Sự thức tỉnh cần thiết
(Baonghean) - Trong tuần qua, việc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng từ chối nguồn vốn ODA của Nhật tài trợ để đầu tư mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn II đã gây chấn động không nhỏ trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước. Bởi trong khi nhiều nơi ao ước nhận được sự tài trợ từ nguồn vốn ưu đãi này, thì nơi được nhận lại thẳng thừng nói không!
Rất nhiều ý kiến xung quanh động thái trên, nhưng xem ra thuyết phục hơn cả là khi lãnh đạo Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho biết, không vay vốn ODA là vì ở giai đoạn 1 họ đã sử dụng vốn vay ODA của Nhật. Nhưng tỷ giá đồng yên thì liên tục tăng, trong khi phải dùng tiền Việt Nam quy đổi ra đồng yên để trả nên bị lỗ nhiều. Do đó họ sợ điều đó tái diễn khi tiếp tục vay trong giai đoạn 2. Là nói vậy thôi, chứ thật ra, không chỉ công ty này mà có rất nhiều doanh nghiệp khác đã nhận thấy vay vốn ODA tuy là với ưu đãi lãi suất thấp nhưng tính toán cho thật chi li, cụ thể thì không rẻ hơn các nguồn vốn khác là bao.
Vì lẽ, khi cấp vốn tài trợ ODA thì hầu hết các nước tài trợ bao giờ cũng áp đặt một số điều kiện vay vốn. Nhất là điều kiện phải sử dụng nhà thầu và thiết bị của nước tài trợ. Do đó, người đi vay không được quyền định đoạt về giá cả nên phải chấp nhận mức giá mà người ta đưa ra dẫn đến phải chịu rất nhiều thiệt thòi về giá cả, lựa chọn nhà thầu và công nghệ. Cho nên, tưởng rẻ mà hóa ra đắt, tiếng là lãi suất thấp cuối cùng thành ra cao chẳng kém đi vay trên thị trường thương mại. Lại còn phải chịu bao nhiêu là ràng buộc. Cho nên, cách hay nhất là tự huy động vốn để giành quyền tự chủ.
Sự thật đó nhiều người, nhiều nơi biết, nhưng lại không nhiều nơi có đủ dũng cảm để từ chối nguồn vốn vay này. Bởi một lẽ đơn giản là lãi suất ưu đãi và không phải trả ngay. Nhưng người đi vay không phải trả thì con cháu của họ sẽ phải trả và khi đó, không phải là lãi suất ưu đãi nữa. Mà càng tốt vay thì càng dày nợ thôi. Mà nợ thì dĩ nhiên không thể không trả đủ cả gốc lẫn lãi. Vay nhiều vốn ODA có thể thuận lợi cho sự phát triển trong ngày hôm nay, nhưng nếu sử dụng không khéo và vay tràn lan thì đó sẽ là hiểm họa cho tương lai.
Cho nên, việc từ chối vay vốn ODA của Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng cần được nhìn nhận như là một tín hiệu tích cực. Là một sự nhận thức lại cái lợi, cái hại của việc vay vốn lãi suất thấp để đưa ra sự lựa chọn phù hợp, chính xác cho sự phát triển bền vững của bản thân từng doanh nghiệp. Vì thế, nên coi hành động từ chối này như là một sự thức tỉnh cần thiết để chấm dứt sự lệ thuộc vào ODA và phát triển kinh tế bằng chính nội lực của mình.
Duy Hương