Căng thẳng leo thang, Argentina "tố" Anh lên Liên Hợp Quốc

06/04/2015 07:21

(Baonghean) - Mới đây, phía Anh thông tin cho biết đã tìm thấy dầu khí ở phía Bắc quần đảo Malvinas mà Anh gọi là Falklands - vốn đang có tranh chấp chủ quyền với Argentina, ngay trong dịp Argentina tổ chức kỷ niệm 33 năm ngày nổ ra cuộc chiến giữa 2 nước. Không chỉ vậy, trước việc chính phủ Anh mới đây tuyên bố tăng cường năng lực phòng vệ tại quần đảo tranh chấp, phía Argentina đã gửi thư tố cáo lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về hành động được cho là khiêu khích leo thang quân sự này. Hàng loạt diễn biến mới này lại đang xới lên những căng thẳng do tranh chấp chủ quyền vốn tồn tại dai dẳng giữa Argentina và Anh trong mấy chục năm qua.

“Vàng đen” - mồi lửa căng thẳng

Trong diễn biến mới đây, báo chí Anh đưa tin, các công ty Premier Oil, Falklands Oil & Gas và Rockhopper của Anh sau 9 tháng thăm dò đã phát hiện dầu khí tại một trong 4 giếng khoan tại phía Bắc quần đảo Malvinas mà anh gọi là Falklands. Theo AFP, các túi dầu vừa phát hiện với trữ lượng có thể lên đến 100 triệu thùng, trị giá hàng tỉ USD. Kế hoạch thăm dò dầu khí của các công ty Anh sẽ kéo dài trong 8 tháng và hiện dàn khoan Eirik Raude của Anh đã có mặt tại vùng biển Malvinas/Falklands. Ngay lập tức, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề quần đảo Malvinas thuộc Bộ Ngoại giao Argentina, Daniel Filmus đã lên tiếng phản đối việc các công ty của Anh đặt giàn khoan thăm dò dầu khí tại Malvinas. Ông Filmus cũng cho biết, Chính phủ Argentina đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý để đấu tranh chống lại hành động này của Anh.

Thăm dò dầu khí diễn ra ngoài khơi quần đảo Malvinas/Falklands. Nguồn: Premier Oil
Thăm dò dầu khí diễn ra ngoài khơi quần đảo Malvinas/Falklands. Nguồn: Premier Oil

Thực ra, căng thẳng giữa Anh và Argentina liên quan đến vấn đề chủ quyền quần đảo Falkland/Malvinas vốn đã tăng nhiệt kể từ năm 2010, sau khi Anh cho phép các công ty tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí tại quần đảo tranh chấp này. Tất nhiên, phía Argentina luôn phải tìm mọi cách ngăn cản việc khai thác dầu ở đây. Nhưng với diễn biến mới nhất là Anh đưa giàn khoan đến chuẩn bị cho việc khai thác mỏ dầu mới phát hiện đã khiến căng thẳng bùng phát trở lại. Theo Luật Dầu khí Argentina năm 2013, những người điều hành các công ty thăm dò và khai thác dầu khí mà không được sự cho phép của chính phủ sẽ bị bắt giam tới 15 năm tù và bị phạt với số tiền tương đương giá trị của 1,5 triệu thùng dầu. Thế nhưng ngược lại, chính phủ Anh lại cho rằng, Luật Dầu khí Argentina không có giá trị tại quần đảo Falkland/Malvinas.

Dùng dằng tranh chấp trong hơn 30 năm

Để hiểu rõ hơn thì nhìn lại lịch sử, quần đảo Malvinas/Falklands nằm cách bờ biển Argentina khoảng 650 km và cách Anh gần 8.000 km, với tổng diện tích thích hợp cho khai thác dầu lên tới 400.000 km2. Quần đảo này vốn bị quân đội Anh chiếm giữ từ năm 1833, đến năm 1982, Argentina tấn công quân đồn trú của Anh nhưng chỉ chiếm giữ được quần đảo này trong 74 ngày và sau đó đã bị đánh bại. Từ đó, vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo bắt đầu nảy sinh và quan hệ ngoại giao Argentina và Anh cũng bị cắt đứt. Phải đến cuối những năm 1980, sau nhiều nỗ lực hàn gắn lại quan hệ, hai bên mới chính thức nối lại quan hệ song phương vào năm 1990. Tuy vậy, những nỗ lực ngoại giao sau đó không thể đủ để giúp hai bên hóa giải tranh chấp liên quan đến quần đảo Malvinas/Falklands.

Đặc biệt năm 2010 là thời điểm đã bùng phát căng thẳng khi Anh cho phép các công ty tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí tại quần đảo tranh chấp. Để bảo vệ quan điểm của mình, Anh đưa ra lý lẽ rằng, trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 3/2013, có 98% người dân tại quần đảo này đã bỏ phiếu ủng hộ quy chế Malvinas/Falklands là một trong những lãnh thổ của Anh ở hải ngoại. Nhưng tất nhiên, Argentina đã không chấp nhận và vẫn tiếp tục đưa tranh chấp về quần đảo này lên Liên Hợp Quốc. Mới nhất ngày 2/4 vừa qua, Tổng thống Argentina Cristina Fernández khẳng định rằng, Buenos Aires sẽ không từ bỏ việc đòi chủ quyền và kêu gọi London đàm phán để giải quyết bất đồng. Hiện chính phủ Argentina cũng đang chuẩn bị các thủ tục pháp lý để chống lại việc Anh tiến hành khoan thăm dò dầu khí tại vùng biển đang tranh chấp.

Không chỉ bày tỏ quan điểm cứng rắn về vấn đề khai thác dầu khi trái phép tại quần đảo tranh chấp, Tổng thống Argentina còn nhận định rằng, Chính phủ Anh đang viện cớ quân sự hóa quần đảo tranh chấp với Argentina để biện minh cho kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng. Tuyên bố này đưa ra khi mới đây ngày 24/3, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ tăng cường năng lực phòng vệ tại quần đảo tranh chấp với Argentina nhằm đối phó với "mối đe dọa hiện hữu và cụ thể". Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết, kế hoạch sẽ kéo dài 10 năm với tổng chi phí lên tới 268 triệu USD, bao gồm nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không và triển khai 2 trực thăng Chinook tới quần đảo này vào giữa năm 2016. Không chịu nhịn, Ngoại trưởng Argentina Héctor Timerman mới đây đã gửi thư lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, chủ tịch Ủy ban đặc biệt phi thực dân của Liên Hợp Quốc, các Tổng Thư ký của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), bày tỏ quan ngại về việc Anh quân sự hóa khu vực Nam Cực.

Những tính toán của Anh

Thực ra theo giới phân tích, có thể Anh thực sự tin rằng, Argentina đang trở thành một mối đe dọa ngày càng lớn với lãnh thổ phía Nam Đại Tây Dương, vì Argentina hiện có mối quan hệ nồng ấm với Nga. Biểu hiện là báo The Sun của Anh mới đây đã có lần thông tin rằng, Nga đang có kế hoạch cho Argentina thuê 12 máy bay Sukhoi Su-24 Fencer trong mọi trường hợp xảy ra với quốc gia này, ngược lại, Argentina sẽ đảm bảo nguồn cung thịt bò và lúa mì cho phía Nga, sau khi nước này hạn chế nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ và châu Âu.

Thông tin này dù chưa được xác nhận nhưng cũng có thể có lý, bởi Anh đã năm lần bảy lượt ngăn cản các hợp đồng mua sắm máy bay chiến đấu của Argentina với các nước phương Tây. Trong khi đó, mối quan hệ Argentina và Nga gần đây trở nên thân tình và nồng ấm hơn, khi Moskva đẩy mạnh hợp tác với các nước Mỹ Latinh để khắc phục hậu quả các lệnh trừng phạt phương Tây liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine. Vì thế, việc Argentina tìm đến Nga là điều có thể xảy ra.

Nhưng cũng có luồng thông tin cho rằng, việc tăng cường quốc phòng của Anh là vì Bộ trưởng quốc phòng nước này muốn sử dụng vấn đề quần đảo tranh chấp với Argentina như một công cụ chính trị trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 5 tới đây. Bởi Đảng Bảo thủ của Bộ trưởng Fallon vốn có truyền thống mang các vấn đề quốc phòng ra để lấy điểm trong các cuộc tranh cử. Nhưng có lẽ, việc Argentina đang vời đến các tổ chức quốc tế có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực thắt chặt quan hệ với các nền kinh tế mới nổi tại Mỹ Latinh của Anh.

Đây chắc hẳn là điều mà Anh chưa lường hết trong tính toán của mình, bởi các nước trong Khối thị trường chung Nam Mỹ (MECOSUR) vốn luôn ủng hộ Argentina trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Anh tại Falkland/Malvinas. Vì thế theo giới quan sát, với những diễn biến hiện nay, có thể xung đột quân sự sẽ không xảy ra với nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, nhưng căng thẳng giữa Anh - Argentina chắc chắn sẽ trầm trọng thêm. Nhất là trong bối cảnh, vấn đề tranh chấp lại đang được đem ra để phục vụ cho những lợi ích hay tính toán riêng nào đó. Lúc đó, những diễn biến khó lường sẽ chỉ đem lại thiệt hại cho cả hai bên mà thôi.

Phương Hoa