Phấn đấu là trung tâm phát triển mới vùng Tây Bắc

24/03/2015 08:37

(Baonghean) - Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 đã tạo động lực lớn để Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Nghĩa Đàn chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng huyện nhà nhanh trở thành trung tâm phát triển mới vùng Tây Bắc Nghệ An.

(Baonghean) - Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 đã tạo động lực lớn để Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Nghĩa Đàn chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng huyện nhà nhanh trở thành trung tâm phát triển mới vùng Tây Bắc Nghệ An.

Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình trồng cam tại xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn). Ảnh: Sỹ Minh
Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình trồng cam tại xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn). Ảnh: Sỹ Minh

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua”, giai đoạn 2010 - 2015, trong bối cảnh mới chia tách để thành lập Thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn mới đối diện với nhiều khó khăn ban đầu về hạ tầng kinh tế - xã hội và điều kiện làm việc của các ban, ngành cấp huyện còn phải thuê mượn, phân tán. Trong điều kiện đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện cùng sự nỗ lực cố gắng của các tầng lớp nhân dân, phong trào thi đua yêu nước vẫn diễn ra sôi nổi, sâu rộng, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đề ra.

Thu hút được đông đảo nhân dân tham gia nhất phải kể đến phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa lớn trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, trở thành một tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn; lôi cuốn, khích lệ hàng trăm hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Rất nhiều mô hình, điển hình là những con người bình dị nhưng đã vượt lên chính mình, biết phát huy điều kiện lợi thế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm bắt thị trường để tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội.

Trong vườn hoa đa sắc đó có thể kể đến những gương điển hình tiêu biểu như: mô hình tổng hợp của hộ ông Trương Đinh Thống, xóm Nam Thắng (xã Nghĩa Long) mỗi năm cho thu nhập trên 600 triệu đồng; mô hình dịch vụ kinh doanh tổng hợp VLXD, sửa chữa cơ khí, vận tải, nuôi cá lóc... của gia đình ông Lê Tiến Đàm, khối Tân Hồng (Thị trấn Nghĩa Đàn) sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân từ 600 - 700 triệu đồng/năm; từng là hộ nghèo, nhưng ông Nguyễn Văn Huấn, xóm Đập Đanh (xã Nghĩa Lộc) đã vươn lên bằng chăn nuôi lợn thịt cho thu nhập 300 triệu đồng/năm... Còn rất nhiều mô hình, cách làm hay đã tạo nên sức lối cuốn trong phong trào SXKD giỏi trên địa bàn. Từ chỗ toàn huyện mới chỉ có 2.013 số hộ nông dân SXKD giỏi, đến nay tăng lên 4.550 hộ, đạt tỷ lệ 226%. Nhiều đơn vị có tỷ lệ hộ đăng ký và đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” khá cao, điển hình như các xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Khánh, Nghĩa Lộc, Nghĩa Phú...

Nuôi ong trong rừng cao su ở Thị trấn Nghĩa Đàn.
Nuôi ong trong rừng cao su ở Thị trấn Nghĩa Đàn.

Ngoài Hội Nông dân với số lượng hội viên đông đảo, thì các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội theo đó phát động các phong trào thi đua mang tính chất đặc thù, tạo nên sự lan tỏa sâu rộng. Hội LHPN với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” với số lượng hội viên đăng ký đạt 92,76%. Cụ thể, qua thực tế các phong trào thi đua như “Phụ nữ thi đua giúp nhau vượt nghèo, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng” với 100% hộ nghèo được giúp đỡ bằng vốn, kiến thức, ngày công... xây dựng được 450 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên; đặc biệt là đã xây dựng thành công mô hình dệt thổ cẩm, mô hình trồng nấm, thành lập CLB “Nữ kinh doanh”, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ được giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm...

Hội CCB và các hội viên phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội cụ Hồ” tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, âm mưu của các thế lực thù địch; đồng thời, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, của đất nước. Tổ chức Đoàn và các đoàn viên tiếp tục thực hiện tốt phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội” và “4 đồng hành cùng với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, ngày càng khẳng định vai trò, lực lượng quan trọng tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Dòng họ khuyến học” trong giáo dục đã nâng chất lượng dạy và học cả diện rộng lẫn chất lượng mũi nhọn, có 159 học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi cấp tỉnh trở lên, hơn 50 giáo viên giỏi cấp tỉnh và 500 giáo viên giỏi huyện; phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do LĐLĐ huyện phát động bằng các chủ đề cụ thể phong phú, thiết thực như: phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thực hành tiết kiệm, phong trào xanh – sạch – đẹp, an toàn vệ sinh lao động... cũng đã có trên 500 đề tài, sáng kiến cấp huyện, trong đó có 10 đề tài sáng kiến công nhận cấp tỉnh có giá trị phổ biến ứng dụng hiệu quả trên thực tiễn... Còn nữa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” đã xuất hiện nhiều giáo xứ, một số cá nhân tiêu biểu trong việc tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp như: Giáo xứ Nghĩa Thành, Giáo xứ Cồn Cả, Giáo xứ Đồng Tâm... Từ phát động thực hiện phong trào “Làm nhiều việc tốt” đã xuất hiện nhiều gương già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số như: ông Hoàng Đình Thức (xã Nghĩa Mai), ông Vi Văn Cường, ông Lương Danh Tình (xã Nghĩa Hội), ông Lê Văn Xứng (xã Nghĩa Lợi)...

