Người tố cáo tham nhũng - điều cần trước nhất là được bảo vệ

14/04/2015 09:45

(Baonghean) - Thông tư liên tịch số 01/2015 của Thanh tra Chính phủ - Bộ Nội vụ quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/5 tới.

Theo Thông tư này, đối tượng được khen thưởng là những cá nhân lập thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng và cộng tác với cơ quan chức năng xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước. Có 3 hình thức khen thưởng: Huân chương Dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương.

Ngoài mức thưởng theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng, người lập thành tích xuất sắc trong tố cáo hành vi tham nhũng còn được thưởng từ Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý với các mức: Huân chương Dũng cảm thưởng bằng 60 lần mức lương cơ sở (trên 60 triệu đồng), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thưởng bằng 40 lần mức lương cơ sở (trên 40 triệu đồng), Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương thưởng bằng 20 lần mức lương cơ sở (trên 20 triệu đồng). Trong trường hợp giúp thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì được xét thưởng vượt mức quy định trên đây nhưng không vượt quá 10% số tiền, giá trị tài sản thu hồi được và không vượt quá 3.000 lần mức lương cơ sở (tương đương 3,4 tỷ đồng).

Để thực hiện các quy định khen thưởng trên đây, điều quan trọng nhất là bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Không bảo vệ được người tố cáo tham nhũng thì chẳng những không thể khen thưởng mà người tố cáo tham nhũng còn bị trù dập. Thực chất việc tố cáo tham nhũng là bước khởi đầu cuộc đấu tranh pháp lý nhằm bảo vệ lợi ích tập thể và quyền lợi chính đáng của công dân. Cuộc đấu tranh này không hề đơn giản mà rất cam go quyết liệt. Trong nhiều trường hợp, sau khi nhận được đơn thư tố cáo, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kịp thời, xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản cho Nhà nước và trả lại quyền lợi chính đáng của công dân. Nhưng cũng có những trường hợp, sau khi xuất hiện đơn thư tố cáo, các phần tử tham nhũng đã cấu kết với nhau trong nhóm lợi ích để bao che cho nhau, cô lập người tố cáo. Trong những trường hợp này, nếu người tố cáo tham nhũng không được các cơ quan chức năng bảo vệ kịp thời thì dễ rơi vào tình cảnh đơn độc, phải hứng chịu nhiều hậu quả: mất việc làm, bị sa thải, bị trù dập, thậm chí bị kỷ luật; đã có những trường hợp oan sai đối với người tố cáo tham nhũng.

Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương và các địa phương đã tổ chức nhiều cuộc vinh danh những tấm gương dũng cảm chống tham nhũng, được nhân dân đồng tình. Trong những cuộc vinh danh này, nhiều tấm gương lên báo cáo thành tích đã kể lại hành trình chống tham nhũng của mình trong niềm phấn khởi, tự hào. Nhưng cũng có những tấm gương khi kể lại thành tích của mình đã nghẹn ngào rơi nước mắt. Nhiều tấm gương dũng cảm chống tham nhũng là do bất bình trước hành vi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, xâm phạm lợi ích của tập thể, vi phạm quyền của công dân. Nhưng cũng có những gương dũng cảm đương đầu với bọn tham nhũng để đòi lại quyền lợi chính đáng cho bản thân mình. Dù chống tham nhũng trong bối cảnh nào, thì việc tố cáo hành vi tham nhũng cũng là bước khởi đầu khó khăn nhất. Một lá đơn tố cáo tham nhũng có thể dẫn đến một vụ án lớn, nếu được các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm minh thì người tố cáo sẽ thắng lợi vẻ vang. Ngược lại, nếu có thế lực bảo kê cho bọn tham nhũng thì đơn tố cáo sẽ bị đùn đẩy không được giải quyết, người tố cáo tham nhũng có thể bị trù dập.

Khen thưởng người có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng là rất cần thiết, sẽ đem lại hiệu quả thiết thực. Nhưng đối với người tố cáo tham nhũng, điều họ cần nhất là được công lý bảo vệ. Mong muốn thiết tha nhất của họ là bọn tham nhũng bị trừng trị nghiêm minh trước pháp luật, tài sản của nhà nước được thu hồi, quyền lợi của công dân được bảo vệ, công bằng xã hội được bảo đảm. Đó là phần thưởng cao nhất đối với người tố cáo tham nhũng.

Trần Hồng Cơ