Luongprabang vui tươi, sôi động

16/04/2015 07:58

(Baonghean) - “Sa bai đi! Xốốc đi Pi may!” - Chào các bạn! Chúc mừng năm mới! Đó là lời chúc du khách được nghe nhiều nhất trên khắp nước Lào trong những ngày diễn ra Lễ hội té nước chào mừng năm mới vào trung tuần tháng 4 hằng năm. Tuy nhiên niềm lạ lẫm, yêu thích sẽ đầy đặn hơn khi du khách đến với LuongPrabang - vùng đất cố đô của đất nước Triệu Voi.

Luongprabang vốn trầm tĩnh nhưng trở nên vô cùng náo nhiệt và sôi động trong những ngày tháng 4, ngày của Bunpimay - đón chào năm mới. Lễ hội diễn ra từ ngày 14 - 16/4, nhưng trước khi lễ hội chính thức bắt đầu 2 ngày, tại Luongprabang mọi người bị thu hút bởi cuộc thi người đẹp có tên Nang Xang Khan. Hàng ngàn nữ tú tham gia cuộc thi để tìm ra 7 cô gái đẹp nhất. Đó sẽ là những người tượng trưng cho 7 người con của vị thần bầu trời là Kabinlaphom. Trong số các người đẹp, cô gái xuất sắc nhất sẽ vinh dự được cưỡi con voi đầu đàn và nâng đầu thần trời được làm bằng thạch cao. Theo tục lệ đoàn voi rước đầu vị thần trời xuất phát từ chùa Thát để đến chùa Xiêng Thoong. Trên quãng đường dài khoảng 1,5 km, những người 2 bên đường ra sức té nước vào đoàn đón rước với mong muốn sẽ được tắm rửa cho thần Kabinlaphom.

Các Nang Xang Khan (người đẹp) tượng trưng con của vị thần trời rước tượng đầu 4 mặt cha mình từ chùa Xieng Thoong đến chùa Thát
Các Nang Xang Khan (người đẹp) tượng trưng con của vị thần trời rước tượng đầu 4 mặt cha mình từ chùa Xieng Thoong đến chùa Thát

Theo truyền thuyết Tết Bunpimay ở Lào bắt nguồn từ một cuộc đấu trí giữa chúa trời là Kabinlaphom và một chàng trai thông thái có tên Thammabane. Trước cuộc thi 2 bên thỏa thuận và giao ước nếu người nào thua sẽ bị xử tử. Và trong cuộc đấu trí đó, vị thần của bầu trời đã thua. Trước khi chết, Kabinlaphom đã dặn 7 cô con gái phải trông giữ đầu của mình cẩn thận. Nếu để rơi xuống đất hoặc ném lên trời sẽ xảy ra thảm hoạ càn qua. Nghe lời cha, 7 cô con gái đặt đầu của cha mình trên một chiếc đĩa vàng và hàng năm thay nhau chăm sóc rửa sạch đầu cha. Truyền thuyết này chính là sự khởi nguồn của phong tục té nước của người Lào.

Trước đây tết té nước đón năm mới được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng 1 nhưng do thời điểm này vẫn mùa Đông nên về sau đã chuyển sang tháng 4, thời điềm thời tiết nắng nóng và Bunpimay cũng được hiểu là lễ hội cầu mưa. Chúng tôi còn nhớ cách đây vài năm, trong lần đến cố đô Luongprabang vào dịp lễ hội chào năm mới đã may mắn được gặp ông Bua Niêu là chủ tế Lễ rước đầu chúa trời. Ông này nói rằng điều quan trọng nhất đối với người dân Lào nói chung và cư dân Luongprabang nói riêng là phải gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc. Tết té nước chính là một phần cuộc sống của người Lào. Ngày nay truyền thuyết đã trở thành lễ hội, thành nét văn hóa độc đáo của cư dân sinh sống bên dòng Mekong.

Các nhà sư tham gia lễ rước
Các nhà sư tham gia lễ rước

Chúng tôi đã đến Lào nhiều lần và cảm nhận được sự hấp dẫn vô cùng của lễ hội và các phong tục văn hóa. Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Lào. Nhưng trước đó tại đất nước này đã tồn tại truyền thuyết té nước. Người có công đưa Phật giáo vào đất nước Triệu voi và xây dựng thành quốc giáo là vua Chau - Pha - Ngưm. Và đây cũng là một nguyên nhân giải thích việc tết té nước của người lào chuyển từ tháng 1 sang tháng 4 theo Phật lịch. Và như một điều hiển nhiên phong tục té nước, lễ hội mừng năm mới của đất nước chùa tháp có sự pha trộn đầy màu sắc giữa quan niệm tâm linh của đời sống và tư tưởng của đạo Phật.

