Sập giàn giáo: Công nhân báo có rung lắc, nhà thầu vẫn bắt làm tiếp

26/03/2015 15:41

Theo lời kể của nạn nhân sống sót trong vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa, trước khi vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra đã có dấu hiệu giàn giáo rung lắc nhưng nhà thầu vẫn buộc công nhân làm việc.

Về vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa, một số nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, trước lúc sự cố xảy ra 35 phút, công nhân đã báo có dấu hiệu rung lắc giàn giáo nhưng đại diện nhà thầu Sam Sung thuộc Dự án Formosa vẫn buộc họ phải tiếp tục làm.

Công nhân Nguyễn Văn Tài (người Nghệ An) may mắn thoát chết kể lại sự việc với phóng viên
Công nhân Nguyễn Văn Tài (người Nghệ An) may mắn thoát chết kể lại sự việc

Nạn nhân Tạ Minh Hoàng (SN 1986, tỉnh Ninh Bình), người may mắn thoát chết tại sự cố tai nạn sập giàn giáo cho biết, trước khi giàn giáo đổ sập xuống 35 phút, công nhân đã thông báo cho đại diện nhà thầu cho phép công nhân ngừng làm việc. Tuy nhiên, ông Ly Đen (người quản lý tại công trường) vẫn buộc công nhân tiếp tục làm việc vì cho rằng dấu hiệu rung lắc không ảnh hưởng gì.

Anh Cao Đương Nam (SN 1980, tỉnh Nghệ An), người quản lý tổ vận hành máy bức xúc nói: "Chúng tôi đều là công nhân làm việc tại đây, làm vất vả nhưng lương bổng trả theo giờ".

Anh Nam nói rõ: "Làm việc theo giờ chứ không tính ngày. Một ngày 2 ca, mỗi ca 21.500 đồng, ai làm nhiều hưởng nhiều, ai làm ít hưởng ít. Ca 7h - 8h là ca thứ 2 trong ngày. Tiền công tính theo phút nên bản thân nhà thầu cũng như công nhân đều tranh thủ hết thời gian. Chúng tôi làm việc cường độ cao, không được nghỉ, dù mệt, thậm chí xảy ra “sự cố” miễn là anh làm xong ca".

Các nạn nhân kể lại phút kinh hoàng khi sập giàn giáo.
Các nạn nhân kể lại phút kinh hoàng khi sập giàn giáo.

"Khi cả một khối sắt, thép khổng lồ của giàn giáo sập xuống mặt đất, 47 công nhân có mặt trực tiếp tại khu vực giàn đều bị ảnh hưởng. Người may mắn thì thoát chết, người đen đủi thì chết tại chỗ hoặc bị thương nặng. Thoát khỏi đống đổ nát, ngóc đầu dậy chỉ biết hét lên một tiếng “trời ơi, chết hết rồi”" – anh Trần Quang Tuấn (SN 1973, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh chia sẻ.

Các bệnh nhân cũng tâm sự, sau khi nhập viện họ đã nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, chia sẻ của các cơ quan, đoàn thể, lãnh đạo Hà Tĩnh cũng như phía nhà thầu Sam Sung. Bản thân nhà thầu hứa sẽ chịu trách nhiệm về sự cố này, đồng thời sẽ hỗ trợ mọi thiệt hại về sự mất mát lớn về người, đảm bảo mọi chế độ cho công nhân bị thương vong.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN