Đáp ứng yêu cầu đổi mới
(Baonghean) - Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, 10 năm qua, hoạt động xuất bản - in - phát hành trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có những bước chuyển biến tích cực: Bám sát thực tiễn đời sống xã hội, phục vụ kịp thời và đầy đủ những sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bạn đọc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước…
10 năm qua, hoạt động xuất bản - in - phát hành (sau đây gọi chung là hoạt động xuất bản) ở Nghệ An đã có những bước chuyển biến tích cực, bám sát thực tiễn đời sống xã hội, phục vụ kịp thời và đầy đủ những sự kiện thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh; từng bước thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bạn đọc, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, văn hoá... Dưới sự chỉ đạo của Sở Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Nghệ An đã giữ vững định hướng, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Trong 10 năm, Nhà xuất bản Nghệ An đã xuất bản 1.133 đầu sách, với tổng số 716.600 bản, 107.490.000 trang in trên tất cả các đề tài về chính trị – pháp luật, văn hoá - xã hội, khoa học – kỹ thuật, thiếu nhi… Nhiều bộ sách có giá trị được xuất bản như: “Nghệ An – Di tích danh thắng”, “Nghệ An – Lịch sử và văn hoá”, “Nghệ An – Khúc hát tự hào”, “Câu đối xứ Nghệ”, “Bác Hồ – một tình yêu bao la”, “Những bức thư, bài viết, bài nói chuyện của Bác Hồ với quê hương Nghệ An”.
Dây chuyền in của Nhà in báo Nghệ An. Ảnh: Sỹ minh |
Thực hiện đúng tinh thần của Chỉ thị 42, hoạt động xuất bản - in - phát hành trên địa bàn tỉnh đã thực hiện phương châm hướng về cơ sở, hướng về người lao động. Hiện tại, trên địa bàn Nghệ An có 153 cơ sở phát hành, trong đó, Công ty CP Sách và Thiết bị trường học có 21 cơ sở ở các huyện, Công ty CP Phát hành sách có 17 cơ sở... Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu ban hành nhiều văn bản có tính hiệu quả cao về tăng cường hoạt động xuất bản - in - phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo các đơn vị xuất bản, in, phát hành cũng đã thể hiện được vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc định hướng phát triển, triển khai 5 nhiệm vụ và 6 giải pháp nêu trong Chỉ thị 42, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, lãnh đạo, quản lý và thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
Gấp xếp sản phẩm tại nhà in báo Nghệ An. Ảnh: S.M |
Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành “Quy hoạch phát triển xuất bản Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020”, trong đó, quán triệt nguyên tắc, tiêu chí đã được đề ra theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; trong đó, quan tâm đến xây dựng tiềm lực và năng lực của hoạt động xuất bản; nâng cao hiệu quả kinh tế của xuất bản; xây dựng các mô hình và cơ cấu mới, phù hợp với sự phát triển của công nghiệp xuất bản hiện đại. Để hỗ trợ hoạt động xuất bản, sở cũng đã tham mưu ban hành các cơ chế quản lý phù hợp, có hiệu quả đối với hoạt động xuất bản, như: chế độ miễn - giảm thuế đất cho các cơ sở xuất bản; trợ giá, trợ cước việc phát hành xuất bản phẩm cho đồng bào miền núi; tham mưu cho UBND tỉnh xuất bản các đầu sách đặt hàng, trợ giá, nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống... Tính riêng từ năm 2009 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 52 cuốn với số lượng 15.600 bản, trong đó có những cuốn sách có giá trị như: “Những tấm gương tiêu biểu của tỉnh Nghệ An trong 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ”, “Địa chỉ văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh, Bà Hoàng Thị Loan – Người mẹ thiên tài Hồ Chí Minh”...
Chỉ thị 42 cũng đã đề cao vai trò của lực lượng tư nhân trong liên doanh, liên kết hoạt động xuất bản. Trong 10 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 444 cơ sở in đang hoạt động trên địa bàn, trong đó có 17 cơ sở được cấp giấy phép hoạt động in, còn lại là các cơ sở in phun, in kỹ thuật số, photocopy... Các công ty in tư nhân đã bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của cơ chế thị trường, tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy sự phát triển của ngành Xuất bản nói chung. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật được các đơn vị quan tâm, chú trọng đầu tư trang, thiết bị, máy móc hiện đại nhằm phục vụ tốt hơn trong sản xuất, kinh doanh. Các công ty in và phát hành đã dịch chuyển dần thành công ty cổ phần, đa dạng hoá hình thức kinh doanh phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Trong 10 năm qua, doanh thu của các đơn vị năm sau cao hơn năm trước, điển hình các đơn vị như: Công ty CP In và Phát hành biểu mẫu: 60 tỷ đồng; Công ty CP in: 115 tỷ đồng; Nhà in Báo Nghệ An: 200 tỷ đồng; Công ty CP Phát hành sách Nghệ An: 200 tỷ đồng; Công ty CP Sách và Thiết bị trường học: 500 tỷ đồng.
Nhận thức, trách nhiệm của các cấp Đảng, chính quyền và các ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai Chỉ thị 42 ngày càng được nâng cao. Huyện uỷ, UBND các huyện, thành, thị cũng đã lấy Chỉ thị 42 là căn cứ, cơ sở để triển khai nhiều nội dung trong công tác xuất bản tại địa phương. Phòng VH-TT các huyện, thành, thị đã chỉ đạo công tác tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở các văn bản như: Luật Xuất bản, Chỉ thị 42 ... Hướng dẫn các cơ sở in ấn, phát hành làm thủ tục đăng ký giấy phép hoạt động kinh doanh, kinh doanh đúng quy định của pháp luật. Cùng với hoạt động xuất bản và quản lý hoạt động xuất bản tại địa phương, huyện uỷ, UBND huyện, thành, thị cũng chú trọng chỉ đạo các ngành liên quan chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, kết hợp hình thức hoạt động thư viện điện tử và thư viện truyền thống; đưa sách báo đến tận vùng sâu, vùng xa; xây dựng các thư viện, tủ sách học tập tại các thôn, bản, phục vụ tốt nhất nhu cầu đọc của nhân dân. Chính vì vậy, văn hoá đọc ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng.
Tuy vậy, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 42, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là: Các loại ấn phẩm về lĩnh vực giải trí, văn học hay tạp chí mang tính nghiên cứu, khoa học đời sống chưa nhiều, chất lượng một số tác phẩm chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Văn hóa đọc đang dần mai một trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình giải trí từ các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Quy mô, năng lực hoạt động xuất bản chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội về cung cấp thông tin, tri thức và thưởng thức văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới. Chưa có nhiều loại sách phổ cập tri thức phục vụ đông đảo quần chúng; sách nghiên cứu, tổng kết thực tiễn còn ít, chất lượng còn hạn chế. Sách viết về công cuộc đổi mới, nhân tố mới, con người mới, còn ít và kém sâu sắc, sinh động.
Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 42, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với lĩnh vực xuất bản, đồng thời với tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất bản; đổi mới công tác nghiên cứu, in ấn, xuất bản, phát hành các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển; chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác xuất bản trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển hoạt động xuất bản, in và phát hành bắt nhịp với xu hướng phát triển của thời đại, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Nguyễn Bá Hảo - PGĐ Sở Thông tin và Truyền thông