Tập trung giải quyết việc làm cho người lao động
(Baonghean) - Với sự năng động của chính quyền và người dân, những năm qua, công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đây là yếu tố quan trọng nâng cao đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công nhân Nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tổng Công ty VTNT Nghệ An đóng tại KCN Nam Cấm - Nghi Lộc. |
Nghi Lộc là huyện có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội. Với vị trí phụ cận Thành phố Vinh - trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh, cộng với tiềm năng đất đai, nguồn lao động dồi dào, hệ thống giao thông thuận lợi nên huyện đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn, đầy triển vọng. Đây là những yếu tố quan trọng để Nghi Lộc vươn lên phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực. Song, đi kèm với lợi thế là những thách thức không nhỏ cho địa phương khi tốc độ đô thị hoá cao, các khu công nghiệp, khu kinh tế mở rộng quy mô dẫn đến diện tích sản xuất sẽ thu hẹp và không ít nông dân thiếu việc làm. Trong khi đó, nguồn nhân lực tại chỗ chưa đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, nhìn lại những năm gần đây thì có thể thấy rằng, công tác giải quyết việc làm cho lao động của Nghi Lộc đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Đến nay, tổng số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện khoảng 103.000 người. Trong số đó, có khoảng 80-82% có việc làm thường xuyên. Vì sao Nghi Lộc có được con số ấn tượng đó? Trước tiên phải khẳng định rằng, đó là do trên địa bàn huyện có nhiều doanh nghiệp, nhiều dự án được triển khai và đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho nguồn lao động đáng kể. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 200 doanh ngiệp, trong đó, nhiều dự án lớn như: Nhà máy điện tử BSE, Nhà máy nhựa Tiền Phong... giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động. Và trong thời gian tới, nhiều dự án được thu hút như: Trung tâm công nghiệp thực phẩm Masan, Nhà máy tôn Hoa Sen Nghệ An, dự án Royalfoods Thái Lan ... hứa hẹn sẽ giải quyết cho hàng ngàn lao động của địa phương.
Để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, huyện đã tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề bằng nhiều nguồn kinh phí để người dân có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Song, đa phần lao động sau khi được đào tạo xong do thu nhập bấp bênh, không tìm kiếm được cơ hội mới nên không thể vận dụng kiến thức được đào tạo. Đứng trước vấn đề này, huyện đã trực tiếp làm việc với các công ty lớn như Sam Sung, Canon để đặt vấn đề cung cấp lao động. Công ty điện tử Sam Sung đã về trực tiếp tuyển lao động và đến nay đã có khoảng 400 lao động được nhận vào làm việc. Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện liên hệ với Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất và một số doanh nghiệp tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) đặt vấn đề về đào tạo lao động gắn với giải quyết việc làm. Trao đổi về vấn đề này, anh Nguyễn Quốc Việt, Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: “Đây là cơ hội rất lớn để thanh niên địa phương có điều kiện được đào tạo nghề và sau khi ra trường sẽ được các doanh nghiệp nhận vào làm việc với mức lương phù hợp”.
Điểm sáng trong công tác giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn huyện chính là phong trào xuất khẩu lao động. Hiện nay, tổng số lao động xuất khẩu nước ngoài của toàn huyện đạt gần 5.000 người. Để vận động, tuyên truyền cũng như hướng dẫn cho người dân, huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cung ứng lao động, tổ chức 19 hội nghị tư vấn ở các xã. Vì vậy, nhiều lao động đã có thông tin đầy đủ và chính thống để đi đúng hướng, phù hợp với điều kiện cũng như năng lực, trình độ tay nghề của bản thân. Hầu như ở địa phương nào cũng có người đi XKLĐ nhưng tập trung chủ yếu ở các xã Nghi Tiến, Nghi Quang, Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Vạn… Ông Lê Xuân Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ cho biết: “Trong định hướng phát triển kinh tế của xã thì XKLĐ là hướng đi mũi nhọn và quan trọng. Hiện toàn xã có 776 lao động đi XKLĐ tại 11 nước. Hơn 10 năm trước, Phúc Thọ được biết đến là một xã nghèo thì nay đã đứng vào tốp đầu của huyện Nghi Lộc. Thu nhập bình quân của người dân hiện là 24,9 triệu đồng/năm.
Bằng nguồn vốn có được từ XKLĐ, người dân trên địa bàn huyện đang đẩy mạnh thành lập các doanh nghiệp, mở rộng sản xuất, kinh doanh, buôn bán với nhiều hình thức đa đạng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Tại xã Nghi Xuân, nhiều lao động đi xuất khẩu về nước đã đầu tư đồng vốn, kinh nghiệm ở nước bạn vào sản xuất, kinh doanh trên quê nhà. Hiện trên địa bàn xã có 30 doanh nghiệp được thành lập, 400 hộ kinh doanh dịch vụ, 10 tổ hợp khai thác thủy, hải sản. Nhờ đó, tỷ lệ lao động có việc làm toàn xã đạt 90%, thu nhâp bình quân đầu người đạt 24,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,9%. Ông Phạm Ngọc Duyên, Bí thư Đảng bộ xã Nghi Xuân cho biết: “Có thể nói, XKLĐ là tiền đề, cơ sở để các ngành tiểu thủ công nghiệp, thương mai, dịch vụ phát triển và đời sống của người dân không ngừng được nâng cao. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, ngoài việc tự nguyện hiến đất, ngày công thì người dân trên toàn xã đã đóng góp 23,5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi để xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới”.
Trong những năm qua, huyện còn chú trọng đẩy mạnh phát triển các làng nghề để nâng cao giá trị sản xuất cũng như giải quyết việc làm cho người lao động. Nhiều làng nghề đã có thương hiệu và ngày càng phát triển như làng nghề mây tre đan xuất khẩu ở Nghi Phong, Nghi Thái, làng bánh cốm Nghi Trung, làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên (Nghi Thiết). Hiện trên địa bàn huyện có 22 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được UBND tỉnh công nhận. Việc phát triển các làng nghề đã góp giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động nông thôn, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động .
Có thể khẳng định, công tác giải quyết việc làm cho lao động được huyện Nghi Lộc tập trung đẩy mạnh bằng nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả cao không chỉ giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn những tồn tại, khó khăn như trình độ, năng lực của lao động vẫn còn thấp, tâm lý thụ động, chưa mạnh dạn vươn lên làm giàu, công tác đào tạo nghề còn hạn chế... là những thách thức không nhỏ cho địa phương. Do đó, để giải quyết vấn đề này, thực tiễn đòi hỏi huyện cần có giải pháp đồng bộ trong việc nâng cao trình độ văn hóa, trình độ tay nghề cho lao động nông thôn; phát triển hệ thống cơ sở dạy nghề tại chỗ, tăng cường liên kết, xã hội hóa công tác đào tạo nghề, gắn kết doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nghề; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với từng vùng, tăng cường thông tin, tuyên truyền giới thiệu việc làm và định hướng cho lao động để tìm được việc làm ổn định.
Nguyên Hưng