Thu phí bảo trì đường bộ: Nghĩa vụ cá nhân, lợi ích cộng đồng

03/04/2015 11:24

(Baonghean) - Một trong những câu hỏi mà người cán bộ làm công tác tuyên truyền người dân nộp phí sử dụng đường bộ thường gặp nhất là: Phí này dùng để làm gì? Để duy tu, bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Điều mà nhiều người dân thắc mắc sau đó là, nguồn quỹ này được phân bổ ở đâu, như thế nào? - một câu hỏi hết sức tự nhiên, bởi đây vẫn là một loại hình phí mới mẻ, chưa thực sự tạo được niềm tin ở người dân. 

(Baonghean) - Một trong những câu hỏi mà người cán bộ làm công tác tuyên truyền người dân nộp phí sử dụng đường bộ thường gặp nhất là: Phí này dùng để làm gì? Để duy tu, bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông. Điều mà nhiều người dân thắc mắc sau đó là, nguồn quỹ này được phân bổ ở đâu, như thế nào? - một câu hỏi hết sức tự nhiên, bởi đây vẫn là một loại hình phí mới mẻ, chưa thực sự tạo được niềm tin ở người dân.

TIN LIÊN QUAN

Cần nâng cao tính tự chủ trong thu phí bảo trì đường bộ

HĐND tỉnh giám sát việc sử dụng quỹ bảo trì đường bộ để nâng cấp một số đoạn trên tuyến tỉnh lộ 534
HĐND tỉnh giám sát việc sử dụng quỹ bảo trì đường bộ để nâng cấp một số đoạn trên tuyến tỉnh lộ 534

Về lý thuyết, trước đây quy định 100% nguồn thu phí đường bộ sẽ được nộp vào quỹ bảo trì đường bộ tỉnh, từ đó phân bổ về các dự án duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp khi địa phương đề xuất và được quỹ thẩm định, thông qua. Bắt đầu từ năm 2015, theo Nghị định 56/2014/NĐ- CP thì có sự phân bổ tuỳ từng địa phương, cụ thể tại Nghệ An 60% nguồn thu phí sử dụng đường bộ sẽ được nộp về ngân sách tỉnh phục vụ cho các công trình giao thông theo chương trình quốc gia nông thôn mới, 40% nộp về quỹ bảo trì đường bộ với mục đích sử dụng như trước.

Cách thức sử dụng, điều phối nguồn quỹ vẫn giữ nguyên như trước. Trong điều kiện nguồn quỹ có giới hạn, thứ tự ưu tiên đối với các đề án do địa phương trình lên sẽ là ưu tiên các hạng mục có mức hộ hư hỏng nặng và giá trị sử dụng cao để đảm bảo giao thông và an toàn cho người dân. Ngoài ra, việc hoàn thành tốt công tác thu nộp phí sử dụng đường bộ cũng là một trong những tiêu chí xét thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn vốn, tuy nhiên đây cũng chỉ là một tiêu chí tương đối vì tại các huyện đặc biệt khó khăn, công tác thu phí còn hạn chế nhưng nhu cầu giao thông lại rất cấp thiết, nhất là vào mùa thiên tai, bão lũ.

Thông xe cầu vượt Quán Bánh. (ảnh Sỹ Minh)
Thông xe cầu vượt Quán Bánh. (ảnh Sỹ Minh)

Có hai điều cần nhận thức đúng đắn về việc sử dụng quỹ bảo trì đường bộ. Thứ nhất, nguồn quỹ có giới hạn, nhất là xét kết quả thu phí sử dụng đường bộ của toàn tỉnh năm 2013 và 2014, thì nguồn thu chưa đạt chỉ tiêu dự toán, nên đáp ứng 100% nhu cầu duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng giao thông trên toàn tỉnh là điều rất khó khả thi. Với cơ chế ưu tiên các hạng mục công trình cấp thiết cần sửa chữa, có thể hiểu được việc một số địa phương dù thực hiện tốt việc thu phí đường bộ, nhưng vẫn còn một số tuyến đường chưa được nâng cấp, cải tạo. Thứ hai, cũng chính bởi cơ chế điều phối như trên, nên nguồn quỹ phân bổ về có thể còn cao hơn mức thu mà địa phương nộp về quỹ.

