Miền Bạch Ngọc

09/10/2014 10:28

(Baonghean) - Xứ Nghệ từng là “phên dậu” của quốc gia Đại Việt. Ngay khi vào đây để lo việc sưu thuế, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, Lý Nhật Quang - con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ đã chọn vùng đất Bạch Ngọc làm phủ lỵ. Địa danh Bạch Ngọc xưa, nay là địa bàn 3 xã Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn của huyện Đô Lương. Mảnh đất này được nhiều người biết đến với ngôi đền Quả Sơn nổi tiếng linh thiêng, di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia.

Lễ hội đền Quả Sơn.
Lễ hội đền Quả Sơn.

Vẫn còn đó ngôi đền thiêng in bóng xuống dòng sông, và những chùa Bà Bụt, chùa Nhân Bồi, đình làng Phúc Hậu... Thời gian rêu phong, nhưng người đời vẫn nhớ mãi công lao to lớn của Đức Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, của những vị thần hộ pháp, an dân. Dòng Lam vẫn cuộn trào những đợt sóng, chứng kiến biết bao đổi thay của quê hương xứ sở. Mỗi nếp nhà, thửa ruộng, mỗi gốc cây, bến đò... vẫn lưu giữ nét cổ kính, bình yên. Du khách thập phương đến đây dường như đều quên hết mọi nỗi lo âu để cảm nhận vẻ đẹp của trời - mây - sông - nước, sự linh thiêng của “đệ nhất linh” Quả Sơn xứ Nghệ. Riêng với tôi, mỗi lần đến đây, tôi đều nán lại để chuyện trò với ông Nguyễn Huy Hỷ - Phó Ban Quản lý đền Quả Sơn, một người say mê nghiên cứu lịch sử, để hiểu hơn những trầm tích văn hóa của vùng đất cổ ven dòng Lam Giang này. Lần dở những trang sách đã ngả màu, ông Hỷ cho biết: “Bạch Ngọc không chỉ là trung tâm chính trị, quân sự của Nghệ An, mà còn là miền đất Phật”. Thời nhà Lý, Phật giáo là quốc đạo. Vua Lý Thái Tổ cũng là một phật tử thường xuyên lên chùa niệm Phật. Vì vậy, trong thời gian làm tri châu ở Nghệ An, cùng với nhiệm vụ giữ yên bờ cõi, giúp dân làng ổn định cuộc sống, Lý Nhật Quang còn chú trọng phát triển Phật giáo ở đây. Ông cho xây dựng và tu bổ các chùa chiền, mở thiền viện để truyền dạy đạo Phật. Chùa Nhân Bồi và chùa Bà Bụt cũng được xây dựng từ thời kỳ đó. Theo ghi chép của Lý Tế Xuyên trong cuốn Việt Điện U Linh, thời Trần, mỗi lúc xuất quân đánh giặc Nguyên Mông, nhà vua thường về đây làm lễ “rước thần đi trận”, cầu mong Đức Uy Minh Vương anh minh phù giúp nghĩa quân gặp nhiều may mắn, thuận lợi, sớm dẹp giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Thời nhà Trần, Hậu Lê, và đầu thời Nguyễn, người dân Bạch Ngọc được xếp vào dân tạo lễ, được miễn nộp thuế, miễn đi lính để chăm lo việc đền như chăm lo chính mạch nguồn của đất nước.

Trong kháng chiến chống Pháp, Thiếu tướng Nguyễn Sơn được Bác Hồ phân công nhiệm vụ chỉ huy Mặt trận Liên khu 4. Ông đã chọn Bạch Ngọc làm nơi xây dựng căn cứ quân sự, kho đạn dược và nhu yếu phẩm phục vụ công tác hậu cần. Đến cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, núi Quả là nơi đặt Sở Chỉ huy Phòng không Liên khu 4. Nhiều đơn vị tên lửa chủ chốt được thành lập trên mảnh đất này, đảm nhận những nhiệm vụ cơ yếu.

Thời kỳ từ năm 1951 đến 1956, Bạch Ngọc là nơi đứng chân của nhiều ngôi trường lớn như Trường Huỳnh Thúc Kháng (tiền thân của Trường Quốc học Vinh), Trường Sư phạm Liên khu 4 (tiền thân của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An)... Những hạt lúa, củ khoai của người dân Bạch Ngọc đã giúp họ vượt qua thời kỳ gian khó, loạn lạc. Tên núi, tên sông và cả những xóm làng thân thuộc đã in dấu biết bao kỷ niệm về một thời biến động. Người dân Bạch Ngọc có quyền tự hào đã bao bọc, che chở và nuôi dưỡng hàng nghìn người con ưu tú.

Nhiều nhân tài của đất nước cũng là con em của Bạch Ngọc. Mảnh đất này vốn nổi tiếng hiếu học và trọng lễ nghĩa. Nơi đây, có 3 dòng họ lớn là họ Đặng, họ Cao và họ Đào có nhiều người đỗ đạt, khí tiết: Đặng Tất, Đặng Dung, Đặng Qúy Công, Nguyễn Đào Thục...

Tiếp nối truyền thống của quê hương, con em vùng Bạch Ngọc tiếp tục vươn lên, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của Nhà nước như Trung tướng Cao Tiến Phiến - Thư ký An ninh quốc phòng của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Nhà văn Cao Tiến Lê... Chỉ tính riêng xóm Cồn Chùa, có hơn 30 người có trình độ đại học và trên đại học, 3 tiến sỹ và 5 thạc sỹ. Tiêu biểu như Tiến sỹ Nguyễn Điện Trọng - nguyên Phó Giám đốc Đại học Xây dựng Hà Nội, Nguyễn Huy Chiêu - Tiến sỹ Toán học, giảng viên Đại học Vinh, hiện đang công tác ở Hàn Quốc; Nguyễn Thị Thu Trang - Tiến sỹ Toán, Viện Toán Trung ương... Trong các kỳ thi đại học, nhiều con em Bạch Ngọc đậu vào các trường danh tiếng, làm rạng rỡ quê hương.

Tên gọi Bạch Ngọc nay không còn trong bản đồ địa giới hành chính của huyện Đô Lương, nhưng truyền thống đất và người nơi đây vẫn thường xuyên được nhắc đến như một niềm tự hào, kiêu hãnh. Mạch nguồn văn hóa ấy vẫn chảy mãi từ ngàn xưa cho đến ngàn sau như dòng Lam giang không bao giờ vơi cạn...

Nguyễn Lê