Quy định số lượng cấp phó tại các bộ, ngành căn cứ vào thực tế

09/04/2015 18:24

Sáng 9/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 37, cho ý kiến vào dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Góp ý tại phiên họp, đa số Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; rà soát lại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong các lĩnh vực cụ thể để bảo đảm đầy đủ bao quát nhưng tránh chồng chéo, trùng lặp.

Một số ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo sao cho bám sát các quy định của Hiến pháp để cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ.

Liên quan tới vấn đề quốc phòng, an ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đề nghị sửa đổi dự thảo Luật cho phù hợp với Hiến pháp, như giáo dục an ninh quốc phòng cho toàn dân, đảm bảo trang bị vũ trang cho lực lượng công an nhân dân, cũng như thực hiện nhiệm vụ kinh tế gắn với quốc phòng an ninh...

Nhóm quy định về số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị thuộc bộ nhận được nhiều ý kiến góp ý tại buổi thảo luận sáng nay. Theo đề xuất trong dự thảo Luật, số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 5; số lượng cấp phó của Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tối đa là 3; số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 2. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị cần thảo luận và cân nhắc về quy định này.

Băn khoăn vì quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, cần cân nhắc trên tình hình thực tế. Chẳng hạn với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là bộ rất lớn, nếu để khung quá hẹp như vậy, không biết có đủ để phân công cán bộ điều hành không?

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cũng nhận định, riêng quy định về số lượng cấp phó, có những bộ nhập từ nhiều bộ, nếu khống chế chỉ có 5 Thứ trưởng thì chưa phù hợp. Ông Ksor Phước đề nghị cân nhắc thêm, với những trường hợp cấp phó vượt quá 5 người thì Quốc hội có thể cân nhắc, linh động, không nên chỉ dừng lại ở số lượng 5 cấp phó.

Ngoài ra, có những Tổng cục lớn tương đương với một bộ cũng nên cân nhắc số lượng cấp phó cho phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị số lượng cấp phó phải quy định vào luật theo hướng, ở cấp bộ và cơ quan ngang bộ không quá 5 cấp phó, trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định không quá 6. Đối với cấp Tổng cục nên quy định cấp phó không quá 4, cấp Cục không quá 3, cấp Vụ không quá 2.

Góp ý kiến tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đề nghị cụ thể hóa các nhiệm vụ quyền hạn trong lĩnh vực tư pháp vào dự thảo Luật; đồng thời bổ sung thêm một khoản mới để đảm bảo tính bao quát hơn về các lĩnh vực kiểm tra văn bản pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, bồi thường nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.

Tại kỳ họp thứ 9 sẽ được khai mạc vào tháng 5 tới đây, Quốc hội sẽ tiếp tục cho ý kiến và xem xét thông qua Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Trong phiên thảo luận cho ý kiến vào Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 9-4, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đồng tình với mô hình quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND).

Tuy nhiên, nếu theo phương án, có ý kiến đề nghị làm rõ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vào tháng 10 - 2014. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị hành chính.

Đối với mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị, nông thôn, hiện có 2 phương án. Phương án 1: Quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Luật những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án này có những ưu điểm và hạn chế. Về ưu điểm, phương án này bảo đảm tính ổn định của tổ chức bộ máy nhà nước, không làm xáo trộn mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay. Đồng thời, thể hiện sự thống nhất giữa việc phân chia đơn vị hành chính với việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính đó và cũng phù hợp với tổ chức của hệ thống chính trị hiện nay của nước ta là ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện đều có các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội, Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan khác được tổ chức theo ngành dọc.

Tuy nhiên, phương án này cũng có hạn chế là chưa đáp ứng yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI. Ngoài ra, không thấy được sự khác biệt về mô hình tổ chức giữa các đơn vị hành chính có đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; và nếu không làm rõ được những điểm khác biệt về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị, hải đảo thì sẽ dễ dẫn đến sự đồng nhất về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền địa phương ở tất cả các đơn vị hành chính.

Phương án thứ hai được đưa ra đó là: Quy định ở các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Với Phương án không tổ chức HĐND phường thì cách thức thành lập UBND phường có thể thực hiện theo một trong 2 phương án như sau:

Thứ nhất, Chủ tịch UBND phường do cử tri của phường bầu trực tiếp và Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn; Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND phường do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chủ tịch UBND phường.

Thứ hai, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND phường do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Cho ý kiến vào dự thảo Luật này, hầu hết các Ủy viên UBTVQH đều tán thành với phương án 1 và dự thảo Luật cũng đang được thể hiện theo hướng này, có nghĩa mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị, nông thôn không thay đổi so với hiện nay. Với những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo sẽ được quy định cụ thể trong Luật.

Theo Vietnam+/baohaiquan.vn

TIN LIÊN QUAN