Thức đất "dậy" với mình!

11/04/2015 08:35

(Baonghean) - Anh cán bộ tuyên giáo huyện ủy Quế Phong hồ hởi khi nghe tôi giãi bày nguyện vọng tìm hiểu về tình hình nông nghiệp, nông thôn huyện nhà, mà hay nhất, là được gặp một nông dân chính hiệu, làm giàu bền vững trên đồng đất quê hương. Anh bảo, có “tay” này thú vị lắm! Trồng trọt ra trồng trọt, chăn nuôi ra chăn nuôi, khơi khơi lãi ròng mỗi năm hàng trăm triệu là chuyện thường...

“Bật mí” của anh cán bộ tuyên giáo dường như xốc lên cái tinh thần có phần ủ dột của tôi trong những ngày mưa trên đất Quế. Miền biên viễn thuở nào, nay dường như gần lại trong tâm tưởng của khách phương xa bởi những đổi thay tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội, và những năm gần đây, trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều người con tứ phương tụ về làm ăn, sinh sống. Nói như cán bộ tuyên giáo đang nhiệt tình dẫn tôi đi “mục sở thị”, thì đất lành chim đậu, nhiều người không phải gốc gác Quế Phong, nhưng sinh sống, làm việc ở đây, đóng góp, cống hiến cho mảnh đất này, thì vẫn hãnh diện và tự hào xưng danh “người Quế Phong” chứ sao!

...Cái “tay” thú vị mà chúng tôi đang băng băng đến gặp đây, chính là một người “ngụ cư” điển hình như thế. Cơ ngơi rộng hơn 6 ha đóng ở bản Na Dến, xã Tiền Phong. Đưa mắt nhìn quanh, dường như chẳng có thẻo đất nào để trống, tất thảy đều được chủ nhân tận dụng nuôi trồng sinh lời. Phải ngồi đợi chủ nhân lâu. Tha thẩn ngắm nghía, hỏi han, và ngỡ ngàng khi nghe mấy cô, cậu bận áo trắng tinh, đi ủng nhựa cao quá đầu gối, khẩu trang y tế bịt kín mặt trần tình rằng, đều là người làm công ăn lương ở trang trại này, và tất cả đều có trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc đại học chuyên ngành nông - lâm, thú y. Ồ, thế ra “ông này” làm ăn bài bản, chiến lược thật!

Ao cá của gia đình anh Hoàng Quốc Hải (ảnh lớn).
Ao cá của gia đình anh Hoàng Quốc Hải

Đã nghe tiếng xe ì uồm trước ngõ vào. Cánh cửa xe đóng sập lại, người đàn ông dong dỏng cao, nhanh nhẹn bước tới, theo sau là nụ cười thân thiện của người phụ nữ phúc hậu. “Đây là anh Hoàng Quốc Hải, ông chủ trang trại, và vợ là chị Ngô Thị Sửu!” - cán bộ tuyên giáo huyện giới thiệu với tôi. Thấy tôi vẻ chần chừ những hỏi han, Hoàng Quốc Hải chủ động bắt chuyện...

“Chúng tôi lên đất Quế Phong đã 14 năm có lẻ, làm ăn từ manh mún thủ công đến nay cũng gọi là gây dựng thành cơ ngơi quy mô, nhiều báo, đài đến thăm nhưng xin từ, không tiếp. Chẳng phải kiêu, nhưng phần thì chăn nuôi như người có con mọn, bận lắm; phần nữa, bản tính tôi vốn thường tránh hơi, tránh tiếng người ngoài. Lần này rỗi rãi, ta cứ chuyện trò thoải mái!” - nghe đã ra cái giọng người thẳng tính, cương nghị. Thì hẳn, phải cứng rắn, nghị lực thế mới kiên gan sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất xa xôi này, nhất là thời điểm những năm 2000, đời sống kinh tế - xã hội nơi đây còn muôn vàn khó khăn.

Vợ chồng anh Hải gốc Diễn Lâm (Diễn Châu). Những năm 1998, 1999, đất quê quay quắt mất mùa, khô hạn. Nhà nông mà gặp nạn thiên tai thì chỉ biết kêu trời không thấu. Ngày ngày, anh lén giấu vợ con ra thăm cánh đồng bạc phếch, đất nẻ chân chim không ngọn mầm nào lên nổi. Đêm đến, trằn trọc thức trắng mà ngẫm về đời thuần nông đã mấy thế hệ của ông cha, với bao thăng trầm gió bão mà cái nghèo vẫn đeo bám mãi. Rồi nghĩ miên man đến ngày mai, ngày sau, chẳng nhẽ đến đời con, đời cháu mình cũng cứ “con trâu đi trước...”? Nghĩ bao nhiêu, ý chí vượt lên nghịch cảnh lại như được tiếp thêm sinh lực.

Anh Hải bàn với vợ, phải đi thôi, đi thật xa, một nơi nào đó giàu tiềm năng về đất đai, bởi mình là nhà nông, cái gốc gác ấy không thể dứt bỏ được. Vẫn sẽ làm nông nghiệp, nhưng là nông nghiệp hiện đại, quy mô. Nói chắc nịch thế để “lên dây cót” tinh thần cho vợ, chứ thực ra đến giờ phút này, khi kể cho tôi nghe ngày tháng ấy, giọng anh Hoàng Quốc Hải vẫn thoáng những ngập ngừng: “Giờ nghĩ lại vẫn thấy mình liều. Tôi bảo vợ, chịu khó gửi con cho ông bà, hai vợ chồng lên Quế Phong thử xem sao. Hồi thanh niên, theo bạn bè buôn bán nhì nhằng mấy chuyến hàng, tôi cũng từng lên đó rồi. Thấy khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng màu mỡ, đất rộng người thưa, có thể là cơ hội dành cho mình. Bàn hôm nay, hôm sau hai vợ chồng lên đường luôn”.

 Anh Hải chăm sóc đàn lợn thịt.
Anh Hải chăm sóc đàn lợn thịt.

Bấy giờ, trên chiếc xe Minsk cũ mèm, hai vợ chồng rong ruổi hơn 120 km, tìm lên miền đất thẳm với khát vọng lập nghiệp. Gia tài chẳng có gì ngoài chiếc Minsk già cỗi mà sau này, chính nó lại tạo ra nguồn thu nhập chính nuôi sống hai vợ chồng qua những tháng ngày gian lao trên đất Quế. Không người thân thích, không quen thung thổ, xung quanh đều vọng lại thứ ngôn ngữ xa lạ, anh chị lần tìm thuê một căn ốt vẻn vẹn 15 m2, bám lề đường trung tâm Thị trấn Kim Sơn để lấy chỗ nghỉ ngơi. Anh Hải chọn nghề xe ôm để kiếm sống qua ngày, còn chị Sửu - vợ anh, tất tả chạy chợ rau, củ từ tinh mơ đến xế chiều. “Buổi ngày đi làm thì thôi, còn đêm về, nhớ con ứa nước mắt. Tối nào cũng khóc ướt đầm gối vì nhớ nhà, nhớ con, khổ thân, mới 5 tuổi đầu đã phải xa bố mẹ. Mà bố mẹ, lúc đó cũng còn hoang mang lắm, không biết đi thế này có đúng không, có nên chuyện không?” - chị Ngô Thị Sửu nhớ lại.

Đất hiền thương người lam lũ, ấy là chị Sửu nói vui thế, và quả thật, chỉ sau vài năm lập nghiệp nơi đất khách, tích tiểu thành đại, vay mượn thêm từ họ hàng, bầu bạn, anh chị đã “dắm” được một thửa đất rộng rãi ngay tại Thị trấn Kim Sơn. Anh Hải chia sẻ: “Chúng tôi có may mắn là được lãnh đạo huyện rất tạo điều kiện. Năm 2003, có chế độ cắt đất, vợ chồng làm đơn trình xét và được thông qua ngay, rồi xin nhập hộ khẩu, huyện và thị cũng ủng hộ nhiệt tình. Có đất rồi, vợ chồng dựng nhà tạm và phấn khởi tính kế làm ăn mới.”

Kế ấy chẳng phải “đột phá” gì, nhưng lại là phương cách làm ăn thức thời ở Quế Phong bấy giờ. Vợ chồng anh Hoàng Quốc Hải nhận thấy, thị trường thực phẩm nơi đây còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt là thực phẩm thịt lợn và cá chủ yếu phải nhập từ dưới xuôi, với giá cao gấp rưỡi mà độ tươi, ngon lại không bằng. Nghiên cứu kỹ càng đến mức, đếm chi li chợ Thị trấn Kim Sơn cả thảy 11 hàng thịt, còn chợ Tiền Phong 6 hàng. Nhu cầu lớn đến thế cơ mà! “Nhìn qua ai cũng nghĩ là ở miền núi, thịt thà, cá mú, rau củ chắc đều của đồng bào vùng sâu, vùng xa chuyển ra, nhưng không phải vậy. Nguồn cung của đồng bào hạn chế lắm, ước chỉ được 1/3 nhu cầu tiêu thụ mà lại không ổn định do trồng trọt, chăn nuôi thủ công, phụ thuộc vào thiên nhiên. Hai vợ chồng nghiên cứu cả tháng trời, rồi quyết định tập trung vào con đường chăn nuôi. Mình là nông dân, chỉ chuyên nuôi thì mới thuận tay, chứ còn việc bán buôn không thành thạo, sành sỏi bằng người” - chị Ngô Thị Sửu tâm sự.

