Mỹ - Cuba bình thường hóa quan hệ: Dấu ấn của Giáo hoàng Francis

26/12/2014 10:17

(Baonghean) - Trong những ngày lễ Noel lạnh lẽo này, việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba là một điều không thể ấm áp hơn. Bởi sau hơn nửa thế kỷ bị các lệnh bao vây cấm vận, hơn ai hết người dân trên quốc đảo xinh đẹp vùng Caribe thấu hiểu sự thiếu thốn mọi bề mà các con số thống kê không bao giờ thể hiện hết được. Việc bình thường hóa quan hệ ngoài sự nhận thức của chính những người lãnh đạo cao nhất của 2 quốc gia, còn có nỗ lực không ngừng nghỉ của vị Giáo hoàng đáng kính đến từ khu vực Mỹ Latin – Giáo hoàng Francis.

TIN LIÊN QUAN

Tổng thống Obama (phải) gặp Đức Giáo hoàng Francis ngày 27/3/2014 tại Vatican.
Tổng thống Obama (phải) gặp Đức Giáo hoàng Francis ngày 27/3/2014 tại Vatican.

Giáo hoàng Francis sinh ngày 17/12/1936 tại Buenos Aires, Argentina trong một gia đình có 5 anh em di dân gốc Ý, tên khai sinh của ông là Jorge Bergoglio. Sau khi học tại Chủng viện Villa Devoto, ông gia nhập Dòng Tên (còn gọi là Dòng Chúa Giêsu, là một dòng tu lớn của Công Giáo) vào ngày 11/3/1958 và bắt đầu học thần học sau khi có bằng thạc sỹ hóa học của Đại học Buenos Aires. Ông cũng hoàn thành cử nhân triết học tại Đại học Maximo San José ở San Miguel vào năm 1963, sau đó giảng dạy văn học và tâm lý học tại hai Trường Inmaculada ở Santa Fe và Salvador ở Thủ đô Buenos Aires.

Có một khoảng thời gian ông làm nhân viên bảo vệ trong quán bar, nhân viên quét dọn sàn nhà và tiến hành các thí nghiệm hóa học. Năm 1969, ông trở thành linh mục và sau đó đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong Giáo hội. Từ năm 1998, ông trở thành Tổng Giám mục của Tổng Giáo phận Buenos Aires. Đến năm 2001, Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong ông làm Hồng y. Ngày 13/3/2013, ông được bầu làm Giáo hoàng trong cuộc Mật nghị Hồng y sau khi Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị trước đó vào ngày 28/2. Ông sinh tại Argentina, nên ông là vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh.

Giáo hoàng Francis được đánh giá là người khiêm nhường, bình dị, ông là người luôn dành nhiều sự quan tâm đến người nghèo và sẵn sàng đối thoại với các nhóm cộng đồng có tư tưởng, xuất thân và niềm tin khác nhau. Sau khi đắc cử Giáo hoàng, ông thể hiện một tác phong giản dị hơn trong công việc hàng ngày, chẳng hạn ông chọn nơi cư ngụ là Lưu xá Thánh Marta (một nhà khách của Vatican), thay vì chọn căn hộ dành riêng cho Giáo hoàng tại Thánh điện; mặc áo lễ đơn giản hơn và từ chối mặc chiếc áo choàng sặc sỡ truyền thống dành cho Giáo hoàng. Dù chỉ mới lên lãnh đạo Giáo hội Công giáo, nhưng trong 2 năm liên tiếp (2013 và 2014), ông được tạp chí danh giá Forbes xếp hạng ở vị trí thứ 4 trong số những nhân vật quyền lực nhất thế giới. Còn Tạp chí Time bình chọn ông là nhân vật của năm 2013.

Trở lại với sự kiện Mỹ và Cuba bình thường hóa quan hệ. Như chúng ta đã biết, từ khi Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt hơn nửa thế kỷ qua, đã làm thiệt hại đối với nền kinh tế Cuba 1.100 tỷ USD, nhưng những tổn thất không chỉ dừng lại ở những con số mang tầm vĩ mô, mà đó còn là sự thiếu thốn rất nhiều mặt trong cuộc sống. Trong đó có thể kể đến nền sản xuất nông nghiệp, với một đất nước hội đủ mọi điều kiệt để phát triển nền nông nghiệp mạnh như khí hậu, thổ nhưỡng, nhưng đến nay, Cuba vẫn là nước phải nhập khẩu 60% đến 65% lương thực để phục vụ nhu cầu trong nước.

Rõ ràng đây là một nghịch lý, mà nguyên nhân không gì khác ngoài việc chịu tác động từ các lệnh cấm vận; hay như ngành Du lịch, rất nhiều công dân Mỹ mong muốn được đến quốc đảo xinh đẹp Cuba chỉ cách 180 km đường biển để tham quan, khám phá, nhưng trước đây, do việc hạn chế đi lại nên họ đành phải gác lại mong muốn chính đáng này… và còn rất nhiều thiệt thòi khác nữa không thể kể hết được xuất phát từ việc Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt.

Cuối cùng, sau bao nỗ lực không biết mệt mỏi của nhân dân Cuba, của cộng đồng quốc tế và quyết định "dũng cảm" của Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã đem đến một mòn quà thực sự ý nghĩa trong những ngày cuối năm 2014. Món quà mà không chỉ người dân Cuba, rất nhiều người dân Mỹ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đều vui mừng, bởi người ta đã mòn mỏi chờ đợi hơn nửa thế kỷ. Mặc dù để đi đến đích cuối cùng như mong muốn của cộng đồng quốc tế và bản thân Tổng thống Obama vẫn còn là con đường dài và lắm chông gai, bởi vẫn còn đó 2 viện Quốc hội Mỹ nằm trong tay Đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn với nước láng giềng. Nhưng dù sao việc xóa bỏ lệnh cấm vận cũng sẽ mở ra chương mới trong mối quan hệ Mỹ - Cuba và sẽ giúp Cuba hội nhập sâu rộng hơn với các quốc gia trong khu vực Tây bán cầu và trên toàn thế giới. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi biết rằng, vai trò của bên thứ 3 là Tòa thánh Vatican và Giáo hoàng Francis.

Như chúng ta đã biết, ngay từ thời kỳ đầu của cuộc khủng hoảng, Tòa thánh Vatican luôn là kênh trung gian quan trọng với mong muốn làm "tan băng" mối quan hệ này. Nhưng chỉ khi một người thuộc khu vực Mỹ Latin là vị lãnh đạo cao nhất tại Tòa thánh như Giáo hoàng Francis, bằng nỗ lực không biết mệt mỏi và uy tín của mình, ông đã làm được điều mà rất nhiều người mong đợi. Chính ông là người viết thư hối thúc 2 bên giải quyết những mối bất đồng và đây được đánh giá là bước ngoặt của cuộc gặp bí mật giữa 2 phái đoàn Mỹ và Cuba, để rồi sau đó 2 bên đã đi đến thống nhất quan điểm bình thường hóa mối quan hệ phức tạp và dai dẳng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Những ngày này, trong không khí Giáng sinh và đón chào năm mới khắp muôn phương, thì món quà mà Đức Giáo hoàng Francis tặng cho người dân Cuba càng trở nên ý nghĩa. Hy vọng rằng, với sự nhân từ, độ lượng của mình, Đức Giáo hoàng Francis sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng hơn nữa để làm "tan băng" nhiều mối quan hệ phức tạp "truyền thống" và mới nảy sinh trên toàn cầu.

Cảnh Nam