Bầu cử địa phương ở Pháp: Sức ép cho Tổng thống Francois Hollande
(Baonghean) - Cuộc bầu cử hội đồng tỉnh vòng hai diễn ra cuối tuần qua tại Pháp đã kết thúc với chiến thắng vang dội của cánh hữu và thất bại nặng nề của đảng cầm quyền. Kết quả này đã cho thấy thông điệp của cử tri Pháp rằng họ đang nản lòng với các chính sách của Đảng cầm quyền hiện nay. Điều này chắc chắn sẽ tạo thêm áp lực đối với Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande, đồng thời cũng phác họa các cuộc đua tranh trên chính trường Pháp 2 năm tới.
Tổng thống Pháp François Hollande. Ảnh Bloomberg |
Chiến thắng nghiêng về đảng đối lập
Không có tầm quan trọng như bầu cử Tổng thống hay một cuộc tổng tuyển cử, nhưng cuộc bầu cử hội đồng tỉnh tại Pháp vừa diễn ra vẫn thu hút sự chú ý của dư luận Pháp lẫn cả châu Âu bởi nó phản ánh tương quan lực lượng và ưu thế của các đảng phái hiện nay trên chính trường nước này. Hai vòng bỏ phiếu ngày 22/3 và ngày 29/3 sẽ “làm mới” bộ mặt lãnh đạo của hội đồng 101 tỉnh của Pháp. Đúng như dự đoán, kết quả kiểm phiếu sơ bộ tính đến 1 giờ sáng nay (giờ địa phương) tại vòng hai cho thấy, phe trung hữu gồm hai đảng là Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) và Liên minh Dân chủ - Độc lập (UDI) đã thắng áp đảo, nắm quyền kiểm soát từ 65 đến 71 tỉnh trên tổng số 101 tỉnh của nước Pháp. Cánh tả mà đại diện là đảng Xã hội cầm quyền (PS) đã thất bại nặng nề khi bị mất gần một nửa số tỉnh đang nắm giữ, tức là chỉ còn khoảng từ 28 đến 35 tỉnh so với 61 tỉnh trước đây. Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) tuy không giành được quyền lãnh đạo tại bất kỳ tỉnh nào nhưng nhiều ứng cử viên của đảng đã lọt được vào vòng 2 và xu hướng ủng hộ quan điểm của đảng này đang gia tăng tại nhiều địa phương của Pháp.
Kết quả này phần nào đã phản ánh lợi thế của các đảng phái trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm 2017. Chiến thắng của Liên minh vì Phong trào nhân dân trong cuộc bầu cử này sẽ giúp củng cố địa vị lãnh đạo đang bị cạnh tranh gay gắt của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy trong nội bộ đảng này. Với kết quả của cuộc bầu cử lần này, ông Sarkozy sẽ có thể nhanh chóng áp đặt các đường lối thiên hữu mà mình mới đưa ra và củng cố vai trò là ứng cử viên số 1 của cánh hữu trong cuộc bầu cử nội bộ để chọn ra ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017.
Trong khi đó, sự vươn lên của Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) trong cuộc bầu cử lần này cũng là một dấu hiệu về một sự thay đổi lớn trong đời sống chính trị Pháp thời gian tới. Đảng FN với tư tưởng bài ngoại, bài nhập cư, phản đối tiến trình hội nhập với Liên minh châu Âu đã đưa ra những chương trình hành động đáp ứng đúng quyền lợi thiết thực của người dân như miễn giảm thuế, đảm bảo an ninh, xây dựng các công trình hạ tầng và tạo việc làm. Thủ tướng đương nhiệm Manuel Valls đã cảnh báo là tỷ lệ ủng hộ Đảng Mặt trận Quốc gia khá cao đang là một thách thức, thậm chí là một sự đe dọa đối với nước Pháp và Chủ tịch đảng là bà Marine Le Pen có thể chiến thắng tại cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017.
Đó là với những đảng đang ở thế “thắng”, còn tất nhiên đối với đảng cầm quyền vừa chịu thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua, chắc chắn sẽ có nhiều điều để nói. Trước hết, nó cảnh báo về sự “lép vế” của đảng này trong “cuộc đua” vào Điện Elysee 2 năm tới. Trước mắt, thất bại của đảng cầm quyền có thể sẽ đẩy chính quyền của Tổng thống Francois Hollande vào tình thế khó khăn hơn trong việc thực thi các cải cách theo hướng tự do đang theo đuổi, vốn đã gặp rất nhiều sự chống đối trong Nghị viện.
Vì sao đảng cầm quyền thất bại?
Câu hỏi được đặt ra là tại sao đảng cầm quyền lại “xuống dốc” đến như vậy? Thủ tướng Pháp Manuel Valls trong cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình tối qua đã thừa nhận nguyên nhân thất bại là do sự chia rẽ trong nội bộ đảng này. Tại vòng một, các đảng cực tả và đảng Xanh - liên minh truyền thống của PS, đã từ chối không ủng hộ chính phủ Đảng Xã hội vì cho rằng chính phủ theo đuổi đường lối kinh tế tự do, ngày càng gần với đường lối của cánh hữu.
Thế nhưng, nhìn ở góc độ khách quan, sự mất lòng của cử tri đối với đảng cầm quyền hiện nay được giải thích ở một khía cạnh khác rất quan trọng: “Tình hình kinh tế thảm họa” của nước Pháp. Quả thực Pháp đã phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II, với tỷ lệ thất nghiệp trong vòng 3 năm qua đã có lúc tiệm cận kỷ lục tuyệt đối. Nhiều tháng qua, báo chí Pháp đã nói nhiều về một "lá phiếu trừng phạt" của cử tri do những thành tích nghèo nàn sau 3 năm cầm quyền của Tổng thống François Hollande.
Đảng Xã hội bị mất uy tín nghiêm trọng do không thực hiện được các cam kết nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng và giảm đà tăng tỷ lệ thất nghiệp. Mới đây hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor (S&P) lại hạ mức xếp hạng tín dụng của Pháp, đồng thời chỉ trích chính sách thuế khóa và cải cách cơ cấu của Tổng thống Hollande. Thông tin từ S&P chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Pháp bị "tấn công" bởi những cuộc biểu tình đình công của nông dân vùng Brittany và giới cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đối với chính sách thuế ngất ngưởng, biến Pháp trở thành một trong những quốc gia có mức thuế cao nhất phương Tây.
Trong bối cảnh nền kinh tế chưa có dấu hiệu tươi sáng thì tình hình an ninh không được mấy cải thiện cũng là lý do khiến cử tri Pháp ngày càng chán chường và quay sang ủng hộ phong trào cực hữu. Sau các vụ xả súng ở Thủ đô Paris hồi đầu tháng 1 vừa qua, Đảng Xã hội cầm quyền dường như đã mất điểm mạnh trong mắt cử tri Pháp.
Tổng thống Pháp François Hollande từng bóng gió trước đó rằng, ngay cả trong trường hợp thất bại, ông sẽ không thay đổi đường lối và Thủ tướng Manuel Valls sẽ tiếp tục điều hành chính phủ. Tuy nhiên, với kết quả cuộc bầu cử vừa qua, sức ép đặt lên vai Tổng thống Hollande và đảng cầm quyền của ông ngày càng lớn. Giới quan sát cho rằng chắc chắn chính phủ đương nhiệm Pháp sẽ phải tiến hành những cải cách trong chính sách nếu không muốn uy tín của Đảng Xã hội ngày càng bị “trượt dốc” nhất là khi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đang ngày càng đến gần.
Thanh Huyền