Khai thác hiệu quả khí sinh học
(Baonghean) - Khai thác khí sinh học phục vụ phát triển kinh tế, đời sống là một trong những dự án được triển khai hiệu quả trên địa bàn Nghệ An. Từ năm 2003, Nghệ An được tham gia dự án khí sinh học, sau 12 năm chương trình đã mang lại nhiều kết quả to lớn về môi trường, kinh tế cho những hộ tham gia, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
![]() |
Xây dựng bể biogas tại xã Diễn Nguyên (Diễn Châu). |
Xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu có tổng đàn trâu, bò 840 con, đàn lợn 2.150 con, theo tính toán sơ bộ, chất thải bình quân trâu, bò 15 - 20 kg/con/ngày, lợn 1,5 - 2 kg/con/ngày, như vậy mỗi ngày có trên 20 tấn phân gia súc được thải ra (chưa kể phân gia cầm). Do nguồn phân gia súc lớn nên nhiều gia đình sử dụng cho trồng trọt chưa hết đã tích trữ ủ đống hoặc thải ra cống rãnh, mương thoát nước thôn xóm dẫn đến ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh khu vực dân cư. Để giúp người chăn nuôi giải quyết tốt thực trạng này, từ năm 2003, tỉnh Nghệ An được lựa chọn tham gia Dự án “Chương trình khí sinh học (KSH) cho ngành chăn nuôi Việt Nam” do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN và PTNT chủ trì phối hợp với Tổ chức hợp tác Phát triển Hà Lan (SNV) cùng với 41 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai dự án và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm 2015
Tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh đã tổ chức 340 cuộc hội thảo, tuyên truyền trước xây dựng cho 9.121 hộ tiềm năng, có nhu cầu xây dựng biogas. Tổ chức tập huấn vận hành, bảo dưỡng và sử dụng phụ phẩm khí sinh học cho 9.235 hộ dân tham gia. Chính vì vậy, nhận thức về việc phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng công trình biogas trong những năm gần đây đã được người dân rất quan tâm, chú trọng và trở thành nguyên tắc căn bản trong phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bền vững. Triển khai xây dựng được 8.651 công trình theo thiết kế mẫu kiểu KT1, KT2 dạng thiết bị vòm cầu nắp cố định (của Viện Năng lượng), đây là công nghệ phù hợp với quy mô chăn nuôi và kinh tế hộ gia đình, đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng của ngành.
Một trong những tính ưu việt thể hiện rõ nét nhất đó là công nghệ khí sinh học (KSH) đã giải quyết được tình trạng ô nhiễm do chất thải chăn nuôi gây nên, giảm khí phát thải nhà kính 3-5 tấn CO2/năm/hầm; tái sử dụng và tiết kiệm được từ 3 - 4 triệu đồng/năm/hầm tiền chất đốt nhờ việc sử dụng KSH thay thế cho củi đốt, than đá và các loại chất đốt truyền thống khác phục vụ sinh hoạt hàng ngày, đồng thời cung cấp nguồn phụ phẩm KSH phục vụ cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và nhiều lợi ích khác.
Ngoài ra, còn thực hiện thành công 4 điểm trình diễn mô hình sử dụng KSH tại Nghi Lộc dùng cho bình nóng lạnh và máy phát điện, 8 điểm trình diễn mô hình thử nghiệm sử dụng bã thải, dịch thải tại huyện Yên Thành và Diễn Châu với 21 hộ tham gia trên cây lương thực, rau màu vụ đông và nuôi cá rô phi đơn tính. Kết quả cho năng suất, thu nhập cao hơn hẳn sản xuất bình thường. Từ kết quả thực tế đó, Nghệ An đã được Dự án KSH Trung ương đánh giá cao về công tác tổ chức, triển khai thực hiện và là tỉnh có tiềm năng triển vọng phát triển công nghệ KSH bền vững trong tương lai.
![]() |
Quy trình sản xuất khí biogas. Ảnh: SSC |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh, xóm 6, xã Diễn Liên (Diễn Châu), phấn khởi cho biết, trước đây chưa có hầm biogas nguồn phân gia súc, gia cầm thải ra rất nhiều dùng để bón cho cây trồng vẫn không hết, thừa phân phải thải ra cống rãnh gây hôi thối, ô nhiễm môi trường. Từ khi có dự án KSH hỗ trợ, gia đình xây dựng được hầm biogas đã đem lại nhiều lợi ích hết sức thiết thực. Nguồn phân chăn nuôi thải ra hàng ngày được cho hết vào hầm biogas, nên không những giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, hạn chế ruồi muỗi, bệnh tật cho gia súc, gia cầm mà quan trọng hơn là tạo được nguồn khí đốt dồi dào phục vụ cho đun nấu và thắp sáng.
