng vai trò trung tâm. ASEAN đang chứng minh rằng tương lai khu vực có thể được định hình bằng hợp tác, chứ không phải cạnh tranh hay đối đầu.

Toàn cảnh tại Phiên thảo luận chung chiều 30/3.
Toàn cảnh tại Phiên thảo luận chung chiều 30/3.

Năm 2015, với việc hình thành Cộng đồng có dân số 600 triệu người và GDP 2.500 tỷ USD, ASEAN sẽ trở thành một thực thể có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực.

Việt Nam cam kết tiếp tục cùng các nước thành viên ASEAN tăng cường hơn nữa quan hệ với các đối tác đối thoại, trong cũng như ngoài khu vực, nhằm biến châu Á - Thái Bình Dương trở thành một khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển.

Để đạt được mục tiêu đó, Phó Thủ tướng cho rằng tất cả các nước cần tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác tìm giải pháp lâu dài, thỏa đáng cho các thách thức đối với hòa bình và an ninh khu vực, nhất là các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.

Đặc biệt, các nước lớn cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình, tôn trọng các lợi ích chính đáng của các nước vừa và nhỏ, tránh những hành động làm phức tạp thêm tình hình khu vực.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam kiên trì lập trường nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, phản đối các hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, chủ trương giải quyết các tranh chấp, nhất là các tranh chấp ở Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và các nguyên tắc ứng xử chung ở khu vực.

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: “Quan điểm và lợi ích của các quốc gia có thể khác nhau, nhưng điều gắn kết tất cả chúng ta là có chung nguyện vọng xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế” và “Nghị viện đóng vai trò rất quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đó”.

Theo chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN