Doanh nghiệp bị thanh tra Bộ TN&MT xử phạt: Bài học không của riêng ai!
(Baonghean) - Vừa qua, 3 doanh nghiệp tại khu công nghiệp Bắc Vinh (TP. Vinh) bị Thanh tra Bộ TN&MT xử phạt đến 130 triệu đồng vì các lỗi thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường. Qua sự việc để thấy, không chỉ là bài học đối với các doanh nghiệp, mà các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cũng cần nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình...
Các doanh nghiệp bị Thanh tra Bộ TN&MT xử phạt gồm: Công ty TNHH MTV Tân Khánh An (sản xuất thuốc lá, bao bì), Công ty CP Sản xuất dịch vụ thương mại Vũ Huy (sản xuất kinh doanh phân bón), Công ty CP Minh Trí Vinh (may mặc). Với hai Công ty CP Sản xuất dịch vụ thương mại Vũ Huy, Công ty CP Minh Trí Vinh, vì có tình tiết giảm nhẹ nên mức xử phạt là 10.000.000 đồng/1 công ty; riêng Công ty TNHH MTV Tân Khánh An, mức xử phạt là 110.000.000 đồng.
Công ty TNHH MTV Tân Khánh An (KCN Bắc Vinh). |
Theo nội dung nêu tại các quyết định xử phạt thì các công ty này đã có hành vi vi phạm hành chính: "Thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định; vi phạm Điểm d, Khoản 2, Điều 11 của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường". Còn theo đại diện của Công ty TNHH MTV Tân Khánh An còn “mắc lỗi” khi các đơn vị mà công ty này hợp đồng quan trắc chưa được cấp giấy chứng nhận hoạt động dịch vụ môi trường.
Trước những nguyên nhân dẫn đến việc xử phạt, Công ty TNHH MTV Tân Khánh An đã có các Công văn số 08/CV-TKA; 15/CV-TKA gửi ông Lê Quốc Trung, Chánh thanh tra Bộ TN&MT xin miễn chấp hành quyết định hành chính. Lý do là vì trong nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV Tân Khánh An là đơn vị chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật; những vi phạm mà Thanh tra Bộ TN&MT chỉ ra đều xuất phát từ những nguyên nhân khách quan. Công văn số 08 và 15 nêu: "Để thực hiện chương trình quan trắc trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2014, chúng tôi có hợp đồng với 2 đơn vị là Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường, Công ty Môi trường và Phát triển bền vững Việt Anh (có trụ sở tại TP. Vinh), có giấy phép kinh doanh do Sở KH&ĐT cấp, có con dấu và đại diện pháp luật ký. Việc soạn thảo hợp đồng đều do bên B lập. Vì thiếu kiến thức bảo vệ môi trường nên chúng tôi ký hợp đồng quan trắc với 2 đơn vị trên; và cũng nghĩ rằng hai đơn vị này có am hiểu đầy đủ về các yêu cầu quan trắc cũng như thông số, điểm quan trắc... và họ sẽ làm đầy đủ. Vậy nhưng qua kiểm tra của đoàn thanh tra Bộ TN&MT mới phát hiện các sai sót.
Hơn nữa, từ năm 2011 đến 2014, các đoàn kiểm tra môi trường cũng không phát hiện, nhắc nhở nên chúng tôi không biết để sửa chữa khắc phục các sai sót...". Ông Phan Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tân Khánh An cho biết: "Với những vi phạm được chỉ ra, chúng tôi sẽ tìm đơn vị mới có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và kiến thức chuyên môn, trang thiết bị để hợp đồng quan trắc; bên cạnh đó, sẽ quán triệt trong cán bộ, công nhân viên để nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường. Công ty TNHH MTV Tân Khánh An có vi phạm nhưng chưa gây hậu quả với môi trường, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ là một văn bản quy phạm pháp luật còn khá mới, chúng tôi chưa bao giờ được hướng dẫn, tập huấn hay được các đoàn kiểm tra nhắc nhở. Chính vì vậy, chúng tôi có các công văn đề nghị Chánh thanh tra Bộ TN&MT xem xét lại...".
Theo tài liệu do Công ty đầu tư và phát triển Khu công nghiệp Bắc Vinh cung cấp, hàng năm, đơn vị này thực hiện đầy đủ việc quan trắc môi trường cũng như phân tích đánh giá việc xử lý nước thải, khí thải do Công ty TNHH MTV Tài nguyên và môi trường thực hiện. Tháng 6/2014, Chi cục bảo vệ môi trường, UBND TP. Vinh, Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam, UBND xã Hưng Đông và Công ty đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Bắc Vinh đã kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp Bắc Vinh.