Trở lại với nội dung chính của Lễ hội mừng năm mới. Điểm xuất phát của hành trình rước đầu chúa trời bắt đầu từ chùa Thát đến chùa Xiêng - Thoong, 2 ngôi chùa cổ nhất của đất nước Lào. Trên quãng đường dài khoảng 1,5 km đoàn đón rước có sự tham gia trực tiếp của hàng ngàn người. Với sự đa dạng, phong phú về màu sắc, bản sắc, nghi lễ chính của tết té nước đã tạo ra sự náo nhiệt thu hút hàng vạn người dân địa phương, du khách đến chiêm bái, theo dõi và té nước cầu phúc cho nhau. Trong tâm thức của người dân xứ sở hoa Chăm pa, nước đem lại sự viên mãn, đủ đầy. Với một đất nước khô nóng như Lào thì nước không chỉ là cuộc sống, nước là văn hóa. Tại Luongprabang chúng tôi còn có may mắn lớn khi được gặp gia đình nhỏ của anh Võ Đại Hiệp, một người con của cố đô Huế đã trở thành công dân mới của cố đô Luongprabang. Hiệp đã cưới vợ là người bản xứ và có một ngôi nhà nhỏ với 2 con. Anh Hiệp dạy vợ làm bánh chưng, bánh tét vào dịp tết té nước. Đó cũng là cách để người bạn đời và các con anh hiểu về văn hóa Việt. Điều đó, tạo ra sự giao thoa về văn hóa trong một gia đình nhỏ nhưng cũng là sự đoàn kết giữa hai đất nước Việt - Lào.

Một sự kiện quan trọng nâng tầm quan hệ đối ngoại và thúc đẩy hợp tác về du lịch giữa miền Trung - Việt Nam và Lào nói chung; giữa Lào và Nghệ An nói riêng đó là vào ngày 12/1/2014, tỉnh Nghệ An phối hợp với Hãng Hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) và Bộ Giao thông Vận tải Lào mở đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn và ngược lại. Đây là điều kiện quan trọng thu hẹp khoảng cách từ các tỉnh Bắc miền Trung của Việt Nam đến các địa danh du lịch nổi tiếng trên đất nước Lào trong đó có Luongprabang. Tuyến bay đã đem đến nhiều thuận lợi cho du khách nếu bay từ Vinh đến Thủ đô Viêng Chăn và sẽ chuyển tiếp chuyến bay đến cố đô Luongprabang xinh đẹp. Chặng đường đó, nay chỉ mất chừng vài tiếng đồng hồ và du khách sẽ được sống trong không khí lễ hội phảng phất nét hoài niệm ở một trong những nơi lãng mạn nhất của đất nước Lạn Xan.

Tính cách lành hiền và đời sống văn hóa tín ngưỡng phong phú của cư dân Luongprabang đã mang đến cho lễ hội té nước sự hấp dẫn, lôi cuốn lạ kỳ. Vào tháng 4 hằng năm, tại Luongprabang - đô thị đã được UNESCO công nhận danh hiệu di sản văn hoá thế giới luôn đầy ắp thanh âm, ngập tràn niềm vui. Bạn hãy đến và cảm nhận cuộc sống từng bừng nơi đây trong mùa lễ hội.

Vân Nhi

Hiện nay Vietnam airlines đang khai thác đường bay Vinh - Viêng Chăn và ngược lại với tần suất 3 chuyến/tuần. Vào thứ 4, thứ 6 và Chủ nhật hàng tuần. Xuất phát từ Vinh đi Viêng Chăn vào 8h15’, còn xuất phát từ Viêng Chăn đến Vinh vào 10h15’. Từ Viêng chăn du khách có thể đi bằng đường bộ hoặc đường hàng không để đến Luongprabang. Với khoảng cách 450 km, nếu đi bằng đường bộ sẽ mất khoảng 6 - 7 tiếng đồng hồ. Còn đi bằng đường hàng không chỉ khoảng 45 phút.