Chung một tình yêu
(Baonghean) - Có rất nhiều cái “cớ” để mọi người tìm về với nhau. Có cớ vì mưu sinh, có cớ vì nghĩa tình… Và có một cái cớ để những cựu học sinh Trường Phan Bội Châu tụ hội về mái trường này giữa những ngày đông giá rét - là bởi họ có chung một tình yêu với những câu Ví, Giặm của quê hương Xứ Nghệ…
TIN LIÊN QUAN
![]() |
Đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh và NSND Hồng Lựu giao lưu cùng khán giả. Ảnh: Thành Chung |
Với tình yêu ấy, chúng tôi - những cựu học sinh Trường Phan của nhiều thế hệ đã hội tụ về dưới mái trường yêu dấu để bày tỏ cảm xúc đối với sự kiện đặc biệt “UNESCO vinh danh Dân ca ví, giặm Nghệ -Tĩnh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện cho nhân loại”. Những cung bậc yêu thương, mừng vui bày tỏ niềm tự hào, tình yêu đối với Dân ca ví, giặm của mỗi người, những làn điệu Dân ca ví, giặm được chia sẻ qua các đường link, có cả những bài viết công phu hơn về thực trạng, những giải pháp, chiến lược để bảo tồn và phát huy dân ca Nghệ - Tĩnh. Tất cả đều thể hiện một tình yêu sâu sắc với ví, giặm, mà đằng sau đó chính là niềm tự hào, tình yêu quê hương của những người con xứ Nghệ ở mọi miền Tổ quốc. Chỉ trong mấy ngày, một bầu không khí của Dân ca ví, giặm đã tràn ngập các trang cá nhân cũng như các nhóm cộng đồng Facebook của các thế hệ học sinh Phan Bội Châu.
Bước ra khỏi diễn đàn trên giấy, trên smartphone, ý tưởng về việc tổ chức những chương trình biểu diễn Dân ca ví, giặm trong cộng đồng, để ví, giặm ngày càng được lan toả rộng hơn, cũng đã được ra đời và nhanh chóng được những thành viên năng nổ của hội hưởng ứng và triển khai. “Về miền ví, giặm” - chương trình đầu tiên đã được chọn địa điểm là Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Mục đích để học sinh của trường hiện nay được biết đến Dân ca ví, giặm một cách tương đối đầy đủ, cũng là một cách để ví, giặm được tiếp thêm sức sống. Và sau nữa, những cựu học sinh muốn thông qua chương trình này để gửi lời tri ân đến thầy cô và mái trường Phan yêu dấu.
Giao lưu “Về miền ví, giặm” đã tái hiện trọn vẹn miền quê Lam - Hồng thấm đẫm những câu hò, điệu ví. Những chia sẻ của lãnh đạo tỉnh, sự xuất hiện của các nghệ sỹ dân ca, các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian và âm nhạc truyền thống đã khơi gợi những ý tưởng mới để Dân ca ví, giặm có một đời sống đích thực riêng có của đất và người xứ Nghệ.
![]() |
Tiết mục giao lưu “Mời trầu” của cựu học sinh K25. |
Dân ca ví, giặm vốn được hình thành và phát triển trong lao động, sản xuất, luôn đồng hành bền vững trong mọi thời gian và lịch sử dân tộc. Bởi thế những “mô, tê, răng, rứa”, những tiếng Nghệ trọ trẹ... đã đi vào từng câu ca, điệu ví, câu giặm một cách tự nhiên, mộc mạc. Sự lan tỏa mãnh liệt của ví, giặm Nghệ - Tĩnh còn bởi loại hình nghệ thuật này là sự chưng cất hoàn hảo những tinh túy của trí tuệ, học vấn. Thuở xưa, các đồ Nghệ luôn lồng ghép các điệu ví, giặm trong những giờ dạy của mình như Nguyễn Du, Phan Bội Châu... Mỗi câu hát dân ca, mỗi làn điệu ví, giặm luôn là sự lắng đọng của một triết lý sống, là những chất chứa yêu thương, hờn giận, nhưng dù ở trạng thái nào, không gian nào, thì bao trùm lên tất cả là chất trữ tình, tính nhân văn đến “Giận thì giận mà thương lại càng thương”...
Trăn trở với di sản dân ca, tại đêm giao lưu, NSND Hồng Lựu - người thổi hồn cho Dân ca ví, giặm thời kỳ đương đại mong muốn: “Để bảo tồn và phát triển dân ca, rất cần sự góp mặt của đội ngũ trí thức. Và nếu có sự tham gia của những trường học có bề dày thành tích như Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thì tôi tin tưởng về một sức sống lâu bền của dân ca. Bởi mỗi người dân xứ Nghệ là một thực thể sống của dân ca, nên thế hệ sau hãy tiếp thế hệ trước để chủ động hơn nữa, tiếp cận nhiều hơn nữa với ví, giặm thì thực thể sống dân ca sẽ ngày càng phát triển”.
Lý giải về sức sống trường tồn của Dân ca ví, giặm, nhạc sỹ Lê Hàm - người có nhiều sáng tác mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ cũng đã chia sẻ: “Sở dĩ những làn điệu Dân ca ví, giặm có thể trường tồn trong hàng nghìn năm qua cùng lịch sử dân tộc và vẫn được yêu thích, mê đắm giữa sự ồn ào của đời sống âm nhạc hiện đại là vì bên cạnh những làn điệu cổ, Dân ca ví, giặm đã được phát triển với nhiều sáng tác mang âm hưởng dân ca ngọt ngào, sâu lắng mà phù hợp với đời sống, tâm tư, tình cảm của nhân dân”.
