Thu phí bảo trì đường bộ: Nỗ lực đưa chủ trương vào cuộc sống
(Baonghean) - Được ban hành và có hiệu lực từ năm 2013, việc thu phí sử dụng đường bộ đến nay vẫn chưa thực sự tạo được thói quen, nhận thức về trách nhiệm nộp phí trong người dân. Từ nhu cầu sử dụng ngày một gia tăng và sự cấp thiết phải duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng giao thông, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân đối với lợi ích và tài sản của cộng đồng.
Từ những cách làm hay
HĐND tỉnh giám sát việc sử dụng nguồn quỹ bảo trì đường bộ nâng cấp, cải tạo tuyến đường Xô Viết và đường 540 đoạn xã Kim Liên. |
Huyện Yên Thành là địa phương có kết quả thu phí sử dụng đường bộ năm 2013 xếp vào hàng thấp trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, sang năm 2014, Yên Thành đã có cú “lội ngược dòng” ngoạn mục khi vươn lên đứng vào tốp đầu các huyện, thành, thị đạt kết quả cao nhất trong công tác thu phí sử dụng đường bộ. Đó là minh chứng cho sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân về quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia giao thông dưới sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp. Với cách thức triển khai bài bản, sáng tạo, xã Vĩnh Thành là đơn vị đi đầu toàn huyện Yên Thành trong thu phí mô tô xe máy. Tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu của cả năm 2013 và 2014 là 99.769.000 đồng trên 118.800.000 đồng, đạt 84,55%.
Đặc biệt, tỷ lệ hoàn thành của riêng năm 2014 lên đến 98,8%. Những tháng đầu năm 2015, chưa có chỉ tiêu giao cụ thể, nhưng xã đã tiến hành đôn đốc, vận động người dân nộp phí, đã thu phí được đối với 453 xe gắn máy, đạt 38.950.000 đồng (năm 2014 thu phí đối với 824 xe, năm 2013 thu phí đối với 604 xe). Đồng chí Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành (Yên Thành), cho biết: Ngay từ năm đầu tiên triển khai, Vĩnh Thành đã có sự vào cuộc hết sức nỗ lực, khẩn trương để chủ trương mới này nhanh chóng đến với người dân. Bài học kinh nghiệm của Vĩnh Thành gói gọn trong ba từ: Tiên phong, phối hợp và linh hoạt. Sự tiên phong thể hiện ở đội ngũ cán bộ chủ chốt đi đầu, thực hiện tốt việc nộp phí sử dụng đường bộ để làm gương cho toàn thể nhân dân.
Tiếp đó, có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các tổ chức, đoàn thể để đốc thúc, vận động người dân hưởng ứng chủ trương thu phí sử dụng đường bộ; phát huy tốt hoạt động của mô hình kết hợp trưởng xóm với công an viên đồng hành từ khâu điều tra, khảo sát số lượng phương tiện; tuyên truyền; thu phí và kiểm tra việc nộp phí đến tận từng hộ dân. Cuối cùng, có sự linh hoạt, sáng tạo trong “khen - chê” để tạo động lực thực hiện việc nộp phí ở người dân. Ví dụ, đưa vào chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các khối, xóm; đưa vào chỉ tiêu xét đối với các chế độ hỗ trợ, các loại quỹ của các tổ chức, đoàn thể. Theo quy định, 15% của tổng số tiền thu được sẽ được trích lại cho địa phương để chi trả cho việc tuyên truyền, thu phí, trong đó, 5% được xã dùng để hỗ trợ đội ngũ trực tiếp đi thu phí tại các hộ dân - một khoản tiền không lớn nhưng là sự khích lệ và ghi nhận đối với tinh thần trách nhiệm vì lợi ích cộng đồng.
Một địa phương khác là Thị trấn Nam Đàn - đơn vị có mức thu cao trên địa bàn huyện Nam Đàn với kế hoạch được giao cho 2 năm 2013 và 2014 là 103 triệu đồng, đã tiến hành thu được 75 triệu đồng, đạt 71%. Trong mỗi kỳ họp, việc thu phí đường bộ là một nội dung không thể thiếu, cán bộ xã nhắc nhở, đốc thúc đến từng xóm. Sự chỉ đạo sâu sát đó lan toả xuống đến từng hộ thông qua vận động trực tiếp của các xóm trưởng. Ông Phạm Hải Đường, Xóm trưởng xóm Phan Bội Châu - xóm đạt kết quả thu cao nhất thị trấn, cho biết: “Vận động, tuyên truyền người dân thực hiện một loại phí mới chắc chắn gặp nhiều khó khăn, người cán bộ cần có thái độ mềm mỏng, linh hoạt khi giải thích để người dân hiểu về quyền lợi mình được hưởng từ việc nộp phí, nhưng cũng phải cương quyết yêu cầu người dân thực hiện nó như một trách nhiệm, nghĩa vụ cộng đồng”.