Các đơn vị này đã kết luận một số doanh nghiệp đóng tại khu công nghiệp Bắc Vinh có gây ảnh hưởng đến môi trường (nước xả thải của Nhà máy Sabeco Sông Lam; khí thải của Công ty Granit Trung Đô; tiếng ồn của Công ty CP đầu tư và phát triển Hoành Sơn), tuy nhiên, không phát hiện ra những vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của 19 doanh nghiệp đứng chân tại khu công nghiệp. Làm việc với phòng TN&MT Thành phố Vinh, được biết, ngày 2/3/2015, thực hiện Kế hoạch số 05/KH-HĐND của HĐND tỉnh, UBND TP. Vinh đã có Báo cáo số 37 về công tác giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của cử tri về tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu công nghiệp Bắc Vinh, cụm công nghiệp Hưng Lộc và hiện trạng ao hồ trên địa bàn thành phố.
Tại báo cáo này, UBND Thành phố Vinh cũng nêu ra những hiện trạng ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất kinh doanh chứ chưa đánh giá cụ thể được việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường (chương trình quan trắc, giám sát môi trường, xây lắp, vận hành công trình xử lý môi trường...) của các doanh nghiệp. Ngày 1/4 vừa qua, tại buổi làm việc với HĐND tỉnh về công tác xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp trong khu kinh tế, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam công nhận tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra trong khu kinh tế một thời gian dài, dù được giải quyết nhiều lần nhưng chưa dứt điểm. Một số “điểm nóng” được nêu là Nhà máy bao bì Sabeco của Công ty CP Sabeco Sông Lam và Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của Công ty TNHH Matrix Vinh tại KCN Bắc Vinh; tại KCN Nam Cấm có Nhà máy điện tử BSE Việt Nam của Công ty TNHH điện tử BSE Việt Nam, Nhà máy chế biến hải sản đông lạnh của Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Hải An, Nhà máy sản xuất bột cá của Công ty CP Minh Thái Sơn, Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ An của Công ty CP Bia Hà Nội – Nghệ An, Nhà máy sản xuất ván nhân tạo của Công ty CP Tân Việt Trung...
Các quyết định xử phạt của thanh tra Bộ TN&MT đối với 3 doanh nghiệp tại khu công nghiệp Bắc Vinh. |
Qua đó, có thể thấy những mặt còn hạn chế của các cơ quan quản lý nhà nước mà Công ty TNHH MTV Tân Khánh An đã nêu tại các công văn gửi Chánh thanh tra Bộ TN&MT không phải là không có cơ sở. Nghị định số 179/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2013. Tại Điều 11 của Nghị định 179, các hành vi vi phạm các quy định về đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm phê duyệt của Sở TN&MT, UBND tỉnh hoặc cơ quan được Sở TN&MT, UBND tỉnh ủy quyền bị xử phạt rất cao.
Mức phạt có thể từ 60 - 70.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định (về vị trí, tần suất hoặc thông số giám sát môi trường); từ 80.000.000 - 100.000.000 đồng đối với hành vi không xây lắp, không vận hành công trình xử lý môi trường đã cam kết trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; từ 150.000.000 - 200.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện tất cả các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt... Bên cạnh đó, hình thức xử phạt bổ sung sẽ đình chỉ hoạt động từ 1 - 9 tháng tùy theo mức độ vi phạm để khắc phục hậu quả.
Có thể thấy rằng, với những quy định xử phạt nặng các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đích hướng tới của Chính phủ là buộc mọi tổ chức, cá nhân phải có nhận thức đúng đắn, chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường. Dù vậy, việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn là vấn đề đáng quan tâm, nhất là tại các khu công nghiệp. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, các tổ chức và cá nhân phải có nhận thức đúng đắn và thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan phải thể hiện được vai trò, trọng trách của mình. Để xẩy ra trên địa bàn việc Thanh tra Bộ TN&MT xử phạt doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng vì lỗi "thực hiện không đúng, không đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo quy định" thực sự là một bài học đáng ghi nhớ không riêng gì doanh nghiệp bị xử phạt!.
Nhật Lân - Đào Tuấn