Ví dụ, tại Nam Đàn có 2 tuyến đường được duy tu, sửa chữa và nâng cấp trong năm 2014 là tuyến đường Xô Viết đoạn đi qua xã Kim Liên (được quỹ bảo trì phân bổ 8 tỷ đồng) và đường Lê Hồng Sơn (gần 5,3 tỷ đồng). Trong khi đó, tổng thu từ phí sử dụng đường bộ của huyện Nam Đàn là 8,665 tỷ đồng. Tại Yên Thành, nộp về quỹ 2,8 tỷ đồng và đã nhận được nguồn kinh phí là gần 5 tỷ đồng để sửa chữa tuyến đường Khùa và tuyến đường 22 từ tỉnh lộ 538 đến Nghĩa trang Liệt sỹ.

Cầu vượt Cửa Nam (TP. Vinh) về đêm. Ảnh: Trần Hải
Cầu vượt Cửa Nam (TP. Vinh) về đêm. Ảnh: Trần Hải

Cần những cơ chế phù hợp:

Vậy, làm thế nào để hiệu quả sử dụng quỹ bảo trì đường bộ trực quan hơn, gần gũi hơn với người dân ở ngay tại địa phương, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc sử dụng và bảo trì đường bộ? Việc xét kết quả thu phí đường bộ như một tiêu chí ưu tiên trong phân bổ nguồn quỹ là đúng đắn, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả khích lệ cao. Một trong những đề xuất được nhiều địa phương chia sẻ là nguyện vọng được trích lại một phần nguồn thu phí vào ngân sách do địa phương trực tiếp quản lý, tự chủ sử dụng vào mục đích bảo trì hệ thống giao thông ở cấp xóm, cấp xã.

Nên chăng áp dụng một tỷ lệ trích quỹ tương ứng với tỷ lệ hoàn thành chỉ tiêu dự toán? Như vậy, sẽ cho người dân tại địa phương thấy được mối liên hệ trực tiếp giữa nghĩa vụ và quyền lợi: hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm đồng nghĩa với việc xứng đáng được hưởng quyền lợi chính đáng và tương xứng. Như vậy, nguồn quỹ bảo trì đường bộ vẫn có thể phân bổ về cho những dự án cấp thiết, bất kể địa phương đó thực hiện tốt hay chưa tốt việc thu phí và điểm nhấn khác biệt sẽ do chính địa phương đó tự thân, tự chủ quyết định, điều phối nguồn kinh phí của riêng mình. Đối với các địa bàn đặc biệt khó khăn, có thể áp dụng một cơ chế ưu tiên riêng.

Lợi ích từ cơ chế phân cấp nguồn quỹ nêu trên không chỉ đem lại sự khích lệ đối với các địa phương thực hiện tốt việc thu phí đường bộ, từ đó tạo đà cho toàn tỉnh vươn lên phấn đấu. Trên hết, điều này đồng nghĩa với việc nâng cao tính tự chủ, dân chủ ở các cấp cơ sở, để quyền lợi và nghĩa vụ của người dân thực sự do dân bàn - dân làm - dân kiểm tra và tất nhiên là người dân được thụ hưởng. Đối với việc phân bổ một phần nguồn thu vào ngân sách tỉnh phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và một phần vào quỹ bảo trì đường bộ cũng là một thay đổi, một cơ hội để cấp cơ sở phát huy tính tự chủ, linh hoạt trong vận động, lồng ghép sử dụng các nguồn vốn khác nhau để xây dựng bộ mặt toàn diện cho quê hương./.

Thục Anh - Thanh Nga