Iran - Syria: "Trụ cột" vững chắc ở khu vực Trung Đông

21/05/2015 10:14

(Baonghean) - Trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, chuyến thăm Syria của cố vấn cấp cao của nhà lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei, ông Ali Akbar Velayati, tiếp tục khẳng định mối quan hệ đồng minh giữa Syria và Iran ngày càng khăng khít. Liên minh Syria - Iran được tăng cường khẳng định đây là một trong những “trụ cột” vững chắc, khó lay chuyển ở khu vực này.

Theo hãng thông tấn SANA của Syria, tại cuộc gặp, Tổng thống Bashar Al Assad đã khẳng định Iran là “nhân tố chủ chốt ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố của chúng tôi”, trong khi ông Velayati tái khẳng định Iran “quyết tâm tiếp tục sát cánh bên cạnh Syria và ủng hộ mọi thứ cần thiết”. Động thái này cho thấy sự ủng hộ “trước sau như một” của Iran đối với Syria trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Assad đang phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ phương Tây và sự trỗi dậy của lực lượng đối lập.

Ảnh minh họa. Nguồn: thesleuthjournal.com
Ảnh minh họa. Nguồn: thesleuthjournal.com

Có thể nói, liên minh Iran –Syria là một liên minh rất đặc biệt và có chiều dài lịch sử. Năm 1979, cách mạng Hồi giáo Iran thành công đã làm thay đổi cán cân chiến lược ở Trung Đông. Người Hồi giáo dòng Shiite đã vươn lên thành một thế lực hùng mạnh trong khi đa số các quốc gia Trung Đông đều nằm dưới sự lãnh đạo của người Hồi giáo dòng Sunni. Bên cạnh đó, nhận thức chung về mối đe dọa từ Israel và Mỹ giống như phản xạ tự nhiên kéo hai nước Iran – Syria lại gần với nhau. Cố Tổng thống Syria Hafez al-Assad, cha đẻ của đương kim Tổng thống Bashar al Assad là nhà lãnh đạo duy nhất người Arab dám tách mình khỏi hàng ngũ thế giới Arab để ủng hộ Iran trong cuộc chiến Iran – Iraq những năm 80 của thế kỷ trước, trong khi đại đa số các quốc gia trong Liên minh Arab đều có quan hệ căng thẳng với Iran. Do đó, nhiều năm qua, Syria cũng luôn tìm cách ngăn chặn các quốc gia Arab thành lập Liên minh chống Iran.

Sau khi cố Tổng thống Syria Hafez al-Assad qua đời vào tháng 6/2000 và người con trai Bashar của ông trở thành Tổng thống, liên minh chính trị giữa Syria và Iran đã dần trở nên mang tính chiến lược, và sự hợp tác quân sự, tình báo giữa hai quốc gia đã gia tăng đáng kể. Với Syria, Iran không những giống như một người bạn chân thành mà còn là chỗ dựa vững chãi trước những sóng gió ở trong và ngoài nước. Cuộc khủng hoảng Syria nổ ra năm 2011 theo làn sóng “Mùa xuân Arab” khiến Chính phủ Bashar al Assad đứng trước nhiều khó khăn, Iran đã dang tay hỗ trợ đồng minh của mình. Khi Liên đoàn Arab dưới sự hậu thuẫn của Mỹ và phương Tây gạt bỏ Chính phủ Bashar al Assad khỏi Liên đoàn này và thay bằng ghế của lực lượng đối lập Syria, Iran đã trở thành quốc gia đồng minh duy nhất bên cạnh Syria ở khu vực Trung Đông trong cuộc đối đầu với Mỹ. Về phần Iran, liên minh với Syria là con đường để nước này mở rộng ảnh hưởng tại khu vực trước “kỳ phùng địch thủ” Saudi Arabia và kẻ thù “không đội trời chung” Israel.

Bên cạnh đó, cùng hệ giáo phái cũng là nguyên nhân khiến liên minh Iran – Syria ngày càng trở nên bền chặt. Trong bối cảnh người Hồi giáo dòng Sunni đang chiếm thế thượng phong ở khu vực, sự kiện Mỹ tấn công Iraq năm 2003 lật đổ Nhà nước Hồi giáo của người Sunni và người Hồi giáo dòng Shiite lên cầm quyền như một “món quà” ngẫu nhiên dành cho Iran và Syria. Ngoài ra, để đối phó với Israel, Iran và Syria đã cùng ra sức xây dựng và hỗ trợ lực lượng Hezbollah ở Liban. Do đó, lợi ích chiến lược và nhận thức chung về các mối đe dọa là những yếu tố cơ bản kết nối Syria và Iran lại với nhau.

Lãnh tụ tối cao Iran, đại Giáo chủ Khamenei luôn có quan điểm sẵn sàng dành nhiều nguồn lực để bảo vệ lực lượng Hezbollah ở Liban và rộng hơn là Chính phủ Bashar al Assad ở Syria. Giới phân tích cho rằng, điều này sẽ giúp Iran cân bằng lực lượng ở Trung Đông trước Liên đoàn Arab và Israel, gián tiếp bảo vệ chế độ hiện nay ở Tehran trước sự “nhòm ngó” của Mỹ. Do đó, có thể nói, liên minh Syria – Iran càng ngày càng bền chặt hơn bởi mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên giống như môi và răng, nếu môi hở thì răng cũng lạnh.

Nguyễn Cao Biền