Còn anh Nguyễn Văn Vinh, cán bộ thú y xã kiêm khuyến nông cho biết, từ khi có dự án KSH, nhiều hộ chăn nuôi trong xã đã xây hầm biogas và có nhiều gia đình tiếp tục xây dựng. Chăn nuôi gắn với xây dựng hầm biogas là giải pháp tối ưu để hỗ trợ, tạo đà thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn sinh học, giữ gìn và bảo vệ được môi trường trong sạch ở các khu vực dân cư, cộng đồng thôn xóm nông thôn, góp phần bảo vệ sức khoẻ con người.
Nghệ An là tỉnh có đàn gia súc, gia cầm khá lớn so với các tỉnh trong cả nước với tổng đàn trâu 296.241 con, bò 391.190 con, lợn 971.876 con, gia cầm gần 18 triệu con (số liệu 2014). Đi đôi với phát triển chăn nuôi thì việc giải quyết thực trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây nên là mối quan tâm rất lớn của người dân và xã hội. Chính vì vậy, khai thác, sử dụng KSH là giải pháp tối ưu nhất. Anh Nguyễn Xuân Đài, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Diễn Châu chia sẻ thêm, hiện nay toàn huyện đã xây dựng được 1.774 hầm biogas theo kiểu hầm xây. Trạm Khuyến nông huyện đang tiếp tục chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện gắn phát triển chăn nuôi với xây dựng hầm biogas để giảm tình trạng ô nhiễm do chất thải gây nên, tái sử dụng nguồn chất đốt rẻ, sạch, đồng thời tạo ra được nguồn phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ cho trồng trọt (trồng lúa, ngô, lạc, rau màu,...), giảm bớt việc sử dụng phân hoá học, qua đó giảm được sự thoái hoá, cải thiện đất đai, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Chương trình cũng góp phần giải phóng sức lao động cho phụ nữ trong công tác nội trợ gia đình, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, văn minh nông thôn, góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới.
Kết quả đạt được của chương trình KSH trong những năm qua đã minh chứng cho tính đa lợi ích của công nghệ biogas đem lại. Để phát triển bền vững và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình KSH, đảm bảo kế hoạch và chất lượng đề ra, các đơn vị tham gia dự án cần tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin, đặc biệt là thông qua tập huấn cho nông dân, qua hệ thống loa phóng thanh các xã để phổ biến rộng rãi lợi ích công nghệ KSH đến tận mọi người dân. Phối, kết hợp với nhiều ban, ngành, tổ chức chính trị, xã hội, chính quyền các địa phương, nhất là huy động đội ngũ cán bộ khuyến nông xã, thôn bản tham gia mạnh mẽ trong việc quảng bá, tổ chức triển khai thực hiện và vận động các hộ chăn nuôi tham gia. Lấy chất lượng công trình đặt lên hàng đầu để đảm bảo độ tin cậy cho người dân. Đồng thời bảo hành, sửa chữa, khắc phục kịp thời khi có sự cố công trình xẩy ra. Tăng cường vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và nghiệm thu công trình KSH của kỹ thuật viên trong quá trình xây dựng. Tuyệt đối không nghiệm thu các công trình không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Hoàn thành hồ sơ kịp thời để chuyển tiền hỗ trợ nhanh chóng cho các hộ được trợ giá.
Năm 2015, Nghệ An tiếp tục được dự án giao chỉ tiêu xây dựng 400 công trình KSH. Kiểu hầm công nghệ được áp dụng là hầm xây KT1, KT2 (dạng vòm cầu, nắp cố định) do đội ngũ thợ xây lành nghề, giàu kinh nghiệm của dự án xây dựng và bảo hành chất lượng công trình. Mỗi công trình KSH sau khi xây dựng xong, đảm bảo tiêu chuẩn về thiết kế, kỹ thuật được hỗ trợ kinh phí là 1.200.000 đồng, không phụ thuộc vào kích cỡ. Năm 2015 cũng là thời điểm kết thúc dự án KSH triển khai ở Nghệ An, bằng những hiệu quả và lợi ích thiết thực to lớn mà công nghệ KSH đem lại, các hộ chăn nuôi nên tranh thủ cơ hội khi đang còn hỗ trợ kinh phí từ dự án, hãy tham gia xây dựng công trình KSH để góp phần hỗ trợ thúc đẩy chăn nuôi phát triển, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tái sử dụng nguồn năng lượng sạch, phân hữu cơ giàu dinh dưỡng cho cây trồng, từng bước hiện thực hoá phát triển công nghệ KSH bền vững trong tương lai.
Cao Xuân Tuấn
Phó Giám đốc Dự án Khí sinh học NA