Cần "mạnh tay" xử lý doanh nghiệp vi phạm ATVSLĐ -PCCN

29/03/2015 12:40

(Baonghean) - Tình trạng các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và phòng chống cháy nổ (PCCN) đang diễn ra hết sức phức tạp. Người lao động cũng chưa ý thức được việc tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng cũng như quyền được bảo vệ của mình để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện. Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của chủ sử dụng và ý thức của người lao động phía cơ quan chức năng cần có những giải pháp mạnh mẽ để xử lý những doanh nghiệp vi phạm…

Theo tổng hợp của Sở LĐ - TB&XH trong năm 2014, toàn tỉnh đã xảy ra 26 vụ tai nạn lao động, làm chết 9 người, 14 người bị thương. Song, con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động nhưng không khai báo với cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo quy định mà tự giải quyết trong im lặng.

Công nhân không được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc trên các tòa nhà cao tầng.
Công nhân không được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc trên các tòa nhà cao tầng.

Tại huyện Quỳ Hợp, một trong những địa phương có nhiều doanh nghiệp khai thác mỏ, khoáng sản, vật liệu xây dựng hoạt động nhưng phần lớn chưa quan tâm đến công tác ATVSLĐ. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng LĐ - TB&XH huyện Quỳ Hợp cho biết: Hàng năm, huyện đều thành lập đoàn thanh tra về việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp. Đoàn đã phát hiện nhiều doanh nghiệp không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, chưa xây dựng nội quy lao động, nội quy an toàn lao động, trang bị bảo hộ lao động không đầy đủ cho người lao động.

Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác vệ sinh lao động cũng chưa được các doanh nghiệp chú trọng. Năm 2014, Ngành Y tế chỉ tổ chức khám sức khỏe cho 50 đơn vị với tổng số 18.961 công nhân. Qua khám đã phát hiện bệnh viêm phế quản mãn tính, bệnh sạm da nghề nghiệp, bệnh bụi phổi silic, bệnh điếc nghề nghiệp cho 6 đơn vị với số lượng người nghi mắc bệnh là 97 người. Tiến hành kiểm tra, giám sát môi trường lao động tại 18 đơn vị, phát hiện có 177/3.052 mẫu không đạt tiêu chuẩn cho phép, chiếm tỷ lệ 5,05% số mẫu đo.

Là tỉnh có số lượng doanh nghiệp lớn với hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, hơn 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ mới đầu tư về kinh doanh lợi nhuận mà chưa quan tâm đến việc thực hiện pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động. Bà Hoàng Thị Hường, Chánh Thanh tra Sở LĐ - TB&XH tỉnh cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, điều kiện môi trường làm việc tại các doanh nghiệp đa phần không đảm bảo như: thiếu ánh sáng, thông gió, không gian chật hẹp. Trang thiết bị, máy móc phục vụ cho sản xuất còn nghèo nàn, lạc hậu, sử dụng các thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn nhưng không kiểm định và khai báo. Nhiều doanh nghiệp không trang bị bảo hộ lao động, không huấn luyện về công tác ATVSLĐ cho người lao động, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ, không thực hiện bồi dưỡng hiện vật đối với người lao động làm nghề nặng nhọc. Một số doanh nghiệp có trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân nhưng người lao động không sử dụng hoặc có sử dụng nhưng không đúng cách, không chấp hành nghiêm các quy trình, quy phạm và nội quy hoạt động, biện pháp làm việc an toàn tại nơi làm việc.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các doanh nghiệp chưa quan tâm và đầu tư đúng mức về công tác ATVSLĐ; không tham gia lớp tập huấn về ATVSLĐ. Trong khi đó, phần lớn người lao động làm việc tại các doanh nghiệp này đều là lao động phổ thông, không được trang bị kiến thức cơ bản về ATVSLĐ. Vì thế, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nhưng doanh nghiệp không khai báo, điều tra và thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định. Công tác tự kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không được tiến hành thường xuyên.

Doanh nghiệp, người lao động chưa quan tâm nhiều thì đã rõ nhưng các ngành chức năng cũng chưa làm tốt nhiệm vụ của mình. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật mặc dù đã được triển khai nhưng chưa rộng khắp. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa nhiều và chưa chú trọng đến những lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động. Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh thì công tác phối hợp kiểm tra, giám sát và tự kiểm tra ATVSLĐ ở cấp huyện và cơ sở chưa được quan tâm, còn mang tính hình thức, thiếu chủ động và có nơi nhiều năm liền không tổ chức kiểm tra.

Kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy
Kiểm tra hệ thống phòng cháy chữa cháy

Việc doanh nghiệp không khai báo, không tự kiểm tra về công tác an toàn, vệ sinh lao động nhưng vẫn chưa vẫn chưa có một biện pháp xử lý. Điều này đang gây khó khăn trong việc tổng hợp, đánh giá tình hình tai nạn lao động trên toàn tỉnh; tạo cơ hội cho doanh nghiệp “lãng quên” trách nhiệm của mình. Đã đến lúc các ngành chức năng cần phải vào cuộc quyết liệt, phải có những chế tài mạnh để răn đe, xử lý tận gốc các hành vi vi phạm pháp luật về ATLĐ, nhất là các hành vi vi phạm dẫn đến tai nạn lao động của các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động; hành vi không chấp hành nghiêm chỉnh chế độ khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động... Đồng thời, các cơ quan liên quan cần tăng cường phối hợp trong việc điều tra, xử lý nhanh và dứt điểm các vụ tai nạn lao động để kịp thời giải quyết chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động, cũng như có biện pháp khắc phục những sai phạm.

Chỉ tiêu đặt ra trong năm 2015 là giảm 5% tần suất lao động chết người; tăng 5% số cơ sở tổ chức khám sức khỏe định kỳ; 100% lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được huấn luyện và cấp thẻ an toàn lao động, 100% người lao động được huấn luyện về công tác ATVSLĐ... Để đạt được chỉ tiêu trên thì ngay từ lúc này, UBND các cấp phải chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tăng cường tự kiểm tra về công tác ATVSLĐ. Sở LĐ-TB và XH các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác ATVSLĐ; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ mất ATLĐ trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc việc điều tra, báo cáo tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng theo quy định. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường tự kiểm tra về công tác ATVSLĐ; cải thiện điều kiện lao động nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như xây dựng một môi trường làm việc an toàn.

Nguyên Hưng

Năm 2014, Sở LĐ - TB&XH phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức thanh, kiểm tra về việc thực hiện các quy định pháp luật về ATVSLĐ tại 31 doanh nghiệp. Qua đó, đã phát hiện có 21 đơn vị có sai phạm và lập biên bản xử phạt hành chính 113 triệu đồng. Năm 2014, Cảnh sát PCCC tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, phúc tra 6.686 lượt cơ sở, đã phát hiện và xử lý 214 trường hợp vi phạm quy định về PCCC , quản lý vật liệu nổ, thu hồi 651 triệu đồng.