Nhờ đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước một cách sâu rộng, nên trong bối cảnh huyện mới chia tách còn bộn bề khó khăn, huyện Nghĩa Đàn đã vượt qua để đạt được kết quả to lớn toàn diện: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 14,04%; thu nhập bình quân đầu người từ 16 triệu đồng (năm 2010) hiện nay đạt 21,94 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách từ 16.458 triệu đồng tăng lên 56.000 triệu đồng; tổng đầu tư trên toàn xã hội giai đoạn tăng từ 850 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực từ 35.320 tấn tăng lên 47.250 tấn; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm từ 18% xuống còn 7,87%... Sau 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn lực huy động thực hiện cả giai đoạn đạt 2.218 tỷ đồng, hiện có 5 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, phấn đấu có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015.

Nhờ có sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của phong trào thi đua yêu nước mang lại đã tạo cho Nghĩa Đàn trở thành địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư mà thành tựu lớn nhất là việc triển khai có hiệu quả Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp của Tập đoàn TH. Sau hơn 5 năm triển khai, dự án tạo ra triển vọng mới không chỉ cho Nghĩa Đàn mà cho cả vùng miền Tây Nghệ An tăng khả năng sử dụng công nghệ mới để tăng giá trị hiệu quả sử dụng đất, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động với thu nhập ổn định. Ngoài dự án chăn nuôi bò sữa, trên địa bàn huyện, Tập đoàn TH và Ngân hàng Bắc Á đã và đang đầu tư một số dự án khác như: Dự án trồng rau sạch, Dự án trồng cây dược liệu, Dự án chế biến gỗ MDF... Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đang trình Chính phủ cho quy hoạch trên địa bàn huyện một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng hiệu quả sử dụng đất đồi, đất đỏ bazan vùng Phủ Quỳ và miền Tây.

Mô hình chăn nuôi gà ở xóm Sơn Đông, Nghĩa Sơn
Mô hình chăn nuôi gà ở xóm Sơn Đông, Nghĩa Sơn

Những thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực từ việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 đang tạo cho Nghĩa Đàn thế và lực mới để giai đoạn 5 năm (2015 - 2020) tiếp theo tăng tốc phát triển. Với mục tiêu, định hướng là tiếp tục thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư tạo bước chuyển dịch quan trọng trong phát triển kinh tế, nhất là về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến nông, lâm sản. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng các công trình trọng điểm, vùng trung tâm huyện và các công trình thiết yếu gắn với thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chăm lo xây dựng con người Nghĩa Đàn phát triển toàn diện; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh; đảm bảo quốc phòng vững chắc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một số chỉ tiêu cơ bản cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15 - 16%; cơ cấu kinh tế theo tỷ trọng: nông- lâm - ngư nghiệp chiếm 40%, công nghiệp – xây dựng 35% và dịch vụ 25%; tổng giá trị sản xuất 3.792.882 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người: 41,38 triệu đồng/năm; thu ngân sách 100 tỷ đồng; số xã đạt chuẩn nông thôn mới 12 xã (50%).

Có thể nói, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 5 năm (2015 - 2020) là hết sức nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân trên từng lĩnh vực phải nỗ lực quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ chung. Trong đó, phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng tổng kết và nhân điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực; tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích tốt. Thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó, không chạy theo số lượng, hình thức. Phát động, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước phải gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, trong cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân.

Lê Hồng Sơn

Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn

Thành tích tiêu biểu của huyện Nghĩa Đàn giai đoạn 2010 - 2015:

- Năm 2010, Chính phủ tặng Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước; Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương theo hướng CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh Nghệ An tặng bức trướng: “Phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, đổi mới xây dựng huyện Nghĩa Đàn giàu đẹp, văn minh”.

- Năm 2012, Chính phủ tặng Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2012.

- Năm 2013, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2008 đến năm 2012, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

- Năm 2014, Chính phủ tặng Cờ thi đua đã hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2014.

- Liên tục trong các năm: 2010 - 2014, Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn được BTV Tỉnh ủy xếp loại Đảng bộ vững mạnh.