Hiệu ứng lớn nhất mà buổi giao lưu “Về miền ví, giặm” mang lại đó là một niềm đam mê chung với dân ca Nghệ -Tĩnh của nhiều thế hệ thầy và trò Trường Phan được thổi bùng lên nóng bỏng. Từ những cựu học sinh K4, K5, K9, K12, K16, K18, K25 - những người đã rời mái trường này trên dưới 20, 30 năm cho đến các học sinh K43 mới bước chân vào cổng trường.
Bởi ví, giặm thôi thúc, níu gọi, nên sau 30 năm xa quê, hôm nay, chị Phan Ngọc Minh - K12 đã trở về mái trường xưa. Chị tâm sự: “Khi ví, giặm được UNESCO công nhận, mình thấy rất vui, nhưng chưa cảm thấy gần gũi. Cho đến khi về dự buổi giao lưu này, được nghe ví, giặm, mình đã được sống lại với những khoảnh khắc của thời thơ ấu, được đắm mình trong những câu dân ca mượt mà. Và hơn bao giờ hết, mình thấy yêu dân ca hơn, yêu con người xứ Nghệ và yêu đất nước mình hơn”.
Về cuộc giao lưu này, vượt qua mọi sự lạc phách, lạc nhịp, quên lời, dân ca ví, giặm với bất kỳ chủ đề nào cũng được cất lên với một tình yêu tha thiết. Bên cạnh sự nhiệt huyết, nhuần nhuyễn với “Hò sông nước”, “Hát phường nón”... của các nghệ sỹ đến từ Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ là cái mộc mạc, hồn nhiên của cựu học sinh Đặng Anh Phương - K25, khoá đầu tiên có CLB Dân ca tại Trường Phan với “Dạy vợ từ thưở bơ vơ mới về”. Nếu NSND Hồng Lựu đầy hứng khởi với nhiều câu ví, điệu hò, thì những nữ sinh của lớp 10 chuyên Văn C1 cũng không kém tự tin với bài xẩm “Công cha nghĩa mẹ, ơn thầy”. Em Phan Lê Thục Hiền hồi hộp thổ lộ: “Đây là lần đầu tiên được biểu diễn ở một sân khấu lớn trong bối cảnh các bạn trẻ chủ yếu thích nhạc trẻ, nhạc Hàn, nhạc Âu, Mỹ, không mấy bạn thuộc và biết về những câu hát dân ca. Hầu hết “dân” chuyên Văn được nuôi dưỡng tình yêu dân ca từ các cô giáo của mình, từ những trang sách hay bài thơ năm chữ, bảy chữ. Tiết mục hát xẩm “Công cha nghĩa mẹ, ơn thầy” được khởi đầu từ một cuộc thi hát dân ca trong lớp”.
Cũng từ tình yêu của các thầy cô giáo đối với mảnh đất này, với di sản tinh thần vô giá của người Nghệ, mà học trò Trường Phan qua các thế hệ đều có một tình yêu đặc biệt với ví, giặm. Và từ mái trường này cũng đã có rất nhiều học trò vừa học giỏi, vừa am hiểu và hát hay các làn điệu dân ca. Ngay trong đêm giao lưu, một sáng tác đặc biệt của cựu học sinh chuyên Văn K12 có tên gọi “ Ví giặm gọi bạn Trường Phan” như một tiếng lòng ấm áp của những cựu học sinh Trường Phan tri ân thầy, cô giáo - những người đã nâng cánh ước mơ cho họ bay cao, bay xa đến khắp mọi miền Tổ quốc và ra trường quốc tế.
Những giá lạnh của đêm đông đã được xua tan bởi sức nóng bởi tình yêu của thầy và trò các thế hệ Trường Phan dành cho ví, giặm Nghệ - Tĩnh. Tình yêu ấy đã làm cho họ xích lại gần nhau, gắn kết nhau hơn. Cũng chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng để họ thăng hoa và bay cao hơn, xa hơn. Sau giao lưu đầu tiên được tổ chức tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, nhiều cuộc giao lưu tôn vinh vẻ đẹp dân ca xứ Nghệ sẽ được cựu học sinh Trường Phan tiếp tục tổ chức trên mọi miền của đất nước, để dân ca xứ Nghệ được tiếp thêm sức sống, sức lan tỏa mạnh mẽ, ăn sâu bám rễ trong đời sống mỗi người dân Việt, chảy mãi trong mạch nguồn văn hoá của nhân loại…
Còn đọng lại sau “Về miền ví, giặm” là một tình yêu da diết, lắng sâu và khắc khoải dành cho ví, giặm Nghệ -Tĩnh và như Lê Quang Thắng thì “điệu ví, giặm là em”.
Từ thuở trong nôi, được nghe những lời ru của bà, của mẹ với những câu hát đậm chất dân ca quê mình, dù đi đâu, làm gì thì học trò Trường Phan nói riêng, người xứ Nghệ nói chung luôn hướng về miền ví, giặm, nơi có nguồn sữa ngọt dân ca nuôi dưỡng tâm hồn những người con được sinh ra từ mảnh đất địa linh nhân kiệt, non xanh nước biếc này.Với nhiều thế hệ học sinh Trường Phan, giờ đây tình yêu đối với ví, giặm Nghệ Tĩnh đã là một hành trang mà họ luôn trân trọng, nâng niu trên mỗi bước đường đời.
An Nhân