Thu phí đường bộ tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An. Ảnh: Sỹ Minh |
Trên địa bàn huyện Nam Đàn còn có nhiều đơn vị như Vân Diên, Khánh Sơn, Hùng Tiến, Nam Thượng cũng đạt được kết quả cao trong công tác thu phí sử dụng đường bộ. Khẳng định về quyết tâm của địa phương đối với việc thu phí sử dụng đường bộ một cách đồng bộ, triệt để, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết đã “không để cơ chế “vết dầu loang” từ những cá nhân có thái độ chây ỳ, trốn tránh dẫn tới hiệu ứng số đông tiêu cực ra cộng đồng dân cư”. Nhất là đối với Nam Đàn - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là huyện điểm trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo được nhận thức đúng đắn trong người dân về nghĩa vụ công dân đối với lợi ích và tài sản cộng đồng là điều có ý nghĩa hết sức to lớn. Với sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ, năm 2013 Nam Đàn đã thu được 1 tỷ 643 triệu đồng, đạt 84% chỉ tiêu được giao và năm 2014 là 1 tỷ 960 triệu đồng đối với xe gắn máy.
Và những bất cập:
Đối với tình hình thu phí sử dụng đường bộ của xe mô tô trên địa bàn tỉnh, vẫn còn chênh lệch khá lớn giữa mức thu về và chỉ tiêu dự toán. Tính cả 2 năm 2013 và 2014, tổng nguồn thu về đạt 36,14 tỷ đồng. Trong đó, năm 2013 thu được 10,324 tỷ đồng, đạt 33,43% dự toán được giao; năm 2014 thu được 25,759 tỷ đồng, đạt 70,69% dự toán đã giao. Một lý do khách quan giải thích kết quả còn hạn chế của năm 2013 là do năm đầu tiên triển khai thu vào thời gian cuối năm, gây khó khăn cho việc truy thu vào năm 2014. Còn hai lý do chủ quan dẫn đến khó khăn trong thực hiện thu phí sử dụng đường bộ gồm: Thứ nhất, kết quả điều tra, khảo sát số lượng phương tiện tại địa bàn còn dựa trên số liệu quản lý về mặt pháp lý, trên thực tế có sự chênh lệch đối với số lượng phương tiện thực sự lưu thông trên địa bàn, gây khó khăn cho việc hoàn thành chỉ tiêu được giao. Nhiều trường hợp phương tiện được đăng ký, quản lý trên giấy tờ tại địa phương, nhưng lại lưu thông ở địa bàn khác, hoặc việc giao dịch, sang tên đổi chủ mà địa phương không thể kiểm soát một cách triệt để.
Thứ hai, chưa có chế tài chi tiết, cụ thể để xử lý những trường hợp nộp chậm hoặc không nộp phí. Hay nói chính xác hơn thì tuy Bộ Tài chính đã có Thông tư 186/2013/TT- BTC quy định rõ đối tượng vi phạm nộp phí sẽ bị xử phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng, nhưng trên thực tế rất khó thực hiện vì “ai là người thực hiện và thực hiện như thế nào”? Hiện vẫn chưa có chế tài dừng phương tiện tham gia giao thông đối với chủ phương tiện không nộp phí sử dụng đường bộ. Về ngành dọc, đây là vấn đề thuộc ngành Giao thông Vận tải, nhưng có sự khác biệt về bản chất, định nghĩa pháp lý giữa việc không nộp phí sử dụng đường bộ với các vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, không mua bảo hiểm phương tiện,…nên việc kiểm soát và xử phạt người không nộp phí đường bộ không thuộc quyền hạn của lực lượng công an giao thông.
Như vậy, tỷ lệ thu phí sử dụng đường bộ còn đạt thấp so với chỉ tiêu dự toán và so với nhu cầu bảo trì, sửa chữa hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển nhanh chóng. Để cải thiện kết quả thu phí sử dụng đường bộ thì việc ban hành, áp dụng các biện pháp, chế tài xử phạt, răn đe chỉ là giải pháp tức thì ít nhiều mang tính cưỡng chế, về lâu dài chủ trương sẽ không thực sự đi vào đời sống. Thu phí sử dụng đường bộ là hữu dụng và tất yếu, đó là điều không phải bàn cãi. Nhưng hữu dụng như thế nào, đó là điều mà người dân cần được thấy thì mới có thể hiểu được sự tất yếu của nghĩa vụ này. Cốt lõi của vấn đề nằm ở chính mục đích, cách thức sử dụng nguồn quỹ từ phí sử dụng đường bộ.
(Còn nữa)
Thục Anh - Thanh Nga