Australia: Không tiêm chủng, không có tiền

13/04/2015 07:53

(Baonghean) - Chủ nhật ngày 12/4, Thủ tướng Australia Tony Abbott cảnh báo nếu các gia đình không đưa con em đi tiêm chủng thì họ sẽ có thể bị tước các khoản tiền trợ cấp gia cảnh. Ông Abbott tuyên bố “Không tiêm chủng, không có tiền”.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh một số bệnh đã biến mất khỏi các nước châu Âu và châu Mỹ như bệnh sởi đã quay trở lại hoành hành. Hơn thế nữa, con số các bậc phụ huynh phản đối việc tiêm chủng cho trẻ em ngày một tăng lên một cách đáng ngại. Do đó, các cơ quan chức năng lo ngại hành động trên của các bậc phụ huynh sẽ gia tăng các mối nguy cơ đe dọa đến sức khỏe của trẻ em.

Tiêm phòng là một biện pháp giúp trẻ có thể tránh các nguy cơ nhiễm bệnh.  Ảnh: AFP/Fayez Nureldine
Tiêm phòng là một biện pháp giúp trẻ có thể tránh các nguy cơ nhiễm bệnh. Ảnh: AFP/Fayez Nureldine

Thủ tướng Abbott giải thích tiêm phòng “là một biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng rất quan trọng”. Nó giúp bảo vệ gia đình và trẻ em khỏi những nguy cơ tiềm ẩn. Thủ tướng cũng đưa ra một con số đáng báo động về tình trạng tiêm chủng ở trẻ em ở Australia. Theo thống kê, hơn 39.000 trẻ em dưới 7 tuổi ở Australia không được bố mẹ đưa đi tiêm phòng, tăng 24.000 trường hợp trong 1 thập kỷ qua. Từ đó, ông Abbott nhấn mạnh “việc lựa chọn không tiêm chủng cho trẻ em là một hành động không có cơ sở y tế và những người này cũng không nên được nhận những trợ cấp từ các đối tượng nộp thuế”.

Được biết, ở Australia, mỗi năm chính quyền sẽ trợ cấp cho 1 trẻ em số tiền lên đến 15.000 đô la Australia (tương đương với khoảng 10.700 USD). Với việc đánh vào số tiền trợ cấp gia cảnh, chính quyền ông Abbott hy vọng điều này sẽ có thể tăng số lượng phụ huynh đưa con em mình đi tiêm chủng.

Tương tự như ở nhiều nước châu Âu và châu Mỹ, nguyên nhân khiến các bậc phụ huynh ở Australia không đưa con đi tiêm chủng có liên quan đến loại vaccin MMR - một loại vaccine chống bệnh sởi, quai bị và rubella. Vào năm 1998, một nghiên cứu công bố trên Tạp chí The Lancet về y khoa của Anh cho biết có thể có mối liên hệ giữa việc tiêm MMR với bệnh tự kỷ. Mặc dù sau đó bài báo này đã được chứng minh là không có căn cứ nhưng nó vẫn gây ra một nỗi ám ảnh lớn khiến các bậc phụ huynh quyết định không đưa con em mình đi tiêm phòng.

Quay trở lại với tuyên bố của Thủ tướng Abbot, những dự định trên của chính quyền mới chỉ đang là dự thảo luật và nếu muốn có hiệu lực thì cần phải được Quốc hội Australia thông qua. Nếu được quốc hội tán thành, dự luật sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2016. Tuy nhiên, dự luật vẫn cho phép các bậc phụ huynh từ chối tiêm chủng và nhận được một số khoản trợ cấp nếu như họ chứng minh được việc từ chối tiêm chủng là do điều kiện y tế không tốt hoặc vì lý do tôn giáo.

Chu Thanh

(Theo Le Monde 12/4)