Vòng loại Giải bóng đá U23 Châu Á: Tin tưởng và hy vọng
(Baonghean) - Vào thứ sáu tuần này, đội tuyển U23 Việt Nam bắt đầu hành trình vòng loại bằng trận đấu với đội chủ nhà U23 Malaysia. Có thể nói, đây là trận đấu quyết định con đường đến Qatar để tham dự Vòng chung kết Giải bóng đá U23 châu Á của các học trò HLV Miura.
Dù đặt chỉ tiêu vượt qua vòng loại (thậm chí HLV Miura còn nghĩ đến một kết quả thuận lợi trước đội mạnh nhất bảng là U23 Nhật Bản) nhưng quá trình chuẩn bị của U23 Việt Nam khiến nhiều người hâm mộ lo ngại. 5 trận giao hữu, trong đó có 3 trận giao hữu quốc tế, U23 Việt Nam giành được 2 chiến thắng, hòa 2 trận và để thua 1 trận – một màn chạy đà không thể coi là hoàn hảo. Còn về lối chơi, các học trò của HLV Miura bị đặt nhiều nghi ngờ vì các vị trí vận hành, phối hợp không nhuần nhuyễn. Thậm chí, nhiều “chuyên gia” trên các tờ báo thể thao hay trên truyền hình còn cho rằng phương pháp huấn luyện và chiến thuật của HLV Miura đang làm đội tuyển ngày càng yếu đi, đặc biệt là sau trận thua 1-3 trước U23 Thái Lan.
Tất nhiên người hâm mộ có quyền phàn nàn vì những gì mình thấy, nhưng sẽ là hơi vội vàng để kết luận bất cứ điều gì. Chiến lược gia người Nhật có cách làm của riêng mình. Đội Olympic tại Asiad và ĐTVN tại AFF Cup đã chơi rất thành công trong năm 2014 với một lối chơi tương tự U23 vào thời điểm này, vậy thì tại sao chúng ta lại bắt ông Miura phải thay đổi khi đội tuyển mới nhận thất bại đầu tiên trong năm 2015 trước U23 Thái Lan và mới chỉ tập trung được đúng 1 tháng? Hơn nữa, trận đấu với U23 Thái Lan vẫn chỉ là một trận giao hữu và việc thất bại trước đối thủ mạnh như thầy trò HLV Kiatisak là chuyện hết sức bình thường. Đã là thử nghiệm thì cần những thất bại để tìm ra điểm yếu để khắc phục, chứ không phải thắng như chẻ tre để lấy tinh thần trước khi vào giải.
HLV Miura mất khá nhiều thời gian để truyền tải triết lý bóng đá của ông đến các cầu thủ trong mỗi buổi tập. Ảnh Internet |
Mặt khác, nhìn vào thực lực của các đối thủ ở vòng loại, chúng ta có quyền đặt hy vọng vào các học trò của HLV Miura. U23 Nhật Bản dĩ nhiên là một “ông kẹ”, và khả năng làm nên điều bất ngờ trước đội bóng này là rất nhỏ. U23 Macau, ngược lại, là đội bóng quá yếu. Vậy nên, đối thủ chính dĩ nhiên là U23 Malaysia – một đội bóng không hề dễ chơi chút nào.
Nói là không dễ, bởi trong khoảng gần 5 năm trở lại đây, các đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 Malaysia có thành tích khá tốt khi đối đầu với các đội bóng Việt Nam. Lối chơi bóng chặt chẽ, thiên về thể lực và tinh thần bền bỉ của người Mã từng được coi là “khắc tinh” của các cầu thủ Việt Nam. Tuy nhiên, đội U23 Malaysia hiện tại cũng chẳng có gì đáng ngại. Việc LĐBĐ nước này phân chia ra 2 đội U23 - một đội U23 chuẩn bị cho SEA Games 2015 và một đội tham dự vòng loại U23 châu Á, khiến lực lượng của họ bị phân tán. Đội hình của U23 Malaysia dự vòng loại cũng sở hữu nhiều cầu thủ trẻ tài năng như Nazmi Faiz, hay Shafiq Shaharudin... nhưng chất lượng đội này kém xa so với đội tuyển U23 “SEA Games”.
Được tập trung sớm hơn U23 Việt Nam nhưng trong quá trình chuẩn bị cho vòng loại của U23 Malaysia lại khá tệ. Đoàn quân của HLV Razip Ismail có tổng cộng 8 trận giao hữu, nhưng ngoài chức vô địch Bangabandhu Gold Cup 2015 với 3 trận thắng trước các đối thủ yếu như Bangladesh, Sri Lanka, U23 Malaysia thua đến 3 trận trước U23 Indonesia, U23 Fiji và đặc biệt là trận thua muối mặt trước “đàn em” U20 Myanmar với tỉ số 0-3. Ở trận giao hữu cuối cùng, U23 Malaysia bị đội tuyển U23 Myanmar cầm hòa với tỷ số 1-1 trong một trận cầu mà họ bị áp đảo. Trước một đối thủ như vậy, nếu biết phát huy những điểm mạnh và khắc phục được những điểm yếu trong quá trình chuẩn bị vừa qua và thi đấu với sự tập trung và quyết tâm cao nhất, U23 Việt Nam hoàn toàn có thể giành được một chiến thắng ngay trên sân đối thủ như cái cách mà ĐTVN đã từng làm tại trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014.
Mai Anh