Hạt muối và vùng cao
(Baonghean) - Xưa, khái niệm hạt muối và vùng cao khá xa vời. Bởi muối ở biển, cõng được lên non là việc hoàn toàn không dễ. Vậy nên mới có chuyện, bà con miền núi trước đây phải dùng than cỏ tranh thay muối, nhà nào có lưng ống nứa muối hạt đã là quý lắm. Nay, con hươu lên miền ngược, cũng như là chuyện hạt muối và vùng cao ngày xưa thôi! Điều đó, được phản ánh hết sức sinh động trong bài viết "Hợp tác xã nuôi... chó bản" của tác giả Thục Anh, đăng trên trang 4- 5 (Báo Nghệ An cuối tuần, số ngày 9/11)…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong bài viết rất độc đáo và thú vị này, tác giả đã đặt ra một vấn đề khá giản đơn nhưng đầy bất ngờ mà nhiều người nghĩ mãi chưa ra, đó là việc: "Cái quả trên cây chỉ việc hái xuống, con cá trong khe chỉ việc câu lên. Đơn giản và thô sơ thế thôi, vậy mà đùng một cái bảo bà con ra biển bắt cá voi, trồng cây trong nhà kính thì rõ là khó hơn lên trời! Thế nên bắt đầu từ những gì đơn giản mà gần gũi với bà con thôi, có thể hiệu quả kinh tế không quá cao nhưng vì dễ làm, dễ thấy nên bà con dễ nghe, dễ thành công".
Rõ ràng, con hươu là vật nuôi thuộc loại "quý tộc". Bỏ qua giá thành cao ngất ngưởng, thì công sức chăm bẵm, phòng dịch bệnh... cũng khá xa vời với bà con vùng sâu, vùng xa, vốn dĩ chỉ quen với "săn bắt, hái lượm". Bởi vậy cho nên, tác giả nhận xét rất chí lý: "Mình ngẫm nghĩ thấy cũng có lý, nuôi trâu bò, gà vịt mà bà con còn theo tập quán chăn nuôi cũ, thả rông không tiêm phòng được nên dịch chết hết thì nuôi sao nổi con hươu? Có trách thì trách mô hình... quý tộc quá, không dành cho nhà nghèo!".
Từ tiêu đề tưởng chừng như là giỡn chơi, là đùa, nhưng tác giả đã rất nghiêm túc khi viết "Nói đi nói lại, làm đi làm lại, vẫn cứ vướng mắc ở khâu chọn con gì, cây gì cho phù hợp với thổ nhưỡng, phong tục canh tác sản xuất, trình độ và điều kiện kinh tế của bà con. Bài toán này có khó không? Rất khó, nhưng đó là vì chúng ta đặt mục tiêu quá cao, quá xa". Ai cũng biết làm việc cả, thời chưa có kế hoạch, không có Nhà nước thì người dân tự sản tự tiêu khép kín và người ta trồng, người ta nuôi những thứ bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu. Còn muốn giúp người dân bứt phá, thoát ra cái nghèo thì ở chính sách đầu ra cho sản phẩm nuôi, trồng gì thì chỉ phía Nhà nước mới trả lời được. Có được cái đó thì người dân sẽ tìm mọi cách đáp ứng. Rõ ràng câu trồng cây gì, nuôi con gì không phải để nói với dân mà là câu của các nhà quản lý nói với nhau.
Thế nên, như tác giả Thục Anh đã viết "Trước tiên ta hướng dẫn cho bà con bắt con cá khe về thả trong ao, nuôi lớn rồi bán lấy tiền đóng thuyền ra sông bắt con cá sông, lại có tiền đóng thuyền ra biển, lúc đó mới mong bắt được cá voi. Tích tiểu thành đại, có cái bé rồi sẽ có cái lớn, làm được cái dễ rồi mới nghĩ đến làm cái khó!". Đó mới đúng quy luật, mới là cách làm đúng.
Thế cho nên, bài toán nghe có vẻ rất khó khăn trong việc "nuôi con gì" này đã được tác giả hóa giải bằng một cách đơn giản đến không ngờ. Đó là "Nuôi con gì cao xa chi bằng nuôi con... chó. Em quan sát kỹ rồi, ở đây không nhà nào là không nuôi vài ba con chó. Chó tự ăn, tự sinh sản không cần chăm nom gì. Trong khi dưới xuôi nhu cầu tiêu thụ thịt chó nhiều vô kể". Và bằng những lập luận hết sức khoa học, thí dụ "Thử tính, mỗi con chó 1 năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa ít cũng phải 4 con. Nuôi khoảng 4-5 tháng là có thể bán, rẻ phải được dăm, bảy trăm nghìn 1 con. Thế là mỗi năm không tốn công, tốn tiền gì mấy mà thu nhập thêm được dăm triệu", tác giả đã chỉ ra điều đó là hoàn toàn khả thi.
Phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa là điều rất quan trọng, là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, nhưng cần phải bắt đầu từ chỗ để cho bà con có thể theo được, học được. Chứ không nên, và không thể trồng cây từ ngọn được. Như tác giả đã viết "cốt là mình có cái tâm tìm hiểu khả năng của bà con, có cái đầu nghĩ ra phương án phù hợp với họ, có bàn tay dạy họ, làm cùng họ". Việc này, tưởng khó. Nhưng như tác giả bài viết đã nói, quan trọng là có cái tâm với bà con, nghĩa là phải hiểu được bà con. Đó mới là điều khó.
Người xây dựng