Và thực tế cũng chứng minh sự thuận tay của những người nông dân thuần phác ấy. Trên diện tích gần 800 m2, vợ chồng anh thuê thêm thợ ngoài, hùng hục ngày đêm vỡ đất, đào ao thả cá và khoanh chuồng trại chăn nuôi lợn. Ban đầu ngắn vốn, ao cá chỉ mới thả vài cân giống, chuồng trại chỉ có đôi ba con lợn thịt, thức ăn chăn nuôi chủ yếu được chị Sửu xin cơm thừa, canh cặn ở các nhà hàng, quán ăn quanh khu vực chợ. Lần hồi dăm tháng, lứa lợn đầu được tiểu thương đến cân mua tận nơi, anh chị hồ hởi dặm thêm ít vốn nữa, “làm” tiếp vài đôi lợn thịt.

Sau vài năm, cơ ngơi 800 m2 ở thị trấn Kim Sơn đã “phất” lên nét khang trang, bài bản của khu chuồng trại chăn nuôi quy mô gần 100 con lợn thịt, với quy trình kiểm dịch, nhập và xuất lợn chặt chẽ, khoa học. Điểm chăn nuôi của anh chị Hải - Sửu cũng trở thành nguồn cung quen thuộc của thị trường, và đến giờ phút ấy, hai vợ chồng mới dám thở phào nhẹ nhõm sau gần chục năm trời vật lộn kiếm kế sinh nhai trên miền đất này. Bấy giờ, anh chị đón đứa con bé bỏng lên cùng, ngôi nhà ấm nồng nhịp sinh hoạt bình dị, yêu thương...

Đấy là chuyện kể của những năm về trước, còn độ 7 năm lại đây, anh chị đã chuyển hẳn xuống Na Dến (Tiền Phong) định cư, chuyên tâm hình thành dáng vóc trang trại quy mô bậc nhất huyện Quế Phong. Nơi tôi đang ngồi đây, quá khứ là vùng đầm hoang, bãi vắng thuộc Tổng đội TNXP 7. Năm 2007, anh chị xin gia nhập tổng đội, nhận khai hoang hơn 6 ha với mục tiêu “đánh thức” tiềm năng đất. Nay, trang trại ngời lên khí thế làm ăn mới, với hơn 2 ha mặt ao reo lên nhung nhúc gợn vòng sóng của cá trê, cá trắm, cá mè…, diện tích còn lại dành phần lớn cho chăn nuôi với 150 con lợn nái, hơn 1.000 con lợn thịt, vài trăm con gà thả vườn, chưa kể hơn 2 ha cao su mơn mởn xanh trên lưng đồi sau nhà. Mỗi tháng, trung bình gần 14 tấn lợn thịt được xuất bán, còn riêng cá đã ít nhất phải 30 cân mỗi ngày cất vó, nhẩm tính sơ sơ cũng dăm bảy trăm triệu/năm.

Thành công ấy, vợ chồng anh Hải khẳng định, xuất phát từ tư duy làm nông nghiệp hiện đại, biết áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật và nhân lực chất lượng cao. Năm nào, vợ chồng cũng khăn gói tìm đến và học hỏi các mô hình trang trại lớn ở trong và ngoài tỉnh, nào là Quảng Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh… Quy trình kiểm dịch ở trang trại được thực hiện rất khắt khe, khách vào ra tuyệt đối không tùy tiện, phải khẩu trang, áo trắng khử trùng, ủng cao quá gối; phun thuốc khử 1 tuần 2 lần; tiêm phòng gia súc, gia cầm theo lịch đều đặn.

Trang trại có 8 nhân công chuyên nghiệp, bằng cấp hẳn hoi, nhận lương trung bình từ 6 - 10 triệu đồng/ người/ tháng. Trang trại thành mô hình điểm để bà con gần, xa đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, tư vấn về giống và cách nuôi hiệu quả, mọi người dành nhiều mến yêu cho đôi vợ chồng nhiệt tình, chẳng bao giờ giấu nghề. Cười thật tươi, anh Hoàng Quốc Hải chia sẻ về một cơ ngơi trang trại tổng hợp V-A-C-R gần 40 ha đang dần thành hình ở quê nhà Diễn Lâm (Diễn Châu). Anh bảo, mình yêu nghề nông cực nhọc này, yêu đến độ, luôn khao khát “chinh phục” nghề, làm chủ nghề bằng công nghệ và khoa học kỹ thuật, chứ không thể phụ thuộc vào thiên nhiên đầy bất trắc...

Kỳ Phương