"Thỏa thuận lịch sử" về vấn đề cắt giảm lượng khí thải
(Baonghean) - Thứ Tư, ngày 12/11, Bắc Kinh và Washington đã đạt được một thỏa thuận cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thỏa thuận này được đánh giá là một bước ngoặt quan trọng đối với sự biến đổi khí hậu hiện nay và cũng là một dấu hiệu đáng mừng cho hội nghị về khí hậu sẽ diễn ra tại Paris vào cuối năm 2015.
Trung Quốc đặt mục tiêu giảm tối đa lượng khi thải vào năm 2030. Ảnh: Edgar Su |
Theo các nghiên cứu, Trung Quốc và Mỹ hiện là hai quốc gia đứng đầu danh sách các nước gây ô nhiễm trên thế giới. Lượng khí thải mỗi năm mà hai quốc gia này thải ra môi trường chiếm khoảng 45% tổng lượng khí CO2. Nhà Trắng tuyên bố Bắc Kinh đã đặt mục tiêu giảm tối đa lượng khí thải của nước mình vào năm 2030 và cam kết sẽ cố gắng giảm lượng khí thải trước thời hạn này. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc - quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới đưa ra cam kết với thời gian cụ thể trong vấn đề cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng môi trường. Còn về phần Mỹ, nước này hứa hẹn sẽ giảm 26% - 28% lượng khí thải vào năm 2025 so với năm 2005.
Thứ Tư (12/11), sau Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Obama ca ngợi thỏa thuận mà Mỹ và Trung Quốc đạt được trong vấn đề cắt giảm lượng khí phát thải là “một thỏa thuận lịch sử”. Một quan chức cấp cao của Mỹ giải thích “Trên thực tế, Mỹ và Trung Quốc thường được coi là các phe đối đầu trong các cuộc đàm phán về khí hậu. Việc hai quốc gia này cùng hướng tới một mục tiêu sẽ có tác động rất lớn trong vấn đề này”; và cho hay mục tiêu mà Mỹ đề ra “rất tham vọng, nhưng có thể đạt được”. Tuy nhiên, rất có thể, quyết định trên sẽ vấp phải sự phản đối từ các thành viên Quốc hội. Được biết, sau khi Tổng thống Obama đưa ra tuyên bố trên, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện – ông Mitch McConneil bình luận đây là một “dự án không thực tế”. Ông McConneil cho rằng, thỏa thuận này sẽ khiến cho “giá năng lượng tăng lên và làm cho số lượng việc làm giảm đi”.
Các nhà khoa học tuyên bố những nỗ lực như hiện nay không đủ để hạn chế sự nóng lên của trái đất. Theo báo cáo từ cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhiệt độ trái đất có thể tăng lên đến 3,40C vào năm 2030 nếu con người vẫn tiếp tục tiêu thụ năng lượng như hiện nay. Tuy nhiên, vào cuối năm 2015, tại Paris, một hội nghị về khí hậu tổ chức hàng năm được hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận nhằm ngăn chặn nhiệt độ trái đất tăng lên 20C trong tương lai.
Vào cuối tháng 10, Liên minh châu Âu cũng đã đạt được một thỏa thuận với 3 mục tiêu: giảm ít nhất 40% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990; tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 27%; tiết kiệm 27% năng lượng. Tuy vậy, chỉ có mục tiêu đầu tiên sẽ được quy định là bắt buộc.
Chu Thanh (Theo LeMonde 12/11)