Bảo vệ quyền của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài
Số lượng lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng nhưng hiện chưa có chính sách riêng đối với họ ở nước ngoài
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”, sáng nay (3/4), tại Hà Nội, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) tổ chức Hội thảo Đối thoại chính sách về bảo vệ quyền của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài.
Việt Nam là quốc gia có số người đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng ở khu vực Châu Á, Thái Bình Dương. Hiện, 500.000 người Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm đưa được 90.000 lao động đi, trong đó, lao động nữ chiếm từ 30 đến 35% trong tổng số lao động di cư. Số lượng lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài cũng đang có xu hướng tăng lên. Cụ thể, năm 2014 lần đầu tiên Việt Nam đưa được hơn 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, phụ nữ chiếm 37,5%.
Phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài làm việc, chủ yếu trong các ngành nghề: Giúp việc gia đình; Y tá, điều dưỡng; Nhân viên khách sạn; Thợ may; Thợ dệt; Lắp ráp thiết bị điện tử tại các thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Arabia Saudi và Cộng hòa Síp. Cũng như nam giới, phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài không chỉ được nâng cao về kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, ngày càng có kinh nghiệm và tác phong làm việc chuyên nghiệp mà còn mang lại thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.
Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cho biết: “Số lao động nữ của Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đóng góp đáng kể vào việc nâng cao mức sống gia đình và địa phương. Cùng với việc đẩy mạnh việc tổ chức và quản lý hiệu quả hơn các doanh nghiệp hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Cục quản lý lao động nguồn nước ưu tiên tập trung các biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Chính phủ Việt Nam cũng tích cực hợp tác với Chính phủ các nước tiếp nhận lao động để bảo vệ quyền lợi của người lao động”.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù số lượng lao động nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, nhưng hiện nay chưa có chính sách riêng đối với lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài. Các quy định pháp luật và chính sách hiện hành quy định chung cho cả lao động nam và nữ, không có những chính sách đặc biệt dành riêng cho nữ giới.
Bởi vậy, những khó khăn và rủi ro mà phụ nữ gặp phải khi làm việc ở nước ngoài thường nhiều hơn lao động là nam giới. Nhiều phụ nữ khi làm việc ở nước ngoài đã bị bóc lột sức lao động, bị xâm hại, bị bạo lực, không được trả lương. Khi về nước, phụ nữ cũng gặp khó khăn trong tái hòa nhập, khó tiếp cận các dịch vụ, nhất là dịch vụ về hỗ trợ giải quyết việc làm. Do định kiến xã hội và quan niệm về giới còn nặng nề, nhiều chị em không có sự chia sẻ của gia đình, người thân trong nuôi dạy con cái khi làm việc ở nước ngoài về nước.
Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cho biết: “5 năm qua chúng tôi đã phối hợp với Cục quản lý lao động ngoài nước và cơ quan liên quan của Việt Nam triển khai Dự án “Tăng quyền năng cho phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự án tập trung thực hiện nhiều hoạt động, nhằm nâng cao kiến thức về bình đẳng giới; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, quản lý và doanh nghiệp Việt Nam làm công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Chúng tôi hy vọng qua dự án này thay đổi chính sách và cách làm việc trên thực tế để Việt Nam đảm bảo tốt nhất quyền của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài”.
Các ý kiến cũng đề xuất cần thiết phải bổ sung và hoàn thiện những chính sách dành cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về đảm bảo nguyên tắc giới. Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tham gia hỗ trợ cho người lao động tái hòa nhập thị trường; xây dựng hệ thống dữ liệu và hồ sơ thông tin của người lao động trở về. Đặc biệt, có các can thiệp sớm để giảm thiểu những rủi ro mà phụ nữ có thể gặp phải khi làm việc ở nước ngoài cũng như khi trở về./.
Theo VOV.VN